‘Lốc xoáy lửa’ giật vòi phun từ lính cứu hỏa, đốt cháy trên không (video)
Khi gió và lửa gặp đúng điều kiện để dung hợp với nhau, một cơn lốc xoáy lửa đáng sợ có thể hình thành. Khoa học gọi đó là xoáy lửa, nhưng hiện tượng này còn nhiều cái tên khác, như vòi rồng lửa, quỷ lửa… Dù có gọi đó là gì đi nữa, sức mạnh và khả năng phá hủy của nó cũng vẫn rất đáng sợ.
Vào ngày 16/9, lính cứu hỏa của tỉnh British Columbia ở cực Tây Canada đã ghi lại được hình ảnh một lốc xoáy lửa hiếm hoi khi họ đang chiến đấu trong cơn cháy rừng mù mịt.
Video được đăng tải bởi cô Mary Schidlowsky, lính cứu hỏa và y tá dã chiến, trên Instagram. Trong mô tả, cô viết rằng lốc xoáy đã cao đến hơn 70m, nhưng do khói che mất nên người xem không thấy rõ.
“Lốc xoáy lửa đã phá tan hàng phòng ngự của chúng tôi. Nó ném cành cây cháy về phía chúng tôi trong 45 phút; lôi vòi chữa cháy dài hơn 33m lên không trung rồi làm nó tan chảy. Chắc chắn đây là lần đầu tiên chuyên như vậy xảy ra.”
Dù lốc xoáy lửa không phải quá hiếm, rất ít khi người ta quay video được nó. Trong một bài viết năm 2011 trên Tạp chí Combustion, các nhà khoa học Cục kiểm lâm Hoa Kỳ giải thích rằng các lốc xoáy lửa “hình thành bất ngờ, di chuyển thất thường và thường tan ra cũng bất thình lình,” do đó chúng được xem là các hiện tượng lửa rất cực đoan.
Năm 2017, các nhà khoa học thuộc đại học Maryland đã xác định được 3 yếu tố cơ bản để lốc xoáy hình thành, đó là: một nguồn lửa, một nhân tố xoay tròn (ví dụ như gió), và một lực ma sát ở dưới giúp hình thành lớp giới hạn ngoài.
Lốc xoáy lửa khác với các loại lửa khác ở chỗ các hạt lỏng xoay chuyển quanh trọng tâm của nó. Chúng ta không thể thấy chúng bởi lửa, tro và khói bị thổi tung lên trong vòng xoáy của khí và gió này.
>> 19 hình ảnh ngoạn mục nhưng đáng sợ về những cơn bão và lốc xoáy
Trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học xác nhận rằng phần lõi xoay của lốc xoáy có thể đạt vận tốc tối đa 91 m/s. Cái đuôi nhỏ và mỏng của nó là kết quả của chuyển động xoay tại phần lõi. Chuyển động kiểu này làm giảm sự đối lưu trong phần lõi, giúp lốc xoáy duy trì cường độ của nó. Vì khí nóng sẽ chuyển động lên trên, và khí quanh ngọn lửa bao phủ khí nóng, không khí bên trong lốc xoáy sẽ mạnh dần. Qua một quá trình chuyển động xoay và giãn ra, lốc xoáy lửa sẽ tăng dần tốc độ và phát triển thành một sức mạnh khổng lồ.
Các lốc xoáy lửa đã xuất hiện phổ biến trên báo chí trong những năm gần đây bởi gây ra những trận tàn phá ở California, nhưng chúng không chỉ gây ra cháy rừng mà còn xuất hiện ở khu đô thị, cháy rò rỉ dầu và kể cả núi lửa phun trào. Ví dụ, trận cháy lớn ở Chicago năm 1871 gây ra thiệt hại khủng khiếp vì có xảy ra lốc xoáy, làm lửa lan rộng ra khắp thành phố. Năm 1921, một cơn địa chấn 7,9 độ richter làm rung chuyển Tokyo, Nhật Bản và gây ra một đám cháy lớn, sau đó xuất hiện lốc xoáy, đã lấy đi sinh mạng của 38.000 người trong chưa đầy 15 phút.
Theo đài CBC, lốc xoáy lửa ở tỉnh British Columbia là do sức nóng từ lửa cháy rừng kết hợp với gió trên cao. Tuy các lính cứu hóa ở lại để chống chọi với sức mạnh của nó, điều tốt nhất mà đa số mọi người có thể làm là hãy chạy đi.
Video: 7 cơn lốc xoáy lửa dữ dội từng được ghi hình
Từ khóa Lốc xoáy Cứu hỏa Canada cháy rừng