Các bậc cha mẹ và nhà nghiên cứu đang xem xét tiến hành một cuộc thảo luận liên quan đến vấn đề an toàn của vắc-xin, điều mà từ trước đến nay dường như bị cấm nhắc đến.

vắc-xin
(Ảnh minh họa: PhotobyTawat/Shutterstock)

Sức khỏe là vấn đề của cá nhân mỗi người. Thói quen sinh hoạt, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tiền sử gia đình của mỗi chúng ta đều đóng một vai trò quan trọng. Vấn đề đặt ra là, chúng ta đang đứng trước một sự lựa chọn: có nên sử dụng vắc-xin COVID-19 mới hay không.

Hiện nay, tất cả các tiểu bang ở Mỹ đều có danh sách tiêm chủng một số bệnh bắt buộc khi trẻ em vào trường công lập. Dù cho hầu hết các tiểu bang cho phép cha mẹ từ bỏ yêu cầu này vì lý do tôn giáo hoặc y tế, việc chọn không tham gia thực sự không được khuyến khích.

Đối với một số chuyên gia y tế, tiêm vắc-xin là bước tiến quan trọng nhất trong sức khỏe cộng đồng. Tiêm chủng được quảng bá như một loại phương pháp phòng ngừa được tạo ra nhằm bảo vệ người dân khỏi nhiều loại bệnh tật.

Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích mà vắc-xin hứa hẹn, quy trình phổ biến này đã gây ra sự tranh cãi.  Vấn đề cốt lõi nằm ở tính an toàn. Các thông tin đi kèm vắc-xin đã đưa ra cảnh báo gồm một danh sách dài những rủi ro về sức khỏe có thể xảy ra, trong đó có cả tử vong. Tuy nhiên, các quan chức y tế cho rằng những điều như vậy là hiếm xảy ra và không đáng kể so với những lợi ích công cộng to lớn mà các chương trình tiêm chủng mang lại.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2010 trên chương trình “Frontline” thuộc đài PBS, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, người trở thành một chuyên gia quen thuộc về đại dịch COVID-19, cho hay rằng nguy cơ của vắc-xin là “hầu như không đáng kể”.

Ông Fauci cho biết: “Vắc-xin có hiệu quả cao và rất an toàn, khi bạn nhìn vào tỷ lệ giữa rủi ro và lợi ích của một căn bệnh so với nguy cơ rất, rất nhỏ của bất kỳ tác dụng phụ nào của vắc-xin. Động lực để đi tiêm chủng rất rõ ràng khi bạn nhìn xung quanh mình và thấy những người mắc bệnh hiểm nghèo.”

Việc xác định các con số cần thiết cho một phân tích rủi ro-lợi ích (risk-benefit) thực sự không quá rõ ràng. Theo một nghiên cứu do Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ tài trợ, có ít hơn 1% trường hợp thương tích do vắc-xin được báo cáo. Hệ thống Báo cáo Sự kiện Có hại của Vắc-xin (VAERS) được giao nhiệm vụ theo dõi các vấn đề với vắc-xin ở Mỹ. Vào năm 2012, Viện Y học Mỹ (IOM) đã phát hiện ra rằng VAERS là một tổ chức không đáng tin cậy.

Theo báo cáo của IOM, vấn đề nằm ở chỗ “các nghiên cứu được thực hiện để kiểm tra tác động lâu dài của vắc-xin hoặc các khía cạnh khác của kế hoạch tiêm chủng đã không được tiến hành”.

Đây chính xác là những nghiên cứu cần thiết để đánh giá mức độ an toàn thực sự của các chương trình tiêm chủng hiện tại.

Chính sự thiếu khoa học này đã khiến các bậc cha mẹ lo lắng về tác động ngày càng tăng của các loại vắc-xin đối với con cái họ và hệ miễn dịch đang phát triển của chúng. So với chỉ 1 hoặc 2 thế hệ trước, khi trẻ em được tiêm phòng 6 hoặc 7 bệnh, trẻ em ngày nay được tiêm gần 70 mũi để phòng chống 18 loại bệnh.

Các nhà quản lý cố gắng “xoa dịu” những lo ngại bằng cách đảm bảo với công chúng rằng vắc-xin được kiểm tra một cách nghiêm ngặt. Nhưng cơ chế quản lý đặc biệt đối với những sản phẩm này khiến người ta nghi ngờ.

Các nghiên cứu so sánh về tác dụng của vắc-xin

Khi lịch trình tiêm chủng bắt buộc ngày càng tăng, các bậc cha mẹ, bác sĩ và các nhóm vận động liên quan đã kêu gọi việc nghiên cứu so sánh trực tiếp những trẻ đã được tiêm chủng với trẻ chưa được tiêm chủng.

Vào năm 2013, IOM đã tham gia ủng hộ các bậc cha mẹ khi ban hành một báo cáo hướng dẫn Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) thực hiện nghiên cứu so sánh này bằng cách sử dụng thông tin bệnh nhân mà nó đã có từ Liên kết dữ liệu về an toàn Vắc-xin (Vaccine Safety Datalink).

Nhưng trong 7 năm qua, CDC vẫn chưa xem xét dữ liệu này. Một yêu cầu về Đạo luật Tự do Thông tin (Freedom of Information Act) được đệ trình vào tháng 6/2020, trong đó tiết lộ rằng CDC không có nghiên cứu so sánh nào như vậy, cũng như chưa tiến hành một nghiên cứu nào. Điều đó có nghĩa là CDC không có hình thức nghiên cứu cơ bản nhất để xác nhận tính an toàn và hiệu quả lâu dài của phương pháp điều trị y tế duy nhất chỉ áp dụng cho trẻ em.

Một nghiên cứu đã qua đánh giá được công bố trên tạp chí SAGE Open Medicine, trong đó xem xét các chi tiết mà các cơ quan quản lý vắc-xin như CDC cho đến nay vẫn bỏ qua. Những nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu về kết quả sức khỏe của cả trẻ em được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng từ 3 cơ sở nhi khoa lớn ở Mỹ. Các đối tượng được sinh ra từ tháng 11/2005 đến tháng 6/2015, và được so sánh trong năm đầu tiên của cuộc đời về tỷ lệ mắc chứng chậm phát triển, hen suyễn, nhiễm trùng tai và rối loạn tiêu hóa sau này.

Nghiên cứu kết luận rằng những đứa trẻ không được tiêm chủng khỏe mạnh hơn những đứa trẻ được tiêm chủng. Mối quan hệ chặt chẽ nhất được quan sát đối với tình trạng tiêm chủng là bệnh hen suyễn (gấp 4,5 lần), chậm phát triển (gấp 2 lần) và nhiễm trùng tai (gấp 2 lần). Không tìm thấy mối liên quan nào đối với rối loạn tiêu hóa trong phân tích ban đầu, nhưng mối liên quan chặt chẽ được phát hiện khi sử dụng phối hợp các liều vắc-xin lâu dài.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Brian Hooker, cho biết: “Kết quả chắc chắn cho thấy tình trạng sức khỏe tốt hơn ở những trẻ không được tiêm vắc-xin trong năm đầu đời. Những phát hiện như vậy xứng đáng là một nghiên cứu bổ sung quy mô lớn về việc trẻ em được tiêm chủng hay chưa được tiêm chủng nhằm mang lại sức khỏe tối ưu cũng như bảo vệ chống lại các bệnh truyền nhiễm.”

Đây không phải là nghiên cứu so sánh đầu tiên thuộc loại này. Ông Robert F. Kennedy thuộc Viện Bảo vệ Sức khỏe Trẻ em cho biết đã có hơn 65 nghiên cứu về việc đã tiêm chủng/chưa tiêm chủng được đăng trên trang web của Viện.

Ông Kennedy cho hay: “Tất cả chúng đều cho thấy tình trạng sức khỏe tốt hơn đáng kể ở trẻ em chưa được tiêm chủng. Chúng tôi không tìm thấy nghiên cứu nào cho thấy kết quả sức khỏe vượt trội ở trẻ em được tiêm chủng.”

Xác định rủi ro khi tiêm vắc-xin

Các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin trước đây (đặc biệt là bệnh bại liệt) được ghi nhận vì sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng. Nhưng ngay cả những người ủng hộ vắc-xin tận tâm nhất cũng thừa nhận rằng niềm tin của công chúng đang giảm xuống.

Các chuyên gia tiêm chủng tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Y tế Thế giới về vắc-xin vào tháng 12/2019 đã nhấn mạnh việc thiếu “nghiên cứu khoa học có ý nghĩa” và việc các thử nghiệm lâm sàng về vắc-xin không có khả năng cung cấp thông tin có giá trị về an toàn và rủi ro.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cuộc điều tra mà các cơ quan quản lý từ lâu đã không muốn khám phá. Trong một cuộc phỏng vấn thực hiện vào năm 2008 trên tờ CBS News, Tiến sĩ Bernadine Healy, cựu Giám đốc Viện Y tế Quốc gia đã giải thích rằng các cơ quan quản lý đã quá nhanh chóng trong việc loại bỏ những lo ngại mà không thực sự nghiên cứu ở quy mô cộng đồng.

Bà Healy cho biết: “Lý do họ không muốn xem xét những nhóm nhạy cảm đó là nếu họ phát hiện ra những kết quả không tốt, bất kể lớn hay nhỏ, điều đó sẽ khiến công chúng sợ hãi’.”

Bà qua đời năm 2011 và vẫn là người ủng hộ mạnh mẽ vắc-xin. Bà Healy tin rằng công chúng cũng sẽ như vậy, đặc biệt là nếu có thể xác định được các phương pháp an toàn hơn.

“Nếu chúng tôi xác định được nhóm nhạy cảm, xác định được yếu tố nguy cơ đối với vắc-xin hoặc nếu chúng tôi phát hiện ra rằng họ nên được tiêm chủng trong một thời gian dài hơn, tôi không nghĩ rằng công chúng sẽ mất niềm tin vào vắc-xin,” bà cho hay. “Tôi nghĩ công chúng sẽ tôn trọng điều đó.”

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: