Giải Nobel Vật lý 2021 gọi tên 3 nhà khoa học Mỹ, Đức, Ý
- Phan Anh
- •
Ngày 5/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao Giải Nobel Vật lý 2021 cho 3 nhà khoa học người Mỹ, Đức và Ý “vì những đóng góp đột phá cho sự hiểu biết của con người về các hệ thống vật lý phức tạp”.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao Giải thưởng Nobel Vật lý năm 2021 cho 3 nhà khoa học Syukuro Manabe (người Mỹ), Klaus Hasselmann (người Đức) và Giorgio Parisi (người Ý) vì những đóng góp mang tính đột phá giúp chúng ta hiểu biết về các hệ thống vật lý phức tạp và mô hình vật lý khí hậu Trái Đất và định lượng các dự báo chính xác về khí hậu ấm lên trên toàn cầu.
Theo Ban tổ chức, Giải Nobel Vật lý năm nay được chia đôi. Một nửa thuộc về hai nhà khoa học Manabe và Hasselmann để tôn vinh công trình nghiên cứu lập mô hình vật lý về khí hậu của Trái đất, định lượng sự biến đổi và dự đoán một cách đáng tin cậy sự nóng lên toàn cầu.
Ông Syukuro Manabe giành Giải Nobel Vật lý năm 2021 với công trình chứng minh mức độ gia tăng của carbon dioxide (CO2) trong khí quyển dẫn đến tình trạng nhiệt độ tăng trên bề mặt Trái đất như thế nào.
Trong khi đó, đồng chủ nhân giải thưởng năm nay, ông Klaus Hasselmann, đã tạo ra một mô hình liên kết thời tiết và khí hậu với nhau. Các phương pháp của Hasselmann đã được sử dụng để chứng minh rằng nhiệt độ tăng lên trong khí quyển là do con người thải ra khí CO2.
Tuy nhiên, vấn đề này hiện đang là một chủ đề gây tranh cãi. Theo một nghiên cứu mới đây, sự thay đổi bức xạ nhiệt Mặt trời chứ không phải khí CO2 do con người thải ra là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu trong 4 thập kỷ gần đây. Kết quả nghiên cứu mới này mang đến những phát hiện hoàn toàn trái ngược với kết luận của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC).
Báo cáo nghiên cứu có tên “Mặt trời đã ảnh hưởng như thế nào đến xu hướng nhiệt độ ở Bắc bán cầu? Cuộc tranh luận đang diễn ra” được thực hiện bởi bởi 23 chuyên gia trong lĩnh vực vật lý năng lượng mặt trời và khoa học khí hậu từ 14 quốc gia khác nhau. Kết quả của nghiên cứu đã được bình duyệt (peer review) bởi một nhóm gần 20 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới, cho thấy Tổng bức xạ Mặt trời (TSI – Total Solar Irradiance), tức là năng lượng do Mặt trời phát ra trong vài thế kỷ qua mới là nhân tố chính dẫn đến sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu gần đây. Hay nói một cách khác, yếu tố tự nhiên là nguyên nhân biến đổi khí hậu, chứ không phải yếu tố con người.
Một nửa giải thưởng còn lại được trao cho nhà khoa học Giorgio Parisi vì có công phát hiện sự tác động lẫn nhau trong các hệ thống vật chất từ quy mô nguyên tử đến hành tinh. Ông Giorgio Parisi đã phát hiện ra các mô hình ẩn trong các vật liệu phức tạp. Khám phá của ông là một trong những đóng góp quan trọng nhất cho lý thuyết về các hệ thống vật lý.
Giải Nobel Vật lý 2020 được trao cho ba nhà khoa học nghiên cứu về hố đen vũ trụ. Đó là: Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez.
Trước đó, ngày 4/10, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển công bố giải Nobel Y sinh năm 2021 thuộc về hai nhà khoa học người Mỹ David Julius và Ardem Patapoutian “vì những khám phá của họ về các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác”.
Năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel truyền thống ở Stockholm (Thụy Điển) không thể diễn ra như đã định do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo thông báo ngày 23/9 của Quỹ Nobel, những người đoạt giải sẽ được trao các huy chương và bằng khen ngay tại quê nhà của họ.
Giải Nobel, là một giải thưởng quốc tế được công bố hàng năm kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực Vật lý, Hoá học, Y sinh, Văn học và Hoà bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel, người đã sáng lập ra giải Nobel.
Mỗi năm, Ủy ban Nobel trao các giải thưởng trong 6 lĩnh vực gồm y học, vật lý, hóa học, văn học, khoa học kinh tế và hòa bình. Người giành giải Nobel sẽ được trao bằng chứng nhận, huy chương giải Nobel, và giải thưởng bằng tiền trị giá khoảng 1,1 triệu USD.
Trong các giải thưởng Nobel thì Giải Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định; Giải Y sinh do Ủy ban Nobel của Viện Karolinska quyết định; và Giải Hòa bình do Ủy ban Nobel thuộc Quốc hội Na Uy quyết định.
Chủ nhân mới của giải thưởng Nobel 2021 sẽ lần lượt được công bố trong tuần này, trong đó giải đầu tiên là Nobel Y học ngày 4/10, tiếp theo đó là các giải Nobel Vật lý ngày 5/10, Hóa học ngày 6/10, Văn học ngày 7/10 và Hòa bình ngày 8/10. Giải Nobel Kinh tế được công bố cuối cùng, vào ngày 11/10.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Từ khóa Giải Nobel Giải Nobel Vật lý