Nghiên cứu: Chúng ta ăn vào ít nhất 50.000 vi hạt nhựa một năm
Một người trung bình ăn vào ít nhất 50.000 vi hạt nhựa mỗi năm và hít vào một lượng tương đương qua đường hô hấp, theo một nghiên cứu đầu tiên về lượng ô nhiễm nhựa mà con người hấp thụ.
Con số thực tế có thể lớn hơn nhiều lần, vì các nhà nghiên cứu chỉ mới phân tích vi hạt nhựa trên một phần nhỏ số thực phẩm và nước uống. Tuy nhiên, báo cáo cho biết vi hạt nhựa có rất nhiều trong nước đóng chai (hay còn gọi là nước suối).
Ảnh hưởng sức khỏe của những hạt nhựa này vẫn còn chưa rõ, nhưng chúng có thể tiết ra những chất độc hại. Một vài vi hạt nhỏ tới mức đủ để xuyên qua mô của con người và gây ra các phản ứng miễn dịch như ho, dị ứng…
Vi hạt nhựa được tạo ra do rác thải nhựa bị phân rã thành các mảnh nhỏ li ti và chúng xuất hiện khắp nơi trên hành tinh: trong không khí, trong đất, các dòng sông, những hòn đảo xa xôi và ngay cả dưới đáy biển sâu nhất.
Vi hạt nhựa cũng được phát hiện trong nước máy và nước đóng chai, trong hải sản và bia. Tháng 10/2018, người ta phát hiện vi hạt nhựa trong mẫu phân của người, xác nhận rằng con người đang nuốt vào bụng loại vật chất này.
Nghiên cứu mới nói trên được đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường, đã xem xét dữ liệu từ 26 nghiên cứu đo lường lượng vi hạt nhựa trong cá, nghêu sò, đường, muối biển, bia và nước uống, cũng như trong không khí của các thành phố lớn.
Sau đó các nhà khoa học dùng hướng dẫn khẩu phần ăn của chính phủ Mỹ để tính toán số vi hạt nhựa người ta có thể ăn vào trong một năm: ở người lớn là khoảng 50.000 và ở trẻ em là khoảng 40.000.
Còn có nhiều loại thức ăn và thực phẩm chưa được kiểm tra, tức là nghiên cứu chỉ mới bao quát được 15% lượng calo ăn vào. Còn có rất nhiều dữ liệu chúng ta còn thiếu.
Những thực phẩm khác như bánh mì, thực phẩm chế biến sẵn, thịt, sữa và rau củ cũng có thể chứa nhiều vi hạt nhựa như vậy, nhà nghiên cứu Kieran Cox tại đại học Victoria, Canada, người đứng đầu báo cáo này, phát biểu với tờ TheGuardian. “Thực sự khả năng rất cao là có lượng lớn vi hạt nhựa trong những thực phẩm đó. Bạn có thể tiêu thụ tới hàng trăm nghìn hạt.”
>> Vì sao hơn 180 loài sinh vật biển sẽ cứ ăn rác thải nhựa tới chết?
Một trong những nguồn dữ liệu đầy đủ nhất là về nước, cho thấy trung bình nước đóng chai chứa vi hạt nhựa cao gấp 22 lần nước máy. Một người chỉ uống nước đóng chai sẽ tiêu thụ 130.000 vi hạt nhựa mỗi năm từ nguồn đó, còn ở nước máy thì chỉ là 4000 hạt.
Các nhà khoa học không biết điều gì sẽ xảy ra khi vi hạt nhựa bị hít vào qua đường thở, nhưng nghiên cứu mới này phỏng đoán rằng “đa số các vi hạt bị hít vào sẽ được hấp thu” chứ không bị ho hay hắt xì ra ngoài. Các nhà nghiên cứu ước tính lượng vi hạt trong một bữa ăn mỗi ngày có thể gia tăng thêm hàng chục nghìn vi hạt nhựa hấp thụ mỗi năm.
Ông Cox biết rõ vẫn chưa các ảnh hưởng sức khỏe được xác nhận, nhưng ông nói rằng các hạt hấp thụ vào cơ thể là “một loại rủi ro phơi nhiễm cao nếu xét về số lượng. Nó có thể trở thành một lời cảnh báo tiềm năng.”
Trong một báo cáo vào tháng 4/2019, Trưởng cố vấn khoa học của Ủy ban châu Âu nói: “Chứng cứ [về mối nguy hiểm cho mỗi trường và sức khỏe của vi hạt nhựa] là đủ để quan ngại và tiến hành các biện pháp phòng ngừa.”
Ông Cox cho biết kết quả nghiên cứu này đã khiến ông thay đổi hành vi bản thân. “Tôi chắc chắn tránh dùng các bao bì nhựa và cố gắng tránh nước đóng chai nhiều nhất có thể.”
Theo TheGuardian,
Phong Trần
Từ khóa ô nhiễm bụi mịn PM2.5 vi hạt nhựa rác thải nhựa Ô nhiễm môi trường Nghiên cứu khoa học