Chuyên gia vắc-xin Anh: Không thể đạt miễn dịch cộng đồng với biến thể Delta
- Phan Anh
- •
Giáo sư Andrew Pollard là một trong các chuyên gia tham gia phát triển vắc-xin AstraZeneca. Ông là người đứng đầu Oxford Vaccine Group, đồng thời giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI) của Anh – ủy ban độc lập tư vấn về tiêm chủng. Theo ông Pollard, giờ đây chúng ta không nên tập trung vào khả năng miễn dịch cộng đồng nữa bởi biến thể Delta có thể lây lan rất nhanh, ngay cả ở những người đã tiêm chủng.
Trong buổi điều trần tại một ủy ban của Hạ viện Anh hôm 10/8, ông Pollard nói rằng trong lịch sử, một khi 95% dân số tiêm chủng thì bệnh sởi sẽ không lây lan, nhưng điều này không còn đúng với dịch bệnh COVID-19. Ông cảnh báo rằng điều này có nghĩa là “bất cứ ai vẫn chưa tiêm chủng thì vào một thời điểm nào đó sẽ nhiễm virus”.
Khả năng miễn dịch cộng đồng dựa vào việc phần lớn dân số đạt được khả năng miễn dịch, thông qua tiêm chủng hoặc phơi nhiễm trước đó, khiến cho virus không còn lây lan đáng kể cho phần dân số còn lại.
Giáo sư Andrew Pollard cho biết miễn dịch cộng đồng hiện là điều bất khả thi, vậy nên, điều này không nên là yếu tố căn bản để thiết kế các chương trình tiêm chủng ở Anh cũng như trên toàn cầu.
Ông Andrew cho hay rằng biến thể Delta (được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ) là nguyên nhân khiến cho vắc-xin không còn ngăn chặn được hoàn toàn virus.
Ông nói với các nghị sĩ: “Chúng tôi biết rất rõ rằng biến thể hiện tại này [Delta] sẽ vẫn lây nhiễm cho những người đã tiêm chủng và điều đó có nghĩa là bất kỳ ai chưa tiêm chủng sẽ nhiễm virus. Với biến thể hiện tại này, khả năng miễn dịch cộng đồng là không thể bởi nó vẫn lây nhiễm cho cả những người đã tiêm vắc-xin”.
Ông Andrew cho biết trong tương lai có thể xuất hiện “một biến thể thậm chí còn có khả năng lây lan mạnh mẽ hơn trong những người đã tiêm chủng”.
Ông tiếp tục: “Tôi nghĩ rằng 6 tháng tới đây là một giai đoạn thực sự quan trọng, trong quá trình chuyển dịch từ dịch bệnh sang bệnh đặc hữu, đó là việc sống chung với COVID-19. Điều này không có nghĩa là chúng ta sống chung với nó và chịu đựng nó, bởi chúng ta vẫn phải giúp những người nhiễm bệnh”.
Theo ông, vắc-xin có thể làm chậm quá trình lây truyền một chút, bởi có một số bằng chứng cho thấy những người đã tiêm chủng có thể gây ra lây nhiễm trong một thời gian ngắn hơn, nhưng cũng cảnh báo rằng “chúng tôi không có bất cứ thứ gì” để ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của COVID-19.
Ông nói rằng ngay cả khi tất cả trẻ em đã được tiêm chủng, điều đó cũng không làm virus ngừng lây lan.
Giáo sư Pollard cho biết rằng cần tập trung vào việc cải thiện vấn đề điều trị cho những người bị bệnh nặng phải nhập viện do COVID-19.
Nhận định của ông Andrew được đưa ra khi Anh báo cáo số ca tử vong do COVID-19 hàng ngày cao nhất kể từ tháng 3. Ngày 10/8, nước này ghi nhận 23.510 trường hợp mắc mới và thêm 146 ca tử vong. Đây là con số tử vong cao nhất kể từ báo cáo 175 người thiệt mạng được ghi nhận ngày 12/3. Trước đó, Anh báo cáo 25.161 trường hợp nhiễm bệnh và 37 ca tử vong vào hôm 9/8. Chính phủ Anh cũng thông báo ngày 10/8 rằng hơn 3/4 người lớn ở quốc gia này hiện đã tiêm cả 2 liều vắc-xin. Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội cho biết 89% đã được tiêm liều đầu tiên và 75% đã tiêm đủ 2 liều.
Nhận định của ông Andrew đã được nhắc lại bởi một số chuyên gia khác khi ra điều trần hôm 10/8. Cụ thể, Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia, cho biết không thể đạt được miễn dịch cộng đồng vào thời điểm này.
Các nhận định được đưa ra trong bối cảnh sự hiểu biết của giới khoa học đang thay đổi về vai trò của việc tiêm chủng với COVID-19. Trước đây, có một số hy vọng rằng, nếu mức độ tiêm chủng đủ lớn, thì virus sẽ không thể lây lan nữa.
Đầu năm 2021, thậm chí còn có ý kiến cho rằng những người có nhiều khả năng lây lan virus corona, bao gồm người lao động tuyến đầu và thanh niên, nên được tiêm chủng trước. Nhưng trong 2 tuần qua, những hy vọng này đã dần tan vỡ.
Mặc dù vắc-xin đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng, nhập viện và tử vong, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy vắc-xin không ngăn chặn được sự lây truyền do biến thể Delta.
Theo nghiên cứu mới được công bố vào tuần trước bởi Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), tải lượng virus có trong những người đã tiêm chủng và chưa tiêm vắc-xin là tương tự nhau. Điều này chỉ ra rằng các mũi tiêm không ngăn chặn sự lây lan của virus nhiều như hy vọng.
Nghiên cứu trên ở Anh dường như tương đồng với phát hiện gần đây tại Mỹ, nơi một nghiên cứu về một đợt bùng phát ở Massachusetts cho thấy lượng virus tương đương nhau trong số 127 người đã tiêm chủng đầy đủ và 84 người khác chưa tiêm chủng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết trong một bản cập nhật hôm 6/8 vừa qua rằng dữ liệu mới về biến thể Delta chỉ ra không có loại vắc-xin nào đạt hiệu quả 100% bởi những người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn có khả năng lây lan virus cho người khác.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Từ khóa Tiêm vắc-xin COVID-19 miễn dịch cộng đồng