Mạng xã hội Twitter mới đây đã đình chỉ tài khoản của đại sứ quán Serbia tại 7 quốc gia và một lãnh sự quán Serbia ở Mỹ.

Mạng xã hội Twitter
(Ảnh minh họa: Sergei Elagin/Shutterstock)

Bộ Ngoại giao Serbia cho biết thông tin trên vào hôm 22/8 vừa qua. Nước này đã yêu cầu Twitter bỏ chặn các tài khoản này, cho rằng động thái kiểm duyệt như vậy đối với một nền dân chủ châu Âu đề cao quyền tự do ngôn luận là hành vi không thể chấp nhận được.

Được biết, các đại sứ quán ở Armenia, Ghana, Iran, Indonesia, Kuwait, Nigeria và Zimbabwe đã bị đình chỉ tài khoản Twitter vào ngày 18/8. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với tài khoản Twitter của lãnh sự quán Serbia ở Chicago, tiểu bang Illinois, Mỹ.

Theo Bộ Ngoại giao Serbia, các tài khoản trên bị đình chỉ mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào hoặc thông báo trước về việc có khả năng các tài khoản này vi phạm quy tắc của Twitter.

Bộ Ngoại giao Serbia tuyên bố: “Không bàn tới các chính sách kinh doanh của Twitter, chúng tôi lưu ý rằng việc kiểm duyệt các cơ quan ngoại giao của một quốc gia dân chủ không bị trừng phạt, theo bất kỳ cách nào là điều không thể chấp nhận được. Serbia là một quốc gia cam kết chiến lược trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Các tiêu chuẩn chính trị và dân chủ của chúng tôi, trong đó có cả quyền tự do truyền thông, được điều chỉnh phù hợp với các tiêu chuẩn cao nhất của châu Âu. Vậy nên, thật vô lý khi hàng loạt cơ quan ngoại giao và lãnh sự của chúng tôi bị kiểm duyệt trên một mạng xã hội coi mình là nền tảng khuyến khích dân chủ và đa dạng quan điểm”.

Serbia hy vọng lệnh cấm không phải là một phần nỗ lực cản trở hoặc khiến Serbia im lặng trong cuộc việc nói lên sự thật, đặc biệt là về tình hình ở Kosovo.

Vào ngày mạng xã hội Twitter đình chỉ các tài khoản của Serbia, Tổng thống Aleksandar Vucic đã gặp các nhà lãnh đạo Kosovo người Albania tại Brussels. Các cuộc đàm phán, do Mỹ và EU làm trung gian, nhằm giải quyết căng thẳng ở tỉnh ly khai Kosovo.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đưa quân vào Kosovo sau cuộc chiến kéo dài 78 ngày vào năm 1999 và giao vùng này cho những người ly khai gốc Albania. Kosovo đã tuyên bố độc lập vào năm 2008 với sự hỗ trợ của Mỹ. Serbia từ chối công nhận chính quyền ở Kosovo vốn được Nga, Trung Quốc và khoảng một nửa số quốc gia ủng hộ.

Hôm 18/8, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết cuộc đàm phán nhằm kiểm soát căng thẳng giữa Serbia và Kosovo đã không đạt được hiệu quả nhưng các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức trong những ngày tới.

Ông Josep Borrell tuyên bố sẽ không bỏ cuộc, quá trình đàm phán sẽ tiếp tục, các bên cần tiếp tục thảo luận và xem xét các giải pháp khả thi. Ông Borrell cho hay rằng vẫn còn cơ hội để giải quyết thành công xung đột. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và thủ lĩnh Kosovo Albin Kurti đã đồng ý tiếp tục đàm phán. Nhà ngoại giao EU nói rõ rằng những bất đồng giữa 2 bên vẫn chưa thể khắc phục, nhưng các chính trị gia hiểu rõ không có cách nào thay thế cho đối thoại.

Tổng thống Serbia cho biết nhà lãnh đạo Kosovo đã từ chối tất cả các giải pháp thỏa hiệp mà ông đưa ra, tuy nhiên, Serbia sẽ cố gắng tìm kiếm sự thỏa hiệp trong 10 ngày tới. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ trích NATO vì động thái gia tăng sự hiện diện ở Bắc Kosovo.

Trước đó, từ ngày 1/8, Kosovo đã ban hành lệnh cấm xe ô tô đăng ký tại Serbia vào Kosovo. Sau khi có sự can thiệp của Mỹ, lệnh cấm đã được hoãn lại 1 tháng cho đến ngày 1/9.

Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia hồi năm 2008, nhưng Serbia vẫn coi Kosovo là một phần lãnh thổ. Hiến pháp Kosovo đảm bảo một số vai trò trong quốc hội và chính phủ cho người Serbia thiểu số. Người Serbia hiện chiếm 5% trong tổng số 1,8 triệu dân Kosovo, trong khi người Albania chiếm đến 90%.

Phan Anh

https://trithucvn2.net/the-gioi/chien-tranh-nga-ukraine-co-the-ket-thuc-nhu-the-nao.html#gsc.tab=0