Nghiên cứu: Hơn 50% số rạn san hô trên thế giới có nguy cơ biến mất vào năm 2035
- Phan Anh
- •
Theo kết quả của một nghiên cứu công bố mới đây tại Mỹ, trong “kịch bản xấu nhất”, có khoảng hơn 50% số rạn san hô trên thế giới sẽ thường xuyên phải đối mặt với các điều kiện sống không thích hợp vào năm 2035.
Cụ thể, trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí PLOS Biology hôm 11/10 vừa qua, các nhà khoa học tại Đại học Hawaii cho biết họ đã tiến hành so sánh các kịch bản có thể xảy ra do 5 yếu tố dự báo ảnh hưởng đến môi trường từ những năm 1950 của thế kỷ trước đến năm 2100. Các yếu tố này bao gồm nhiệt độ bề mặt nước biển, hiện tượng axit hóa đại dương, các cơn bão nhiệt đới, vấn đề sử dụng đất và dân số.
Các nhà khoa học dự báo đến năm 2055, có đến 99% hệ sinh thái rạn san hô trên thế giới sẽ phải đối mặt với các điều kiện sống không phù hợp. Dự báo này được đưa ra dựa trên ít nhất 1 trong 5 yếu tố ảnh hưởng đến môi trường nêu trên. Theo các nhà khoa học, môi trường sống không phù hợp có thể khiến san hô chết và làm gián đoạn chuỗi thức ăn nuôi sống các sinh vật biển khác.
Trưởng nhóm nghiên cứu, bà Renee O. Setter, cảnh báo rằng sẽ có rất nhiều rạn san hô trên thế giới sớm phải đối mặt với các điều kiện môi trường không phù hợp.
Hồi tháng 6 vừa qua, tại Việt Nam, ngoài tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô thuộc vùng Vịnh Nha Trang, đặc biệt là tại khu vực Hòn Mun, Tỉnh ủy Khánh Hòa còn yêu cầu khảo sát, đánh giá tổng thể mức độ thiệt hại, cũng như lượng san hô còn lại ở Hòn Mun.
Theo báo chí nhà nước, hôm 22/6, Tỉnh ủy Khánh Hòa có thông báo kết luận liên quan đến việc suy giảm rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun thuộc vịnh Nha Trang (một trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia và cũng là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam).
“Qua ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, báo cáo của Ban quản lý Vịnh Nha Trang, UBND TP. Nha Trang, bước đầu cho thấy việc suy giảm phần lớn rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun là một quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan”, kết luận cho biết.
Từ khóa phá hủy rạn san hô Rạn san hô