OpenAI hiện “không có kế hoạch” theo đuổi hành động pháp lý đối với DeepSeek, một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI)  của Trung Quốc, vốn được biết đến với mô hình chatbot tiên tiến. Tuyên bố này được nhà sáng lập OpenAI, ông Sam Altman, đưa ra trong một cuộc họp báo tại Tokyo vào ngày thứ Hai (3/2).

Sam Altman 1
Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman tham dự Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC tại Moscone West hôm 16/11/2023 ở San Francisco, California. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Phát biểu về DeepSeek, ông Altman thừa nhận rằng đây “chắc chắn là một mô hình ấn tượng”, đồng thời nhấn mạnh cam kết của OpenAI trong việc phát triển các sản phẩm vượt trội hơn.

DeepSeek được ra mắt vào tháng 1 năm 2025 và đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới công nghệ nhờ vào chatbot AI DeepSeek-R1, một mô hình mã nguồn mở, hoàn toàn miễn phí. Trái ngược với ChatGPT của OpenAI, vốn yêu cầu đăng ký trả phí để sử dụng các tính năng nâng cao, DeepSeek-R1 hoàn toàn miễn phí cho người dùng.

Chỉ trong thời gian ngắn sau khi phát hành, DeepSeek-R1 đã nhanh chóng trở thành ứng dụng miễn phí được tải xuống nhiều nhất trên App Store của Apple tại Hoa Kỳ, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu AI và các nhà lãnh đạo công nghệ, đồng thời nổi lên là đối thủ đáng gờm của OpenAI.

Vào tháng trước, OpenAI đã bày tỏ lo ngại rằng DeepSeek có thể đã sử dụng công nghệ “chưng cất/tinh chế (distillation)” để sao chép năng lực của GPT. Kỹ thuật này cho phép đào tạo một mô hình AI nhỏ hơn dựa trên các kết quả đầu ra của một mô hình lớn, từ đó có thể tái tạo khả năng của GPT mà không cần tiếp cận công nghệ độc quyền. OpenAI tuyên bố rằng họ đang nắm giữ bằng chứng chứng minh DeepSeek đã áp dụng phương pháp này trong quá trình phát triển các mô hình AI của họ.

Khi được các phóng viên đặt câu hỏi về khả năng kiện DeepSeek, ông Altman đã bác bỏ ý tưởng này, khẳng định rằng: “Không, chúng tôi không có kế hoạch khởi kiện DeepSeek vào lúc này. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung xây dựng những sản phẩm xuất sắc và dẫn đầu thế giới về năng lực mô hình [AI], và tôi tin rằng điều đó sẽ [mang lại kết quả tốt đẹp]”. Ông Altman cũng nhấn mạnh rằng OpenAI hoan nghênh sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Sau khi DeepSeek được ra mắt, cổ phiếu của các công ty công nghệ Hoa Kỳ liên quan đến AI, bao gồm cả Nvidia và Microsoft (đối tác của OpenAI), đã sụt giảm mạnh khi giới đầu tư lo ngại với viễn cảnh về một công ty công nghệ đối thủ nguồn mở đáng gờm.

Cùng lúc đó, những lo ngại về việc DeepSeek có thể có liên kết với các chương trình do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đã khiến một số quốc gia và tổ chức áp đặt hạn chế đối với ứng dụng này. Úc đã phát đi cảnh báo về DeepSeek. Cơ quan quản lý dữ liệu của Ý đã chặn quyền truy cập vào ứng dụng của Trung Quốc này với lý do quan ngại về quyền riêng tư. Hải quân Hoa Kỳ đã cấm quân nhân sử dụng ứng dụng DeepSeek. 

Tổng thống Donald Trump cũng đã lên tiếng về vấn đề này, gọi DeepSeek là “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với các công ty AI Hoa Kỳ, đồng thời kêu gọi ngành công nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục “tập trung cao độ để giành chiến thắng trong cuộc đua AI”.

Trước áp lực cạnh tranh từ DeepSeek, OpenAI đã công bố kế hoạch đẩy nhanh việc phát triển và ra mắt các mô hình AI được cải tiến, nhằm duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo.

Trong khi đó, nhiều quốc gia đang tăng cường các sáng kiến AI của riêng họ. Ấn Độ dự kiến sẽ ra mắt một nền tảng đối thủ cạnh tranh DeepSeek và ChatGPT vào cuối năm nay. Trong khi, Hàn Quốc (Naver) và Viện Đổi mới Công nghệ UAE đang đầu tư mạnh mẽ vào các mô hình ngôn ngữ lớn. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị chính phủ hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo.

Thiên Vân, theo RT