Elon Musk lên án YouTube thiếu mạnh mẽ trong trấn áp quảng cáo sai sự thật
- Ngô Thụy Xương
- •
Tỷ phú Elon Musk cho rằng YouTube có quá nhiều quảng cáo sai sự thật và thiếu các hành động trấn áp thực chất. Một tổ chức nghiên cứu tư vấn nổi tiếng của Mỹ đã phát hiện ra rằng “tin giả” của ĐCSTQ thường xuyên xuất hiện trên trang chủ của YouTube và xếp hạng của nó khá cao.
Vào lúc 11:00 trưa ngày 7/6, Elon Musk cho biết trên Twitter rằng “YouTube dường như đang liên tục đẩy (đề xuất) các quảng cáo lừa đảo.” Sau đó, ông đã tweet một hình ảnh meme, trong đó có các nội dung như YouTube thề sẽ trấn áp ngôn từ kích động thù địch, v.v, nhưng thiếu hành động thực tế tấn công các hành vi gian lận (nội dung không đúng sự thật).
Trung T Phan, người viết về công nghệ cho Bloomberg, đã tweet một meme thú vị khác từ chuyện này minh họa cảnh nhà tỷ phú đi cùng với Twitter, sau đó quay đầu lại ngó YouTube. Đồng thời có rất nhiều người yêu cầu Elon Musk mua lại và chỉnh lý YouTube hiện tại.
— Trung Phan (@TrungTPhan) June 7, 2022
Những quảng cáo lừa dối này gần đây đã thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp xã hội. Theo Daily Mail tại Anh đưa tin, hầu hết các video quảng cáo lừa dối này ở châu Âu và Mỹ đều sử dụng hình ảnh của những người nổi tiếng hoặc những người có tầm ảnh hưởng, tuyên bố có thể đưa tiền và vật phẩm để đánh lừa người xem nhấp vào liên kết. Các liên kết thường là các trang web mồi nhử, lừa đảo để lấy tiền hoặc thông tin cá nhân.
Vào năm 2021, người dùng YouTube ở Đài Loan cũng đã nhận được một lượng lớn các quảng cáo cờ bạc gian lận, và rất nhiều người đã bị lừa vào thời điểm đó. Do số lượng người khiếu nại ngày càng tăng, nên YouTube mới ra mặt xử lý vấn đề này.
Theo công ty tiếp thị kỹ thuật số Omnicore, YouTube có 122 triệu người xem hoạt động hàng ngày. Ngoài ra, người xem dành trung bình hơn 1 tỷ giờ mỗi ngày trên YouTube và xem ít nhất 8 video.
YouTube tràn ngập các thông tin tuyên truyền của ĐCSTQ
Tổ chức nghiên cứu tư vấn nổi tiếng của Mỹ – Viện Brookings (Brookings Institution) đã công bố một báo cáo nghiên cứu vào cuối tháng Năm. Nội dung nghiên cứu cụ thể cách ĐCSTQ sử dụng YouTube, Google và Bing của Microsoft, những công cụ tìm kiếm được sử dụng phổ biến nhất ở phương Tây, để thực hiện các hoạt động tuyên truyền quy mô lớn, và truyền bá “thông tin sai lệch” trên khắp thế giới, ảnh hưởng đến sự phán đoán của người dân. Trong khi những công cụ tìm kiếm này bị ĐCSTQ phong tỏa ở Trung Quốc Đại Lục.
Viện nghiên cứu này đã phân tích cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 11/2021 đến tháng 2/2022, sử dụng “Tân Cương” làm từ khóa để tìm kiếm trên nền tảng YouTube và phát hiện, xác suất 118 ngày trong 120 ngày (chiếm 98,3%), có ít nhất một video từ các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xuất hiện, và kết quả tìm kiếm được xếp hạng trong top 10, rất dễ để mọi người nhấp vào, do đó tăng tỷ lệ hiển thị.
Báo cáo cũng đề cập rằng nội dung của các kết quả tìm kiếm này “hoàn toàn trái ngược” với nội dung của các phương tiện truyền thông và học giả bên ngoài Trung Quốc về cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ ở Tân Cương. Ngoài ra, các tìm kiếm chủ đề liên quan đến “Tân Cương” và “nguồn gốc của COVID-19”, các phương tiện truyền thông ĐCSTQ chiếm 25% các video trên YouTube.
Tờ Le Monde của Pháp đã tiến hành thử nghiệm tương tự trên YouTube sau báo cáo của Viện Brookings. Kết quả thấy rằng tin tức phiên bản tiếng Pháp do Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) của ĐCSTQ đăng tải sẽ xuất hiện ở vị trí thứ ba trong kết quả tìm kiếm.
Tờ Le Monde phân tích rằng những nội dung này có thể ảnh hưởng đến hai nhóm người, một là những người không chú ý đến nguồn gốc của nội dung, hai là những người ít tin tưởng vào các phương tiện truyền thông Pháp.
Joan Donovan, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Shorenstein thuộc Đại học Harvard, nói với The Wall Street Journal rằng điều này cho thấy ĐCSTQ đã xây dựng một hệ thống thông tin trực tuyến mạnh mẽ, vậy nên tin tức từ các phương tiện truyền thông chính thống của ĐCSTQ mới có thể đột phá bảng xếp hạng tìm kiếm trực tuyến. Những thứ này không xuất hiện một cách vô duyên vô cớ trên trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm.
Đáp lại những phát hiện này, phát ngôn viên của Google, công ty mẹ của YouTube, tuyên bố rằng họ “đang nỗ lực để kiểm duyệt và chống lại những thông tin sai lệch này, đồng thời bảo vệ mọi người nhận được thông tin thật và tự do ngôn luận”. Ngoài ra, người phát ngôn của Microsoft, một công ty mẹ của Bing cho biết, công ty đang không ngừng cải tiến và sẽ xác minh kết quả điều tra của Viện Brookings.
Từ khóa Tin giả Fake News youtube Tuyên truyền của ĐCSTQ quảng cáo sai sự thật Elon Musk Twitter