Một vùng từ trường Trái Đất rộng lớn đang suy yếu: Dấu hiệu đảo cực từ?
Từ trường rất quan trọng đối với mọi sự sống trên Trái Đất, không chỉ ảnh hưởng đến nhiều hành vi của sinh vật mà còn bảo vệ chúng ta khỏi bão Mặt Trời và các tia vũ trụ không ngừng bắn phá tới Trái Đất. Tuy nhiên, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) gần đây đã phát hiện ra rằng một vùng từ trường Trái Đất rộng lớn đang suy yếu.
Vùng từ trường suy yếu này được thể hiện bằng màu xanh dương trên hình. Nó bao gồm một khu vực rộng lớn cả đại dương và đất liền trải rộng từ Nam Mỹ đến cực nam Châu Phi.
Ngày 20 tháng 5, ESA công bố báo cáo nghiên cứu cho biết trường địa từ đang suy yếu do những lý do bí ẩn, và còn tạo video liền mạch miêu tả sự thay đổi của từ trường qua các năm. Các nhà khoa học gọi vùng này là “Vùng dị thường Nam Đại Tây Dương”.
Những chấm trắng trong video thể hiện các sự kiện bức xạ bộc phát mà thiết bị quan trắc SWARM ghi nhận được trong khoảng thời gian tháng 4/2014 tới tháng 8/2019. Còn ảnh nền thể hiện từ trường đo được tại độ cao của vệ tinh – 450 km.
Kết quả là, khi kính viễn vọng Hubble và các vệ tinh khác bay qua khu vực này, chúng thường phải tắt các thiết bị điện tử nhạy cảm đi. Các phi hành gia trên Trạm Quốc tế ISS đã báo cáo nhìn thấy thường xuyên hơn các chớp lóe sáng mà họ cho rằng chính là các tia vũ trụ cao năng lượng mà từ trường yếu không thể cản lại. [ads]1
Cường độ từ trường ở khu vực này đã giảm gần 10% trong 50 năm qua. Điều đáng chú ý là khu vực dị thường hiện đang di chuyển về phía tây với tốc độ 20 km mỗi năm, được coi là một dấu hiệu đảo ngược của các cực Bắc và Nam.
Điều gì sẽ xảy ra khi từ trường Trái Đất đảo cực?
Hơn 150 năm qua, Cực Bắc của từ trường thường “lang thang” trong phạm vi 685 dặm vuông thuộc vùng miền Bắc Canada. Nhưng giờ đây nó đang di chuyển khoảng 25 dặm/năm về phía Tây Bắc. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi cực Nam-Bắc của từ trường.
Nữ khoa học gia Alianna Mitchell, tác giả quyển “Cục nam châm đang xoay”, cho biết trong quá khứ đã từng có những giai đoạn hàng chục nghìn năm mà từ trường Trái Đất có thể có 2, 4, 6 hoặc 8 cực và chúng làm suy yếu lẫn nhau, làm cho từ trường Trái Đất giảm tới 90% khi hiện tượng đảo cực xảy ra.
Từ trường Trái Đất bảo vệ chúng ta khỏi các tia vũ trụ có hại – có thể làm hư hại tế bào, gây ra ung thư và làm hư hỏng mạch điện cùng các lưới điện. Khi từ trường yếu đi, bức xạ ảnh hưởng lên máy bay sẽ mạnh hơn, gây rủi ro cao hơn.
>> Nếu từ trường của Trái Đất đảo cực, điều gì sẽ xảy ra?
Hiện tượng này cũng sẽ làm cho la bàn sinh học của nhiều loài đồng vật bị nhiễu loạn, làm chúng không thể định hướng được nũa. Thậm chí, một số nơi trên Trái Đất sẽ trở nên quá nguy hiểm, không thể sống được.
Ngoài vũ trụ, các vệ tinh và phi hành đoàn sẽ cần được che chắn bảo vệ nhiều hơn, nếu không, các tia vũ trụ và bức xạ Mặt Trời sẽ “nướng” các mạch điện và gây ung thư cho các phi hành gia.
Thậm chí, cuộc sống hiện đại của loài người có thể sẽ dừng lại nếu thiếu sự bảo vệ của từ trường Trái Đất.
Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về kết cục này, bởi vì vẫn cần nhiều thông tin hơn để có thể kết luận. Theo bà Mitchell, lần cuối cùng xảy ra đảo cực là vào 780.000 năm trước, cho nên không phải là chúng ta có nhiều dữ liệu quá khứ trong vấn đề này.
Thật bất an khi biết rằng cuộc sống hiện đại của con người – ngân hàng, thị trường chứng khoán, tên lửa đạn đạo và GPS – đều dựa vào những điều chúng ta không thể dự báo hay kiểm soát. Một nghiên cứu thậm chí còn tính toán ra rằng, nếu một cơn bão mặt trời khổng lồ xảy ra hôm nay, nó sẽ gây cho nước Mỹ thiệt hại lên tới hơn 41 tỷ USD chỉ trong một ngày. Mà đó mới chỉ là tính toán dựa trên từ trường chúng ta đang có.
Hiện tại, các vệ tinh SWARM của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đang tập trung theo dõi và ghi lại dữ liệu về từ trường Trái Đất. Chúng là công cụ đắc lực nhất của nhân loại hiện nay trong việc theo dõi Vùng dị thường Nam Đại Tây Dương và sự thay đổi của từ trường toàn cầu.
Phong Trần tổng hợp
Từ khóa từ trường Trái Đất từ trường đảo cực thảm họa toàn cầu