Châu Âu phóng robot cảm tử “ôm” rác vũ trụ ra khỏi quỹ đạo
Các nhà khoa học tại Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) vừa công bố sẽ đưa một robot “cảm tử” có 4 cánh tay lớn vào quỹ đạo để dọn dẹp rác vũ trụ. Đây là bước đi đầu tiên của ESA trong sứ mệnh thu dọn mảnh vỡ không gian khỏi quỹ đạo.
Vì sao phải dọn rác vũ trụ ở ngoài không gian xung quanh Trái Đất? Đó là bởi có hàng trăm nghìn mảnh vỡ từ các vụ phóng tên lửa đang trôi nổi ngoài không gian có nguy cơ gây va chạm.
Trong khoảng 60 năm qua, hàng nghìn tấn rác vũ trụ đã tích tồn quanh Trái Đất, bao gồm các mảnh tên lửa đẩy, khoảng 3.500 vệ tinh không hoạt động và chừng 750.000 mảnh vỡ nhỏ, một trong số đó đến từ những vụ va chạm của các mảnh vỡ lớn hơn. Các mảnh vỡ này đang di chuyển trên quỹ đạo với tốc độ hàng chục nghìn km/giờ. Nếu không thực hiện việc dọn dẹp thì khả năng va chạm sẽ tăng lên khi có hàng nghìn vệ tinh được đưa lên vũ trụ.
Theo ESA, họ dự định sẽ phối hợp với một công ty khởi nghiệp Clearspace (Thụy Sỹ) để chế tạo tàu dọn rác vũ trụ có tên ClearSpace-1 (trị giá 120 triệu euro) để dọn dẹp khoảng không gian bên ngoài Trái Đất. Cơ quan này cũng hy vọng kế hoạch trên sẽ mở đường cho nhiều chiến dịch dọn rác trong tương lai.
Ngoài ra, Tổng giám đốc của ESA còn kêu gọi việc đề ra những quy chuẩn mới buộc những người phóng vệ tinh và vật thể khác vào vũ trụ phải chịu trách nhiệm loại bỏ rác khỏi quỹ đạo.
“Hãy thử tưởng tượng việc giao thông hàng hải sẽ nguy hiểm thế nào nếu tất cả các con tàu bị mất tích trong quá khứ vẫn đang trôi nổi trên mặt nước”, ông Jan Wörner, Tổng giám đốc của ESA cho biết. “Đây là tình hình hiện tại trên quỹ đạo và điều này không được phép tiếp diễn.”
Việc gây quỹ để thực hiện nhiệm vụ trên được đã được thông qua tại Hội nghị Hội đồng cấp bộ trưởng của ESA, Space19+ diễn ra ở Seville (Tây Ban Nha) hồi cuối tháng 11/2019.
Mục tiêu của Clearspace-1 là thu dọn một mảnh vỡ có tên Vespa – tàn tích của vụ phóng tên lửa đẩy Vega của ESA hồi năm 2013 đang trôi nổi ngoài không gian quanh Trái Đất ở độ cao 800km . Vespa nặng 100kg, tương đương kích cỡ của một vệ tinh nhỏ, được lựa chọn bởi nó có hình dạng đơn giản và cấu trúc bền vững, sẽ không bị vỡ khi được thu hồi.
>> Dự án “Dọn sạch Đại dương” mang về mẻ rác đầu tiên
Tàu dọn rác vũ trụ Clearspace-1 sẽ được phóng lên quỹ đạo mục tiêu và lần theo dấu vết của Vespa, thu hồi mảnh vỡ này bằng một thiết bị robot bốn cánh tay rồi đưa ra khỏi quỹ đạo, sau đó cả thiết bị thu hồi và Vespa sẽ bị đốt cháy trong bầu khí quyền trước khi rơi xuống Trái Đất. Nếu việc này diễn ra suôn sẻ, các robot sẽ nhắm đến việc dọn dẹp các vật thể lớn hơn, cuối cùng là cố gắng loại bỏ nhiều mảnh rác cùng một lúc.
“Đây là thời điểm thích hợp thực hiện nhiệm vụ dọn rác trong không gian. Vấn đề mảnh vỡ trong không gian đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết bởi có gần 2.000 vệ tinh đang hoạt động và hơn 3.000 cái không còn sử dụng”, ông Luc Piguet, người sáng lập Clearspace cho biết. Dự án dọn rác trong không gian sẽ bắt đầu vào đầu năm 2020 và trải qua một loạt các thử nghiệm ở quỹ đạo thấp trước khi ra mắt chính thức vào năm 2025.
Từ khóa cánh tay robot rác vũ trụ không gian vũ trụ vệ tinh