Lo công cụ ảnh hưởng học tập, New York cấm học sinh và giáo viên dùng OpenAI ChatGPT
- Thiên Đức
- •
Mạng máy tính trong các trường học ở New York sẽ không cho kết nối vào chatbot này, theo quyết định của Sở Giáo dục Thành phố New York vì có “tác dụng xấu cho học tập”.
Quyết định của Sở có hiệu lực với tất cả các trường học trong thành phố. Tuy nhiên, tình huống cá biệt vẫn có thể yêu cầu có kết nối dành cho mục đích nghiên cứu công nghệ. Quyết định được đưa ra sau khi có nhiều báo cáo thực tiễn và tranh luận sôi nổi về chủ đề của công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) rất mới này.
“Khả năng của ChatGPT cực kỳ hạn chế, nhưng nó vừa đủ tốt để tạo ra những gì có thể dẫn đến ấn tượng sai lầm rằng nó rất tuyệt vời” — Sam Altman, CEO của OpenAI, 11/12/2022.
“Xuất phát từ lo ngại về những tác dụng xấu cho học tập của học sinh cũng như lo ngại về tính an toàn và chính xác của nội dung, quyền truy cập vào ChatGPT bị hạn chế trên các thiết bị và mạng của Trường Công lập Thành phố New York”, theo người phát ngôn của Sở Giáo dục Jenna Lyle.
“Mặc dù công cụ này có thể cung cấp câu trả lời nhanh chóng và dễ dàng cho các câu hỏi, nhưng nó không xây dựng [cho học sinh] các kỹ năng tư duy then chốt và giải quyết vấn đề, vốn là những điều cần thiết cho sự thành công trong học tập và trong cuộc sống.”
Đã có những lập luận tương tự, rằng sử dụng công cụ hỗ trợ sẽ khiến con người phụ thuộc vào chúng, làm hạn chế phát triển và thậm chí làm thoái hóa bản năng của con người.
“Quãng 15 – 20 năm trước, mọi người đã nói điều tương tự về Google khi học sinh có thể ‘tìm câu trả lời trực tuyến’ [trên đó],” theo Adam Stevens, một giáo viên lâu năm ở New York. Ông cho rằng hạn chế sử dụng công cụ là phản tác dụng.
Các máy tính phổ thông như máy tính Casio từng bị cấm sử dụng trong nhà trường, nhưng sau đó thì vẫn được phép dùng cả trong các kỳ thi. Các phương tiện tìm kiếm như Google cuối cùng vẫn được coi là công cụ hợp lệ.
Dù sao thì con người chính là sử dụng công cụ như vậy.
Theo ông Stevens, vấn đề ở chỗ điều chỉnh cách học tập để phát triển kỹ năng của học sinh cho thích hợp với một xã hội tồn tại các công cụ mới, chứ không phải bài xích công cụ mới khi thấy chúng ảnh hưởng đến cách ra bài thi và chấm điểm.
Mục đích cuối cùng của giáo dục, theo ông, là tri thức chứ không phải chạy theo chỉ tiêu đánh giá cuối học kỳ.
“Chúng ta đã đào tạo cả một thế hệ trẻ em theo đuổi các điểm đánh giá chứ không phải kiến thức,” ông nói. “Và tất nhiên, nếu [chúng ta cho rằng] điều quan trọng là điểm thi cuối học kỳ, thì ChatGPT sẽ trở thành một mối đe dọa.”
Ông lập luận rằng cách giáo dục tốt nhất là “hãy giao cho [học sinh] các bài tập khiến họ khám phá những điều đáng biết”, và tránh xa lối dạy học như viết công thức dựa trên các tiêu chí đánh giá cứng nhắc.
ChatGPT được đưa ra công chúng cuối tháng 11/2022 như một thử nghiệm miễn phí của OpenAI. Ngay lập tức nó đã gây bão và có được 1 triệu người đăng ký tham gia sử dụng chỉ sau vài ngày.
- Dùng ChatGPT của OpenAI tại đây: https://chat.openai.com.
Điểm nổi bật đầu tiên là khả năng giao tiếp nói chuyện (bằng văn bản) theo ngôn ngữ như người và khả năng tự động học tập tri thức. Nó được xếp loại là chatbot, chương trình có thể hội thoại tự động. Sự hoàn thiện và phong phú trong ngôn ngữ giao tiếp của nó tạo cho người dùng có một ấn tượng rằng chatbot này cực kỳ thông minh.
Một giáo viên dạy tiếng Anh trong 12 năm đã từng nhận xét trên tờ Atlantic rằng phép thuật của nó sẽ “kết liễu môn Anh văn ở trường phổ thông trung học.”
Tất nhiên nó cũng có một số hạn chế trong lĩnh vực này. Nó có thể bị lẫn lộn khi liên quan tới ngôn ngữ tiếng lóng, cách nói chỉ trích như phân biệt chủng tộc hay giới tính.
Điểm nổi bật tiếp theo là khả năng có thể đáp ứng các câu hỏi vô cùng đa dạng. Từ câu hỏi ông già Noel có tồn tại thật hay không, cho đến những câu hỏi hóc búa yêu cầu viết một đoạn chương trình máy tính để giải một bài toán nào đó, hay thậm chí yêu cầu viết bài luận về một vấn đề chính trị xã hội nào đó, thì nó đều có thể có đáp án.
Tất nhiên, dù đáp án bề mặt nghe có vẻ đâu ra đấy, nhưng nội dung thì có thể sai lầm hoặc dẫn hướng lệch lạc, và thông tin phân tích nhiều khi bị thiên vị, hoặc thậm chí logic không ra sao cả.
Ví dụ như có người từng yêu cầu nó viết lời bài hát cho nhạc Rap theo phong cách thập kỷ 1980 với chủ đề khoa học và giới tính, thì nhận được lời ca trong đó có đoạn thế này: “Nếu thấy một cô nàng mặc áo phòng thí nghiệm, thì có lẽ cô nàng ở đó chỉ để lau nhà. Nếu thấy một ông anh mặc áo phòng thí nghiệm, thì có thể người đó có tri thức mà bạn cần.”
Ngay cả CEO (Giám đốc Điều hành) của OpenAI Sam Altman cũng bị bất ngờ trước thành công của sản phẩm này, nhưng anh cũng có cảnh báo và nhắc nhở rằng đây là trong giai đoạn thử nghiệm “xem trước về tiến độ phát triển”, theo như tweet hôm 11/12/2022:
“Khả năng của ChatGPT cực kỳ hạn chế, nhưng nó vừa đủ tốt để tạo ra những gì có thể dẫn đến ấn tượng nhầm lẫn rằng nó rất tuyệt vời. Nhưng bây giờ sẽ là sai lầm khi dựa vào nó cho bất kỳ điều gì quan trọng ngay. Nó là phiên bản xem trước về tiến độ phát triển, và chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm để [hoàn thiện] tính ổn định và đúng đắn.”
ChatGPT is incredibly limited, but good enough at some things to create a misleading impression of greatness.
it's a mistake to be relying on it for anything important right now. it’s a preview of progress; we have lots of work to do on robustness and truthfulness.
— Sam Altman (@sama) December 11, 2022
Một số diễn đàn hay website đã cấm sử dụng công cụ tự động trả lời, trong đó có ChatGPT này. Ví dụ, Stack Overflow, một website nổi tiếng về trả lời các câu hỏi liên quan đến lập trình cho máy điện toán, đã ra quy định cấm sau một thời gian thử nghiệm dùng ChatGPT trên thực tế trợ giúp cho trả lời các câu hỏi.
Về vấn đề học sinh và giáo dục, đã có không ít bài báo cáo và thảo luận về ChatGPT của OpenAI. Dưới đây là một số ví dụ lấy từ một bài trên tờ The Washington Post.
Một học sinh, sau khi biết về nó thông qua Twitter, đã thử đưa câu hỏi trong bài tập ở nhà để thử hỏi chatbot xem sao. Ngay lập tức có được câu trả lời, và thế là hoàn thành bài tập ở nhà. Hôm sau, khi gặp một câu hỏi trên lớp và học sinh này phân vân không biết giải ra sao, thì chatbot này cho ngay lời giải. Từ đó trở đi, cậu học sinh này toàn dựa vào ChatGPT để làm bài tập.
Học sinh đó đã nói rằng cậu không sợ bị phát hiện do lừa dối trong học tập, vì giáo viên sẽ không sao phát hiện ra đó là câu trả lời lấy từ máy tính, với gợi ý rằng không bê nguyên văn câu trả lời của máy tính thì sẽ không thể nào bị lộ.
“Hẳn là giáo viên phải nghĩ ra câu hỏi tốt hơn mới được […] Đừng viết tất cả những thứ đó ra,” học sinh đó nói, và cho biết cậu không hối hận gì khi học tập kiểu thế này.
Māra Corey, giáo viên tiếng Anh tại trường trung học phổ thông Irondale ở New Brighton, Minnesota, cho biết cô đã thảo luận vấn đề này với học sinh ngay sau khi cô biết về ChatGPT, để các em hiểu rằng sử dụng công cụ này có thể gây tác dụng xấu cho học tập của mình như thế nào. Nhưng như tờ báo chỉ ra, dường như cách nói chuyện của cô có thể gây tác dụng ngược lại.
“Một số người trong số học sinh đã bị sốc khi tôi biết về nó,” cô nói. Cô không lo lắng rằng cuộc trò chuyện có thể gieo vào đầu học sinh những ý tưởng tồi tệ. “Hy vọng rằng thanh thiếu niên không chú ý đến thứ hào nhoáng mới mà có thể giúp họ tiết kiệm thời gian, nhưng thực ra đó là một việc làm ngu ngốc.”
Có không ít người đã thử thách ChatGPT về vấn đề chính trị xã hội. Nhưng kết quả khá thất vọng khi thấy tri thức chính trị của nó bị thiên lệch.
Nếu chia phổ quan điểm chính trị theo 2 trục hoành và trục tung, một trục là cánh hữu bảo thủ đối lập với cánh tả cấp tiến, và một trục là tự do dân chủ đối lập với độc tài toàn trị, thì như một nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) David Rozado cho biết, trong khi công chúng Hoa Kỳ chủ yếu là ở phần trung lập theo cả 2 trục, thì các câu trả lời của ChatGPT bị rơi vào “chủ nghĩa tự do cực tả”:
“Khoảng cách giữa ChatGPT và [bộ phận] công chúng rộng lớn hơn, là rất lớn. Hệ tư tưởng tự do kiến chế chỉ chiếm 13% trong công chúng Mỹ.”
Tờ báo Vice đã thử hỏi ChatGPT rằng nó nghĩ thế nào khi Sở Giáo dục New York cấm nó trong các trường học, và nhận được câu trả lời như sau:
Thiên Đức
Từ khóa openAI ChatGPT Trí thông minh nhân tạo AI