Trong kỳ 1, chúng ta đã được biết đến cá thể thực vật sống lâu đời nhất thế giới. Tuy nhiên nếu 5 thiên niên kỷ chưa phải là con số ấn tượng với bạn, thì hãy cùng tìm hiểu về đại gia đình thực vật của hàng chục, hàng trăm, hay thậm chí hàng nghìn thiên niên kỷ trước – Pando.

(Ảnh: The Lovely Planet)
(Ảnh: The Lovely Planet)

Pando trong tiếng Latinh có nghĩa là “Tôi lan tỏa”. Và quả thật, cụm thực vật khổng lồ mang tên Pando tại rừng quốc gia Fishlake, Utah, Mỹ, đã chiếm tới 43 hecta, với 47.000 thân Dương Chúc, và nặng tới 6.000 tấn.

Điều đặc biệt của Pando là ở chỗ, cụm thực vật này bắt nguồn từ một cá thể Dương Chúc duy nhất, với những đặc điểm gien rất tương tự, và sử dụng cùng một hệ thống rễ lớn.

Vì các cá thể Dương Chúc đều lớn lên từ bộ rễ chung, nên một số nhà khoa học còn coi Pando như một thể sống duy nhất.

(Ảnh: J Zapell, Wikimedia)
(Ảnh: J Zapell, Wikimedia)

Các cây Dương Chúc sinh sản thông qua một quá trình khá đặc biệt, gọi là nảy chồi bên. Theo đó, các cá thể cây non sẽ nảy mầm ngay trên nhánh phụ của bộ rễ cây gốc. Nhìn từ phía trên, trông chúng như những cá thể độc lập, tuy nhiên cụm cây lại sử dụng cùng một hệ thống rễ. Quá trình sinh sản đặc biệt này cứ tiếp diễn, cho đến khi tạo ra một quần thể Dương Chúc lớn, chỉ có nguồn gốc từ một cây ban đầu.

(Ảnh: Fs.usda.gov)
(Ảnh: Fs.usda.gov)

Theo những vòng trên thân cây, mỗi cá thể Dương Chúc trong cụm Pando có tuổi thọ khoảng 130 năm. Cũng với phương pháp tương tự, các nhà khoa học đã ước tính tuổi thọ của bộ rễ là khoảng 80.000 năm. Tuy nhiên những chuyên gia về thực vật cho rằng, vì cách sinh sản vô cùng đặc biệt của Pando, nên việc ước tính chính xác tuổi thọ của cụm cây này vẫn còn nhiều tranh cãi. Một số nhà khoa học như Jeffry B. Mitton hay Michael C. Grant cho rằng Pando đã thọ đến 1 triệu năm tuổi.

(Ảnh: Scott Catron, Wikimedia)
(Ảnh: Scott Catron, Wikimedia)

Dương Chúc là loài cây khá phổ biến ở Bắc Mỹ, tuy nhiên các cụm Dương Chúc thường chỉ rộng khoảng 0,1 hecta mà thôi. Cụm Pando tại Utah quả thật là một điều vô cùng đặc biệt. Các nhà khoa học tin rằng Pando đã may mắn có một cuộc đời lý tưởng: cháy rừng thường xuyên đã thiêu trụi các loài thực vật cạnh tranh khác, và biến đổi khí hậu ở Utah mang đến cho cụm cây một lợi thế tuyệt vời.

Tại những đám cháy nghiêm trọng, trong khi cả khu rừng đã bị hủy hoại, thì Pando vẫn còn bộ rễ lớn ở dưới lòng đất, và các cây non lại tiếp tục sinh sôi từ bộ rễ chung này. Vì Pando sinh sản theo cách này, nên các nhà khoa học ước tính đã 10.000 năm cụm cây này chưa nở hoa.

Vào năm 2006, dịch vụ bưu chính Mỹ đã sản xuất loại tem để vinh danh loài Dương Chúc đặc biệt này, và gọi chúng là một trong 40 kỳ quan của nước Mỹ.

Quang Minh

Xem thêm: