Lithuania khuyên người dân không dùng điện thoại Trung Quốc trước lo ngại về bảo mật dữ liệu
- Phan Anh
- •
Bộ Quốc phòng Lithuania khuyến nghị người dân không nên sử dụng smartphone (điện thoại di động) Trung Quốc và khuyên họ vứt chiếc điện thoại mình đang có sau khi một báo cáo của chính phủ cho thấy các thiết bị này đã cài đặt sẵn phần mềm kiểm duyệt.
Theo một thông tin vừa được Cơ quan an ninh mạng Lithuania đưa ra ngày 21/9 cho biết, mẫu điện thoại hàng đầu được bán tại châu Âu bởi tập đoàn Xiaomi của Trung Quốc đã cài đặt sẵn phần mềm nhằm phát hiện và kiểm duyệt các cụm từ như “Tây Tạng tự do (Free Tibet)”, “Đài Loan độc lập muôn năm (Long live Taiwan independence)” hoặc “phong trào dân chủ (democracy movement)”.
Tính năng trong phần mềm điện thoại Mi 10T 5G của Xiaomi đã được tắt khi bán ở thị trường các quốc gia Liên minh châu Âu nhưng tính năng này có thể được bật từ xa bất cứ lúc nào, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Bộ Quốc phòng Lithuania cho biết trong báo cáo.
Trao đổi với các phóng viên khi đưa ra báo cáo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lithuania – Margiris Abukevicius nói: “Khuyến nghị của chúng tôi là không mua điện thoại mới của Trung Quốc và loại bỏ những điện thoại đã mua càng nhanh càng tốt”.
Xiaomi đã không trả lời về các nội dung mà hãng tin Reuters đưa ra.
Mối quan hệ giữa Lithuania và Trung Quốc gần đây đã trở nên tồi tệ. Tháng trước, Trung Quốc đã yêu cầu Lithuania triệu hồi đại sứ của mình tại Bắc Kinh và cho biết họ sẽ triệu hồi phái viên của mình tại thủ đô Vilnius sau khi Đài Loan thông báo rằng cơ quan đại diện của họ tại Lithuania sẽ được gọi là Văn phòng Đại diện Đài Loan.
Các cơ quan đại diện Đài Loan ở châu Âu và Mỹ sử dụng tên thành phố Đài Bắc, tránh ám chỉ đến hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Jake Sullivan đã nói chuyện với Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte vào tuần trước và nhấn mạnh sự ủng hộ đối với đất nước của bà trước sức ép từ Trung Quốc.
Báo cáo của Trung tâm An ninh mạng Quốc gia nước này cũng cho biết điện thoại Xiaomi đang gửi dữ liệu sử dụng điện thoại được mã hóa đến một máy chủ ở Singapore. Một lỗ hổng bảo mật cũng đã được tìm thấy trong điện thoại P40 5G của Huawei nhưng không có lỗ hổng bảo mật nào được tìm thấy trong điện thoại của một nhà sản xuất Trung Quốc khác là OnePlus.
Tuy nhiên, đại diện của Huawei tại Baltics nói với tờ BNS rằng điện thoại của họ không gửi dữ liệu của người dùng ra bên ngoài.
Báo cáo cho biết danh sách các điều khoản có thể được kiểm duyệt bởi các ứng dụng hệ thống của điện thoại Xiaomi, bao gồm cả trình duyệt Internet mặc định, hiện bao gồm 449 điều khoản bằng tiếng Trung và được cập nhật liên tục.
“Điều này quan trọng không chỉ đối với Lithuania mà còn đối với tất cả các quốc gia sử dụng thiết bị của Xiaomi”, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Lithuania cho biết trong báo cáo.
Từ các mẫu smartphone bình dân giá rẻ cho đến các mẫu cao cấp, điện thoại Trung Quốc có thói quen lấy dữ liệu người dùng trên khắp thế giới để gửi về cho nhà sản xuất ở nước này.
Năm 2016, tờ New York Times đưa tin rằng chỉ với một chiếc điện thoại “made in China (do Trung Quốc sản xuất)” giá 50 USD, tất cả tin nhắn của người dùng sẽ được gửi về quốc gia này sau mỗi 72 giờ đồng hồ. Một nhà sản xuất của Mỹ cho biết có hơn 120.000 chiếc điện thoại của khách hàng đã bị ảnh hưởng bởi sự cố này và phải tiến hành cập nhật phần mềm để loại bỏ tính năng “ẩn” đó. Các điện thoại thu thập thông tin người dùng có cả Huawei và ZTE.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Từ khóa thu thập dữ liệu người dùng Điện thoại Xiaomi rò rỉ dữ liệu người dùng Tin tặc ĐCSTQ