Làm sao để kiểm chứng nhanh thông tin trong thời đại mạng xã hội?
- thiện tâm
- •
Trong thời đại của truyền thông mạng xã hội, một bức ảnh hay bài viết từ cá nhân cũng có thể đạt được lượt xem tương đương các hãng tin lớn. Nhưng lượt xem cao không đồng nghĩa với thông tin chính xác, vậy bạn có thể làm gì để tự bảo vệ mình khỏi làn sóng “tin tức giả” đang ngày càng rầm rộ?
Facebook – “tờ báo” được xem nhiều nhất ở Việt Nam
Hầu hết người dùng Internet ở Việt Nam hiện nay, ai cũng có một tài khoản Facebook. Thống kê đầu năm 2016 của WeAreSocial và Facbook cho biết Việt Nam năm 2016 đã có hơn 47 triệu người dùng Internet và hơn 35 triệu tài khoản Facebook. Thống kê cũng cho thấy người Việt Nam năm 2015 dành 2,5 giờ cho mạng xã hội mỗi ngày.
Mức độ phổ biến rộng rãi của Facebook đã khiến cho Facebook trở thành một trong những kênh thông tin phổ biến nhất Việt Nam hiện nay. Có rất nhiều người đã bỏ hẳn việc xem tin tức từ các kênh thông tin khác và chuyển hoàn toàn sang đọc tin được chia sẻ trên Facebook và các trang web được dẫn từ Facebook.
Ngoài việc là nguồn cung cấp nhiều rất thông tin cập nhật, chính xác, trung thực đến với hàng triệu người dân Việt Nam, Facebook cũng trở thành nguồn cung cấp thông tin giả mạo lớn nhất và có tác động mạnh nhất.
Tùy theo động cơ, các tin tức giả mạo có thể nhằm gây tâm lý hoang mang về kinh tế và tài chính để một nhóm người trục lợi, có thể là tin tức với mục đích chính trị nhằm hạ bệ hoặc thanh toán một đối thủ nào đó, hoặc đơn giản chỉ là tin giả mạo nhằm bôi nhọ một người hoặc câu view cho một trang web, fanpage.
>> Mạng xã hội đang ngày càng giống với truyền hình: Làm sao để tránh bị ‘dắt mũi’?
Vì vậy, lần tới trước khi hăm hở nhấn Like và Share cho một bài viết nào đó, hãy tự hỏi mình những điều đơn giản sau để lọc ra tin tức giả mạo:
Hãy ngừng lại một chút…
Nếu bạn có thời gian cuộn trang tin của Facebook để tìm các tin tức mới xuất hiện thì chắc hẳn bạn cũng có thời gian ngừng lại một chút, suy nghĩ và quyết định xem tin tức được chia sẻ có đáng tin hay không. Hãy tự đặt cho mình các câu hỏi nhanh dưới đây về về mức độ tin cậy của tin tức.
Câu chuyện quá kỳ quặc khiến bạn không thể tin được. Thường là các câu chuyện kỳ quặc hoặc giật gân được đăng lên mục đích là câu view của người đọc.
Câu chuyện quá kỳ quặc nhưng bạn tin. Đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo. Nhiều câu chuyện lợi dụng niềm tin sẵn có của bạn. Nếu câu chuyện hoàn toàn khẳng định nỗi nghi ngờ tệ hại bấy lâu nay của bạn, hãy tìm kiếm thêm thông tin để kiểm tra.
Tiêu đề có phù hợp với bài viết? Rất nhiều bài viết giật tít, nhưng rốt cuộc không ăn nhập gì với nội dung bài.
Bài viết có thống nhất với nguồn thông tin gốc? Bạn nên tìm đến bài gốc để kiểm tra xem bài báo mới ra có phù hợp với quan điểm của bài viết gốc hay không? Người ta có thể lợi dụng các câu chuyện cũ để đưa đến quan điểm trái ngược hoàn toàn.
Trang web có được đầu tư về mặt thiết kế? Một trang web quá xấu xí và bị lỗi hiển thị cho thấy chủ nhân của nó thiếu chuyên nghiệp, hoặc không có ý định xuất hiện lâu dài.
Ai, việc gì, khi nào? Một bài báo tốt sẽ trả lời cho bạn biết rõ những thông tin này, tin tức giả mạo thì có xu hướng dùng những từ chung chung như: “theo giới truyền thông”, “gần đây”…
Các báo lớn có đưa tin hay không? Tòa soạn báo chí đều có đội ngũ săn tin online, và họ đều muốn có tin hay – nhưng phải đúng sự thật. Nếu một video “gây sốc” nào đó không được các báo lớn đưa tin, bạn nên kiểm tra kĩ hơn.
Nguồn tin gốc đến từ đâu?
- Nếu là phát ngôn của 1 tài khoản Facebook, họ là một người có tên tuổi cụ thể hay không, phần lớn bạn bè của họ là ai, các bài đăng trước đó của họ đề cập đến những vấn đề gì? Trên Facebook có rất nhiều tài khoản “ảo” để tránh liên đới trách nhiệm khi phát ngôn.
- Nếu là từ một website, trang tin đó có uy tín hay không? Các hãng tin lớn cũng có khi đưa tin sai, nhưng ít ra bạn biết họ là ai để đòi trách nhiệm. Các hãng tin nhỏ hơn vẫn có thể cho ra những bài viết chất lượng, nhưng họ cũng cần có thông tin rõ ràng về bản thân và nguồn thông tin của họ.
Nhưng rốt cuộc, nếu hôm nay bạn lỡ tin vào những tin tức giả mạo thì cũng là… “bình thường”
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã cho thấy các trang báo điện tử và hãng truyền thông lớn cũng đưa tin sai sự thật một cách không tự biết.
Rất nhiều thứ hôm nay bạn cho là đúng, ngày mai có thể hóa ra là sai, và ngược lại; rốt cuộc thì chúng ta đều đang học hỏi mỗi ngày… Nhưng bạn có thể yên tâm rằng, về dài hạn, chất lượng của một tờ báo, trang tin hay website chắc chắn cũng sẽ lộ rõ trước con mắt của bạn đọc.
Thiện Tâm tổng hợp
Xem thêm:
Từ khóa điện thoại thông minh Facebook mạng xã hội tin tức giả