Một ngày trên vũ trụ của các phi hành gia diễn ra như thế nào?
- Phan Anh
- •
Các phi hành gia có cơ hội chứng kiến những cảnh tượng đẹp từ vũ trụ mà người bình thường không có, tuy nhiên, họ cũng phải trải qua những thử thách, khó khăn và sống trong điều kiện mà phần lớn người bình thường cũng không thể chịu được.
Dù qua phim ảnh và truyền thông, người ta có thể hình dung phần nào về cuộc sống của phi hành gia trong vũ trụ, nhưng họ dành thời gian như thế nào trong vũ trụ, ăn ngủ, vệ sinh ra sao là những câu hỏi gây tò mò.
Qua lời kể của các phi hành gia, có thể hiểu thêm về những trải nghiệm kỳ lạ trong cuộc sống ở một nơi cách rất xa Trái Đất. Thời gian các phi hành gia ở Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) có thể kéo dài tới 6 tháng một lần. Trong thời gian đó, họ phải tuân theo lịch trình chi tiết hàng ngày, có thời gian cụ thể để thức dậy, ăn, tập thể dục, làm việc, thư giãn và đi ngủ.
Theo nữ phi hành gia Nhật Bản Naoko Yamazaki, trên ISS, một ngày bắt đầu lúc 6 giờ sáng theo giờ chuẩn Greenwich (GMT) và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ bật nhạc để đánh thức các phi hành gia vào mỗi buổi sáng.
Các bản nhạc được chuẩn bị để làm cho các chuyến đi dài thú vị hơn và cũng là các bản nhạc gắn bó với các phi hành gia trong các chuyến du hành vũ trụ.
Truyền thống dùng nhạc hoặc cuộc gọi đánh thức đã có từ lâu ở NASA. Theo tài liệu Văn phòng lịch sử của NASA, họ phát bản nhạc đánh thức được ghi âm đầu tiên trong sứ mệnh Gemini 6 vào năm 1965 và tên bài hát là “Hello Dolly” (Xin chào Dolly).
Phi hành gia NASA Edward Michael Fincke, người đã ở tổng cộng 381 ngày, 15 giờ và 11 phút trong vũ trụ, kể lại cách ông bắt đầu một ngày mới: “Khi thức dậy vào buổi sáng, bạn thấy rằng mình đang ở trong không gian. Sau đó, bạn mở cửa và chuẩn bị sẵn sàng cho buổi sáng. Làm một chút gì đó để ăn, uống một ít cà phê và sau đó bạn nhìn thấy những người đồng hành cùng mình cũng đang lơ lửng trong không gian… Bạn nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy hành tinh xinh đẹp Trái Đất. Đó là một cách tuyệt vời để bắt đầu ngày mới”.
Thông thường, các phi hành gia ăn sáng rồi liên lạc với trung tâm điều khiển sứ mệnh ở Trái Đất để kiểm tra lịch trình và nhiệm vụ trong ngày. Sau đó, mỗi người sẽ thực hiện nhiệm vụ riêng.
Họ thường hoàn thành mọi công việc vào khoảng 6 giờ tối, cùng nhau ăn, trò chuyện và thường ngủ trong túi ngủ vào khoảng 10 giờ tối. Họ cũng tập thể dục khoảng 2 giờ mỗi ngày. Họ tập thể dục với thiết bị đặc biệt được chế tạo riêng cho ISS. Nếu không tập thể dục thường xuyên, các phi hành gia sẽ mất rất nhiều cơ và xương do trọng lực thấp.
Môi trường vi trọng lực của ISS khiến các hoạt động hàng ngày như gội đầu và đi vệ sinh trở nên khó khăn hơn so với Trái Đất. Các phi hành gia gội đầu bằng dầu gội không cần xả nước. Để sử dụng nhà vệ sinh, họ phải buộc mình vào bồn cầu bằng dây buộc chân và thanh chắn đùi. Bồn cầu hoạt động giống như một chiếc máy hút bụi, nó sẽ hút không khí và chất thải vào các bể chứa đặc biệt.
Trên ISS, những hoạt động như vệ sinh cá nhân cũng có thể mất tới một tiếng rưỡi. Tất nhiên, quần áo thay ra cũng không thể giặt để tiết kiệm nước. Đồ thay ra được đựng trong túi kín và gom lại để chờ tiêu hủy.
Nửa thế kỷ trước, khi nhân loại tăng tốc khám phá vũ trụ, bên cạnh nhu cầu dinh dưỡng cơ bản, các hệ thống đã được phát triển theo sở thích cá nhân. Tuy nhiên, phần lớn thực phẩm vẫn được đóng hộp và chế biến đặc biệt.
Phi hành gia Yamazaki cho biết, đồ ăn ngoài vũ trụ ngày càng ngon và hiện có hơn 300 lựa chọn trong thực đơn. Điều đặc biệt là phi hành gia cũng có thể mang theo đồ ăn riêng và các đồ ăn thêm như mì, cơm hoặc gia vị như cà ri trong khi làm việc trên vũ trụ.
Nhận xét về đồ ăn trên vũ trụ, phi hành gia Fincke cho biết, thực phẩm của họ không tươi ngon như ở Trái Đất và gần như mọi thứ đều được chuẩn bị trước khoảng 1, 2 năm dưới dạng thực phẩm đóng hộp, hút chân không, chiếu xạ hoặc đông lạnh. Bù lại, họ cũng có sẵn đồ uống như cà phê, trà, nước ép trái cây.
Một thứ mà ở Trái Đất rất rẻ, nhưng lại rất đắt khi đưa lên vũ trụ, đó là nước. Trên ISS, nước được tái chế để sử dụng. Mặc dù tỷ lệ khác nhau nhưng khoảng 93% lượng nước trên ISS được tái chế.
Ông Fincke cho hay: “Khi hít thở, có hơi ẩm trong không khí, chúng tôi sử dụng máy điều hòa để lấy độ ẩm ra khỏi không khí. Chúng tôi có nước được lấy từ nhà vệ sinh khi đi tiểu. Chúng tôi tái chế nước tiểu. Mỗi kg nước tốn khoảng 5.000 USD mới đưa được vào vũ trụ, rất đắt. Thế nên chúng tôi tái chế càng nhiều càng tốt”.
Ngoài những bất tiện và thiếu thốn kể trên, các phi hành gia có thể phải đối mặt với một số rủi ro khi sống và làm việc trong ISS.
Phi hành gia được chính thức xếp vào nhóm người làm việc trong môi trường bức xạ, do đó bức xạ trở thành một trong những mối nguy hiểm lớn nhất trên ISS. Một ngày trên tàu ISS có thể khiến các phi hành gia tiếp xúc với bức xạ lên tới một milisievert, tương đương với mức bức xạ mà một người ở Trái Đất tiếp xúc trong khoảng 4 tháng. Bên cạnh đó, phi hành gia còn có nguy cơ gặp hỏa hoạn trong ISS hoặc ISS có nguy cơ bị rác vũ trụ lao vào…
Phan Anh
Video: Họa sĩ vẽ Rồng chúc mừng năm mới Giáp Thìn 2024
Từ khóa vũ trụ phi hành gia