Giảm sự phụ thuộc vào đất hiếm từ TQ: Laptop và điện thoại cũ là một kho báu
- Ngô Úy
- •
Khi cuộc chiến thương mại và chiến tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục kéo dài, các kim loại hiếm thiết yếu trong sản phẩm công nghệ — từ thị trường tiêu dùng đến công nghiệp và quân sự — đang trở thành tâm điểm. Trung Quốc đã vũ khí hóa đất hiếm, hạn chế xuất khẩu, khiến các quốc gia phương Tây cảnh giác. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đầu tư quy mô lớn vào công ty tư nhân MP Materials, đây là công ty khai thác đất hiếm duy nhất của Mỹ.

Theo trang tài chính CNBC đưa tin hôm 14/7, đối phó với tình trạng thiếu hụt đất hiếm còn có một lựa chọn khác, bắt nguồn từ một ý tưởng tưởng chừng lỗi thời: tái chế. Ngành công nghiệp tái chế đã đạt được tiến bộ vượt bậc, từ việc thu gom lon, chai, nhựa, báo giấy và các sản phẩm tiêu dùng dùng một lần khác (vốn thường bị chôn lấp) đến việc tái chế thành nhiều sản phẩm mới.
Ngày nay, một thế hệ doanh nghiệp tái chế mới — gồm các công ty truyền thống lẫn startup hiện đại — đang đổi mới cách thu gom và xử lý lượng rác thải điện tử (e-waste) ngày càng chất đống. Rác thải này bao gồm máy tính, điện thoại thông minh, máy chủ, tivi, thiết bị gia dụng, thiết bị y tế và các thiết bị điện tử – CNTT khác đã hết hạn sử dụng. Quy trình tái chế của họ cũng đang tận dụng những công nghệ then chốt mới nhất trong xã hội. Gần đây, pin xe điện đã qua sử dụng, tua-bin gió và tấm pin mặt trời đang thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của một thị trường tái chế mới.
Tái chế rác thải điện tử không chỉ giới hạn ở việc thu hồi kim loại hiếm. Bất kỳ sản phẩm điện tử hoặc linh kiện nào không thể tân trang để bán lại, hoặc không thể tháo rời, đều có thể được tái chế để chiết xuất vàng, bạc, đồng, niken, thép, nhôm, lithium, cobalt và các kim loại quan trọng khác đối với các nhà sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp. Ngày càng có nhiều công ty tái chế chiết xuất các kim loại hiếm trong quá trình xử lý, như neodymium, praseodymium, terbium và dysprosium. Những nguyên tố này cực kỳ quan trọng để chế tạo từ chiến đấu cơ đến động cơ điện.
Ông Kunal Sinha — Giám đốc toàn cầu mảng tái chế của tập đoàn Glencore (Thụy Sĩ) — cho biết: “Chỉ đến gần đây, tái chế rác thải điện tử mới thực sự được coi trọng” và được xem là một nguồn cung cấp quan trọng. Glencore là tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sản xuất và kinh doanh kim loại và khoáng sản, đồng thời sở hữu một doanh nghiệp tái chế rác thải điện tử, tuy quy mô còn nhỏ nhưng đang phát triển ổn định.
“Rất nhiều người vẫn thờ ơ, chưa nhận ra triển vọng lớn đến thế nào,” – ông Sinha nói.
Thông thường, các nhà sản xuất kim loại hiếm (tức nguyên tố đất hiếm) chịu trách nhiệm khai thác và chế biến quặng thành nguyên liệu thô, và họ thuộc nhóm doanh nghiệp thượng nguồn, chủ yếu đặt tại Trung Quốc Đại Lục. Các nhà sản xuất Mỹ ở hạ nguồn phải mua kim loại hiếm thiết yếu từ các doanh nghiệp thượng nguồn hoặc thông qua các nhà môi giới hàng hóa. Tuy nhiên, do chuỗi cung ứng đất hiếm bị ảnh hưởng bởi thuế quan, chính sách thương mại và địa chính trị khó lường, thị trường tái chế rác điện tử ngày càng đóng vai trò quan trọng như một phương án thay thế để đáp ứng nhu cầu sản xuất các thiết bị điện tử.
“Mỹ nhập khẩu một lượng lớn sản phẩm điện tử, và tất cả những sản phẩm đó đều chứa vàng, nhôm và thép,” – ông John Mitchell, Chủ tịch kiêm CEO của Hiệp hội Điện tử Toàn cầu (Global Electronics Association) cho biết – “Vì vậy, rào cản thuế quan thực chất có thể là cơ hội tuyệt vời để Mỹ tăng cường hoạt động tái chế, nhằm thu hồi những vật liệu thiết yếu mà chúng ta không tự sản xuất, nhưng lại đang mua từ các nước khác.”
Lượng rác thải điện tử tăng vọt bắt nguồn từ thập niên 1990, khi internet thúc đẩy sự bùng nổ của nền kinh tế số, kéo theo số lượng thiết bị điện tử tăng theo cấp số nhân. Sự trỗi dậy của năng lượng tái tạo, giao thông điện hóa, trí tuệ nhân tạo và các trung tâm dữ liệu càng làm gia tăng xu hướng này, đồng nghĩa với việc thiết bị điện tử liên tục bị thay thế, dẫn đến lượng lớn rác thải điện tử.
Theo ước tính mới nhất từ Liên minh Viễn thông Quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc và Viện Đào tạo & Nghiên cứu Liên Hợp Quốc (UNITAR), trong năm 2022, thế giới đã tạo ra kỷ lục 62 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 82% so với năm 2010. Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ lên tới 82 triệu tấn.
Báo cáo cho biết, Mỹ đã tạo ra gần 8 triệu tấn rác điện tử trong năm 2022. Tuy nhiên, chỉ khoảng 15% đến 20% trong số đó được tái chế đúng cách, cho thấy thị trường tái chế rác thải điện tử vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Theo dữ liệu từ IBISWorld, doanh thu ngành tái chế rác điện tử trong năm 2024 đạt 28,1 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ước tính khoảng 8%.
Các nhà tái chế tháo dỡ và phân loại rác thải điện tử thành khoảng 40–50 loại vật liệu khác nhau, từ bàn phím, chuột đến bảng mạch, dây điện và cáp. Họ thu hồi kim loại và nguyên tố đất hiếm từ các thiết bị này — những vật liệu có giá trị ngày càng cao trên thị trường hàng hóa — và đưa trở lại chuỗi cung ứng với vai trò là nguyên liệu thô cốt lõi.
Một số công ty khởi nghiệp tập trung vào các loại rác điện tử cụ thể. Gần đây, đất hiếm thu hút sự chú ý lớn, không chỉ vì nhu cầu cao từ các nhà sản xuất thiết bị điện tử Mỹ, mà còn để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc — quốc gia thống trị lĩnh vực khai thác, chế biến và tinh luyện đất hiếm.
Tháng Tư năm nay, Bộ Nội vụ Mỹ đã phê duyệt các hoạt động phát triển Dự án đất hiếm Colosseum nằm trong khu bảo tồn quốc gia Mojave ở California. Dự án này do công ty Dateline Resources (Úc) sở hữu, và có thể trở thành mỏ đất hiếm thứ hai ở Mỹ sau mỏ Mountain Pass.
Cùng lúc đó, một số startup tái chế đang chiết xuất đất hiếm từ rác thải điện tử. Công ty Illumynt sở hữu công nghệ tiên tiến có thể thu hồi đất hiếm từ các ổ cứng đã ngưng sử dụng tại trung tâm dữ liệu. Tháng 4 vừa qua, hãng sản xuất ổ cứng Western Digital tuyên bố hợp tác với Microsoft, Critical Materials Recycling và PedalPoint Recycling để chiết xuất đất hiếm, đồng, vàng, nhôm và thép từ ổ cứng đã hỏng.
Một nguyên liệu tái chế phổ biến khác là pin lithium-ion đã qua sử dụng, vốn giàu lithium, đồng, cobalt, niken, mangan và nhôm.
Từ khóa đất hiếm linh kiện điện tử Rác thải tái chế
