Người đàn ông cứu được nhiều loài tuyệt chủng nhất thế giới
- Quốc Hùng
- •
Nếu không có nhà sinh vật học Carl Jones, thế giới có lẽ đã không còn được nhìn thấy loài chim cắt Mauritius, loài bồ câu hồng, loài vẹt đuôi dài Mauritius và nhiều loài bên bờ tuyệt chủng khác – nhưng phương pháp mà ông sử dụng lại gây ra nhiều tranh cãi.
Năm 1974, chỉ còn 4 cá thể chim cắt Mauritius – loài chim săn mồi duy nhất trên đảo quốc này – còn tồn tại trong tự nhiên. Và mọi nỗ lực giúp chúng sinh sản trong điều kiện nuôi trong lồng đều thất bại. Tuyệt chủng dường như đã là điều “không thể tránh khỏi”, theo lời của Norman Myers, một trong những nhà khoa học về môi trường hàng đầu thế giới.
Khi ấy, Carl Jones, một nhà sinh vật học 24 tuổi mang trong mình nhiều mơ mộng và hoài bão, đang làm việc tại một quỹ từ thiện sau này trở thành tổ chức BirdLife International, và nhận được chỉ đạo hãy “rút lui nhẹ nhàng”, và để lại gánh nặng cứu lấy loài chim cắt cho chính phủ Mauritius. “Điều này thực chất là khép cánh cửa lại, vì những người Mauritius không có nguồn lực hay khả năng để thực hiện điều ấy,” ông nói.
Dẫu vậy, những gì xảy ra tiếp theo trên hòn đảo quê hương của loài chim Dodo đã trở thành một nguồn cảm hứng trong kỷ nguyên tuyệt chủng hôm nay.
Từ năm 1970, con người đã xóa sổ 60% các loài động vật có vú, chim, cá và bò sát, theo số liệu của WWF – Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên thế giới. Và 1/8 số loài chim trên thế giới cũng đang bị đe dọa tuyệt chủng. Nhưng Jones đã giải cứu loài chim cắt khỏi sự lãng quên, và gia tăng số lượng của chúng lên gấp 100 lần, trước khi cứu thêm nhiều loại khác. Ông cứu được nhiều loài hơn có lẽ là bất kỳ ai trên thế giới.
Giờ đây, với vai trò là khoa học gia trưởng tại Quỹ Bảo toàn Thiên nhiên Durrell, một quỹ từ thiện do Gerald Durrell thành lập, ông đã bảo tồn được rất nhiều loài cây và chín loài động vật, bao gồm 4 loài chim có số cá thể trong tự nhiên ít hơn 12: loài bồ câu hồng, loài vẹt đuôi dài Mauritius, loài chim Foudia flavicans và loài chim chích Rodrigues. Người đàn ông 64 này đã được trao tặng giải thưởng Indianapolis – tượng vàng Oscar danh giá của giới bảo tồn sinh vật – nhưng ông lại không phải là nhân vật nổi tiếng trên thế giới, có lẽ vì những ý tưởng của ông đã thách thức những nền tảng cơ bản nhất của môn khoa học này.
‘Anthropocene’ – là cái tên mà giới khoa học đặt ra cho kỷ nguyên tuyệt chủng thứ 6 mà nhân loại chúng ta đang sinh sống. Và phần đông cho rằng con người không thể làm gì nhiều – nhưng Jones thở dài trước suy nghĩ này. “Chúng ta chắc chắn phải biết điều gì đang diễn ra, nhưng chúng ta có thể làm nhiều việc để đảo ngược quá trình này. Tất cả các loài đều có thể cứu được,” ông nói.
Ngay cả những con côn trùng tầm thường nhỏ bé sao? “Tôi chắc chắn là các bạn có thể tìm ra nhiều lý lẽ chứng minh chúng đã hết cách cứu rồi. Tôi biết nói như thế là khá dập khuôn máy móc, nhưng bạn phải bắt đầu bằng giải pháp, còn hơn là không làm gì cả.”
Ông cũng không đồng tình với lý thuyết của Myers về sự ưu tiên trong bảo tồn thiên nhiên – có nghĩa là ưu tiên những loài có khả năng tồn tại thay vì những loài có số phận hẩm hiu như trường hợp của chim cắt Mauritius.
“Điều đó sẽ đi tới đâu?” Jones hỏi. “Bạn không thể cứu tê giác? Bạn không thể cứu loài voi? Không có nơi nào trong thế giới hiện đại cho loài kền kền California? Câu tồi tệ nhất là: ‘Chúng ta không có đủ tiền.’ Có bao nhiêu tiền trên thế giới và bao nhiêu đang bị lãng phí vào những thứ vô nghĩa? Đó là lập luận của một kẻ thất bại.”
Làm thế nào để cứu một loài sinh vật? “Nó rất đơn giản. Không có gì bí mật cả,” Jones nói. Ông đang sống trong một ngôi nhà ở vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh tại xứ Wales cùng với vợ mình, 2 người con, 6.000 quyển sách, một con đại bàng ngực đen có tên Igle và hằng sa số đầu lâu, tiêu bản động vật mà ông đã tiếp xúc trên khắp thế giới, từ những con rùa khổng lồ cho đến một con gấu xám lớn.
“Sau một thời gian, chúng sẽ nói chuyện với bạn,” ông nói về những báu vật của mình. “Mỗi một mẫu vật là một kho tàng với vô số thông tin. Bạn phải sống với các mẫu vật của mình, với con vật của mình. Chúng phải là một phần trong cuộc sống của bạn.”
Jones cao, dí dỏm và giàu trí tưởng tượng, với “niềm đam mê đáng nể phục và nhiệt huyết của một người sành bồ câu trẻ tuổi,” như cách mà David Quammen gọi trong cuốn sách của minh mang tên “Bài hát của chim Dodo”. Jones đồng tình với Edward O. Wilson về khái niệm ‘biophilia’, nghĩa là con người cần sống chan hòa với muôn loài. Ông đã sống như vậy trong toàn bộ cuộc đời của mình và nó cũng đã giúp hình thành nên phương pháp thực tiễn bảo tồn các loài động vật của ông.
Niềm yêu thích của Jones với động vật bắt đầu từ những ngày còn thơ bé – bên những tiếng cú kêu trong căn nhà ở vùng quê Carmarthenshire xứ Wales. Cậu bé Jones khi ấy thường cứu giúp những loài chim thú hoang dã – những con lửng, những con cú màu hung, những con chim cắt và nuôi những con chim săn mồi trong lồng tự chế.
“Thầy hiệu trưởng của tôi lúc nào cũng nói: ‘Tại sao trò không làm những việc có ích thay vì chơi với lũ chim trong vườn nhà vậy?’ Trong tâm khảm mình, nuôi nấng chim chóc là điều gì đó rất đặc biệt. Khi biết về hoàn cảnh khốn cùng của loài chim cắt Mauritius, tôi đã nghĩ: ‘Mình có thể làm được điều đó.’”
Jones nghi ngờ hiểu biết thông thường của giới bảo tồn rằng chúng ta trước tiên phải hiểu chính xác lý do loài vật đó bị tuyệt chủng và rồi khôi phục lại môi trường sống của chúng. Thay vào đó, ông lập luận rằng các nhà khoa học phải giải quyết các yếu tố gây ra sự hạn chế dân số của chúng – như thức ăn, địa điểm đặt tổ, sự cạnh tranh, loài thiên địch, bệnh tật – bằng các hành động thực tế.
“Nếu thiếu thức ăn, bạn phải bắt đầu cấp thức ăn cho chúng. Nếu thiếu chỗ xây tổ, hãy đặt các hộp làm tổ. Bạn không cần biết có bao nhiêu tiến sĩ đang nghiên cứu một loài sinh vật nào đó trong 20 năm.” Ngành bảo tồn học hiện nay, đang quá xa rời thực tiễn. “Anh có ngồi một chỗ vào xem các bệnh nhân chờ chết, hay anh đứng dậy điều trị cho họ và xem liệu nó có hiệu quả hay không? Rất nhiều sinh vật đang được nghiên cứu tới chết.”
>> Giáo điều “Khoa học toàn năng” và mâu thuẫn khổng lồ trong tư duy “khoa học”
Ở Mauritius, ông sử dụng phương pháp cho ăn trong lồng kiểu truyền thống do thần tượng của ông – Durrell và nhà bảo tồn học Ngài Peter Scott phát triển – chính là “nâng niu chúng trong lồng và khuyến khích chúng sinh sản”. Để làm việc này, ông đã áp dụng thêm các phương pháp khoa học mới để can thiệp vào quá trình sinh sản của các loài chim như kỹ thuật “sinh sản hai lần”, nghĩa là lấy một quả trứng chim cắt ra, tự nuôi con non để khuyến khích chim mẹ đẻ thêm một lứa nữa.
Bỏ ngoài tai những tranh cãi, ông tiếp tục áp dụng phương pháp này với các loài chim hoang dã và dành hàng trăm giờ để trực chờ bên dưới các tổ chim cắt. “Điều quan trọng nhất khi bắt đầu cứu một loài đang có nguy cơ tuyệt chủng là hiểu và gắn bó thân thiết với loài vật đó,” ông nói.
Ông đã dạy những con chim cắt Mauritius hoang dã đi bắt chuột bạch; với chế độ ăn được bổ sung thêm, chim mẹ sẽ có động lực đẻ thêm trứng. “Bằng cách lấy đi các quả trứng và đặt chúng vào lồng ấp, tôi có thể khiến chim mẹ đẻ thêm quả trứng thứ hai. Khi quả trứng trong lồng nở, tôi đưa con non trở lại tự nhiên và cấp thức ăn cho chim bố mẹ để chúng có thể trông nom cho con của mình.”
Sau đó, ông phát hiện ra loài cầy mangut, được mang đến hòn đảo này năm 1900 để diệt chuột – đang tấn công các tổ chim. Vậy là ông đã thiết kế các hộp đặt tổ chống cầy, để chim có thể sinh sản an toàn hơn trong tự nhiên; đặt bẫy loài cầy ở quanh khu vực đặt tổ, và nếu bắt gặp một con cầy mangut nào đó đang lảng vảng, ông sẽ tự giết chết nó.
Cấp trên của ông đã “rất nghi ngờ.” Nhưng phương pháp ấy của ông đã thành công.
“Phương pháp bảo tồn truyền thống là gìn giữ các loài động vật và không tác động gì tới tự nhiên. Ở đây tôi đang làm điều hoàn toàn ngược lại.” – Carl Jones
Jones làm việc trên đảo Mauritius suốt thập niên 80, 90 và hiện vẫn dành 3 tháng ở đây mỗi năm. Ông đã sử dụng kỹ thuật tương tự để giải cứu loài chim bồ câu hồng (số lượng hiện nay là 400 cá thể trong tự nhiên) và loài vẹt đuôi dài (giờ là 750). Ông cũng làm việc với người dân trên đảo Rodrigues, cách Mauritius 600km về phía đông, để khôi phục lại các cánh rừng, giúp nâng số lượng của loài chim Foudia flavicans và loài chim chích Rodrigues lên tương ứng 14.000 và 20.000 cá thế.
Một số trường hợp cá biệt vẫn cần “trợ giúp về mặt quản lý,” Jones nói: như loài chim cắt Mauritius gần đây lại giảm về số lượng, mặc dù vậy ông tự tin nói rằng số cá thể có thể tăng lên trở lại khi đặt thêm nhiều hộp làm tổ hơn.
Rất nhiều nhà bảo tồn học xem việc bảo tồn “một loài đơn lẻ” là không quan trọng hoặc quá đắt đỏ – họ cho đó là một sự xa hoa cổ điển trong thế kỷ 21 này. Jones cho rằng điều này hoàn toàn không đúng.
“Làm việc với các loài sinh vật là chìa khóa để mở tất cả những cánh cửa mà bạn nhìn thấy trong hệ thống,” ông Jones nói. “Khi cứu một cá thể sinh vật nào đó, bạn cuối cùng sẽ chăm nom cho toàn bộ hệ thống.”
Một ví dụ cho nhận định này là câu chuyện Jones khôi phục lại hệ sinh thái trên đảo Round. Hòn đảo nhỏ vốn từng là một vùng đất xanh tươi gần Mauritius, nơi cư ngụ của những loài bò sát độc đáo như trăn Đảo Round và thạch sùng Günther, đã trở nên hoang vu vì sự xuất hiện của dê và thỏ mà các thủy thủ mang tới.
Những động vật có vú ngoại lai đã bị chuyển đi để tái sinh thảm thực vật. Tuy vậy, điều đáng ngạc nhiên là các thực vật độc nhất vô nhị của hòn đảo này lại bắt đầu suy giảm.
Jones quyết định mang loài rùa lớn Aldabra từ đảo Seychelles tới. “Mọi người cho rằng đó là ý tưởng tồi tệ nhất thế giới. Họ nói: ‘Anh không thể làm như thế. Sự tuyệt chủng trên hòn đảo này do chính các động vật ngoại lai gây ra, và anh lại muốn đưa các con vật ngoại lai tới đây!’”
Jones nhấn mạnh rằng ông cần phải hồi phục lại vai trò sinh thái của loài rùa lớn đã tuyệt chủng trước đây. Tới năm 90, ông đã chứng minh mình là đúng và giành được sự ủng hộ của mọi người. Hiện nay, 600 con rùa đang sinh sống trên đảo Round và các loài thực vật bản địa như cây gỗ mun đã tươi tốt trở lại nhờ những còn rùa giúp chúng phân tán hạt giống.
Theo The Guardian,
Quốc Hùng
Từ khóa Bảo vệ động vật tuyệt chủng cân bằng sinh thái lương tâm Mauritius