Bạn có thể kiếm bộn tiền ở Trung Quốc nhờ bán… không khí đóng chai
- Quốc Hùng
- •
Ngày càng nhiều doanh nhân đang tranh thủ kiếm tiền từ cuộc khủng hoảng chất lượng không khí ở Trung Quốc, bằng cái cách mà người ta vẫn cho là chuyện khôi hài trước đây: bán không khí đóng chai.
Một buổi sáng mù sương trung tuần tháng 10, Vương Tú rảo bước xuyên qua các con phố quận Đông Thành của thủ đô Bắc Kinh. Cô mang theo những đồ dùng cần thiết cho một ngày di chuyển của mình: một cái ba lô nhỏ, tai nghe và một chai không khí sạch Canada.
Cứ khoảng 10-15 phút cô lại ngừng lại, kéo khẩu trang sang một bên, và hít một hơi nhỏ từ chai khí – vừa đủ để tạm thời thoát khỏi gánh nặng của làn sương mù trong thành phố.
Vào một số ngày nhất định ở miền Bắc Trung Quốc, không khí ô nhiễm đặc quánh đến nỗi cô Tú không tài nào nhìn thấy bàn tay ngay trước mặt mình. Các tòa nhà cao tầng bị sương mù che khuất, còn các chuyến bay bị hủy. Các nhà bảo vệ môi trường gọi đó là “thảm họa không khí.”
Và từ bên trong sự u ám của cơn khủng hoảng này, một ngành công nghiệp vốn chỉ thấy trong các tác phẩm giả tưởng về tương lai ảm đạm đã mọc lên: những doanh nhân ở các quốc gia ít ô nhiễm hơn đã biến không khí sạch thành một món hàng đắt khách.
“Chúng tôi tạo ra thị trường”
Năm 2014, Moses Lam và Troy Paquette – hai chuyên gia về vay thế chấp người Canada sắp bước sang tuổi “tam thập nhi lập” – đang tìm kiếm một cơ hội khác cho sự nghiệp của mình.
“Chúng tôi đang ngồi nghĩ xem nên làm gì, và rồi nhìn thấy một chai nước,” Lam nói. “Tôi đã nghĩ, ‘Nếu chúng ta làm điều tương tự, nhưng thay nước bằng không khí thì sao nhỉ?”
Họ nhảy lên chiếc SUV của Paquette, lái đến Công viên Quốc gia Banff của Canada, và dành một tiếng đồng hồ để “vung vẩy một cái bao, cố gắng lấy được thật nhiều không khí trong lành của vùng sơn cước.” Sản phẩm làm ra từ “công sức lao động” của họ – một túi zip đựng không khí – được đăng lên eBay, nơi nó thu hút được sự chú ý bất ngờ của báo giới và rồi tới tay người mua với cái giá 130 đôla.
“Chúng tôi cảm thấy thương cho anh chàng nào phải bỏ ra ngần ấy tiền cho một túi không khí,” Lam nói. “Nhưng chúng tôi cũng thấy một cơ hội kinh doanh.”
Ý tưởng bắt đầu từ một trò đùa dần dần trở thành một vụ làm ăn nghiêm túc: Lam và Paquette tiến hành khảo sát thị trường ở những khu vực có chất lượng không khí thấp. Họ thiết kế một chai nhôm với một đầu hít khí được đăng ký bằng sáng chế. Và đầu năm 2015, họ thành lập Vitality Air, một công ty cam kết sẽ “cải thiện sinh khí qua từng hơi thở.”
Sự táo bạo của việc bán một tài nguyên tự nhiên và miễn phí như không khí tới các khu đô thị ô nhiễm trên thế giới đã làm xôn xao giới truyền thông; và chỉ trong vài tháng, Vitality Air đã có đơn đặt hàng 5.000 chai từ Trung Quốc, cùng nhiều đơn hàng khác đang chờ từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam và Mexico.
Ngành kinh doanh không khí đóng chai
Khi Vitality mới chập chững ra đời, Lam và Paquette hút không khí bằng một thiết bị giá 400 đô, vận chuyển tới nhà để xe của họ và thủ công chia ra các chai.
Còn hôm nay, họ sử dụng một cỗ máy trị giá 65.000 đôla, công suất 200 lít có khả năng thu 21 chai khí một phút. Không khí được “chất đầy” trên một xe kéo dài 7m, nặng 5 tấn rồi vận chuyển tới thẳng nhà máy đóng chai mới tinh, hoàn toàn tự động của Vitality.
“Chúng tôi muốn nó tinh khiết hết sức có thể,” Lam nói. “Chúng tôi không lấy không khí bẩn rồi lọc lọc sạch. Chúng tôi lấy không khí sạch và nguyên sơ từ bên này rồi chuyển sang bên kia thế giới.”
Sản phẩm chính của công ty là chai khí vùng núi Banff dung tích 8 lít, có thể hít được 160 lần với giá bán lẻ 32 đô, đồng nghĩa với 0,2 đô cho một lần hít. Thử làm 1 vài phép tính:
Một chai khí Vitality Air = 160 lần hít
Giá: 32 đô
Giá cho mỗi lần hít: 0,2 đô
Một người trung bình = 16 lần hút một phút
Chi phí một phút: 2,3 đô
Chi phí một giờ: 192 đô
Chi phí một ngày: 4.608 đô
Chi phí một năm: 1.618.920 đô
Từ khi thành lập, doanh thu của Vitality năm sau cao gấp đôi năm trước, từ 30.000 lon năm 2015 tới 200.000 lon năm 2017. Năm nay, công ty đã đầu tư thêm hơn 1 triệu đô la nhằm mở rộng kinh doanh với kỳ vọng sẽ “biến không khí đóng chai thành thứ nước đóng chai tiếp theo.”
Vitality không phải là công ty duy nhất kiếm được tiền từ cơ hội kinh doanh béo bở ăn theo ô nhiễm này.
Ở phía Nam bán cầu, tại Australia, công ty Clean & Green đóng chai không khí của Dãy núi Xanh tại Sydney và xuất khẩu nó sang châu Á với giá 72$ cho một két 12 lon.
John Dickinson, người sáng lập công ty, đã trăn trở với ý tưởng này khi vợ ông gọi điện từ miền Bắc Trung Quốc mù mịt khói sương và hỏi ‘Làm sao người ta có thể sống như thế này được?’
Leo De Watts, người tự xưng là một “nông dân thu hoạch khí,” thường xuyên lấy không khí tại các con đồi ở Dorset, Somerset và xứ Wales bằng các lưới đánh cá không lỗ, và rồi bán chúng trong các lọ thủ công với giá 95 bảng Anh, hay 120 USD một lọ.
Công ty Aethaer được đặt theo tên vị thần Hy Lạp phụ trách “không khí tinh khiết ở trên cao” – hay nói cách khác là không khí mà các vị thần vẫn hay hít thở. De Watts gọi sản phẩm của anh là “Louis Vuitton của không khí.”
“Không khí sạch lúc này đang là hàng hot, vì 95% dân số thế giới không tiếp cận được với nó,” anh nói. “Nếu một tài nguyên mà chúng ta phụ thuộc vào trở nên khan hiếm, thì một cách tự nhiên tài nguyên đó sẽ tăng giá trị và trở nên đắt đỏ hơn.”
>> Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức báo động: Bạn có thể làm gì?
Một giải pháp chữa cháy trong ngắn hạn
Mục đích của không khí đóng chai, như Lam giải thích, không phải là để “trở thành một giải pháp cho ô nhiễm,” mà là để cung cấp một “trải nghiệm” thú vị.
“Chúng tôi muốn khách hàng chia sẻ không khí của họ với bạn bè và gia đình – để cùng nhau tận hưởng hương vị tuyệt vời của không khí trong lành,” anh nói. “Chúng tôi giống như Starbucks vậy… một dịp liên hoan.”
Hầu hết các nhà kinh doanh không khí chỉ nói đến chuyện tiến xa hơn trên thị trường, mà rất yếu ớt khi đề cập đến “làm điều gì đó tốt” cho thế giới. Khi được hỏi về mục tiêu lớn hơn của mình, Lam quay trở lại vấn đề kinh tế.
“Chúng tôi chỉ đang ở phần nổi của tảng băng,” anh nói. “Chúng tôi còn chưa thực sự chiếm được thị trường Trung Quốc hay Ấn Độ. Ngay cả khi chúng tôi chỉ chiếm được 0,5% thị phần, thì cũng có nghĩa là từ 3-4 triệu chai khí cho mỗi quốc gia.”
Không giống như thị trường ôxy y tế, thị trường không khí đóng chai hoạt động phần lớn không theo luật lệ nào cả. Mặc dù các nghiên cứu đã cho thấy không khí sạch tốt hơn không khí ô nhiễm, nhưng “những lợi ích” của một hơi không khí đóng chai vẫn chưa được kiểm chứng.
“Chưa có một nghiên cứu nào chứng minh được hít một hơi không khí sạch từ chai có ích cho sức khỏe,” Bác sĩ Shawn Aaron, giám đốc Mạng lưới Nghiên cứu Hô hấp Canada viết trên email. “Rất khó để hình dung ra việc chỉ vài lần hít thở không khí sạch từ một cái chai có thể bù đắp cho những nguy cơ sức khỏe về dài hạn do lâu ngày tiếp xúc với ô nhiễm.”
Trên thực tế, có vẻ như Vitality đang đóng góp vào ô nhiễm không khí thông qua hoạt động sản xuất và vận chuyển của mình.
Lam phản bác lại luận điệu này bằng cách dẫn chứng rằng những chai của anh là tái chế được và không chứa CFC – nhưng một điều trớ trêu không thể phủ nhận được là Lam đang bán những sản phẩm giải tỏa ô nhiễm cho mọi người trong khi lại đang góp phần làm tăng lượng khí thải cácbon toàn cầu thông qua các chuyến vận tải quốc tế.
De Watts của Aethaer nói rằng sản phẩm của anh nhắm tới việc xoa dịu ô nhiễm toàn cầu bằng cách thu hút sự chú ý và nâng cao nhận thức.
“Chúng ta đều là những con cá vàng đang bơi trong một cái bể tăm tối, và chúng ta đang tiêu thụ quá nhiều năng lượng và các sản phẩm,” ông nói. “Bạn có thể đối phó với các triệu chứng, nhưng tôi muốn ngừng sự tiêu thụ quá đà.”
Tới thời điểm này, De Watts mới chỉ bán được 30.000 đô tiền không khí – nhưng sản phẩm này hướng sự chú ý của người dùng tới những món hàng chống ô nhiễm khác của anh như: khẩu trang, máy lọc khí và một ứng dụng kiểm tra chất lượng không khí.
Sự thương mại hóa các tài nguyên thiên nhiên
Lam cho biết anh đang chuẩn bị cho mùa giáng sinh.
“Đó là mùa ô nhiễm,” anh nói. “Khi tháng 11 tới, thời tiết lạnh hơn và các nhà máy nhiệt điện than tăng công suất ở châu Á. Ô nhiễm tăng, và doanh thu của chúng tôi tăng. Đây là tháng lễ với chúng tôi.”
Ở Trung Quốc, những người dân như Vương Tú vẫn phải gắng sức chống lại sự đặc dần lên của không khí (vì các hạt bụi), với hắt hơi, ho và khẩu trang.
Trong 500 thành phố ô nhiễm không khí tệ nhất thế giới, Trung Quốc chiếm 285 chỗ. Gần 40% dân số Trung Quốc đang phải hít bầu không khí, mà theo các tiêu chuẩn của Bộ Chỉ số Chất lượng Không khí, là “rất có hại cho sức khỏe” hoặc “nguy hiểm” – quá nguy hiểm tới mức một nghiên cứu năm 2015 đã phát hiện ra ô nhiễm không khí gây ra 1,6 triệu ca tử vong ở Trung Quốc mỗi năm.
>> Ô nhiễm bụi mịn PM2.5: Sát thủ vô hình
Trong một nhà kho ở Canada, Vitality vẫn đang gia tăng sản lượng.
Lam mường tượng ra một tương lai, nơi mà người dân Trung Quốc sẽ mang đủ các lon khí vùng sơn cước Canada của anh để thở cách quãng trong 8 giờ. Anh hiện đang nghiên cứu khả năng thiết lập các trạm sạc, nơi mọi người có thể “quẹt thẻ tín dụng và sạc đầy bình khí của mình.”
“Tôi muốn trở thành ông vua bán khí,” anh nói với tờ The Guardian. “Tôi muốn trở thành người đầu tiên trên thế giới bán không khí cho mọi người.”
Còn đây là video quảng cáo năm 2016 của Vitality, nhắc nhở chúng ta về một tương lai tài nguyên cạn kiệt.
Cảnh những thành phố ô nhiễm xen kẽ với những hình ảnh của sự tinh khiết: núi non, cây cối, trẻ em thổi nến sinh nhật. Đây là một thế giới mà các thành phần chủ chốt của cuộc sống là một “trải nghiệm” được định giá thành tiền – và Vitality là người giữ cửa.
“Ngoảnh mặt ra đón gió,” người thuyết minh thì thầm. “Và đột nhiên, bạn biết mình vẫn sống.”
Ở Bắc Kinh, cô Vương Tú lại hít một hơi khí trong lành nữa từ trong chai.
Từ khóa ý tưởng ô nhiễm bụi mịn PM2.5 không khí đóng chai bảo vệ môi trường ô nhiễm không khí