Ngày 20/10, tờ La Tribune của Pháp đã đăng một bài có tiêu đề “Trung Quốc hạn chế khoáng sản chiến lược – Than chì”. Bài viết cho biết, hôm thứ Sáu (20/10), Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo, bắt đầu từ ngày 1/12, họ sẽ hạn chế xuất khẩu cho một số sản phẩm than chì.

than chi
(Ảnh: SeventyFour/ Shutterstock)

Xét từ góc độ của giới chức, đây là một biện pháp được thiết kế để bảo vệ an ninh quốc gia. Nhưng với những hạn chế mới này, Bắc Kinh cũng nhằm mục đích gây áp lực lên châu Âu và Hoa Kỳ, những quốc gia phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về kim loại chiến lược.

Một giai đoạn mới xấu đi trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây. Theo quy định mới, Bắc Kinh sẽ buộc các nhà xuất khẩu một số sản phẩm than chì, gồm cả những sản phẩm được coi là “rất nhạy cảm” phải nộp đơn xin cấp giấy phép.

Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Trung Quốc là nước sản xuất than chì hàng đầu thế giới, đặc biệt là than chì dùng trong pin xe điện. Chỉ riêng Trung Quốc đã cung ứng tới 67% nguồn cung than chì tự nhiên của thế giới.

Nước này cũng tinh chế hơn 90% than chì của thế giới thành một vật liệu quan trọng được sử dụng làm cực dương cho pin xe điện. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, các nước lớn mua than chì từ Trung Quốc bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Giới chức Bắc Kinh muốn hạn chế xuất khẩu để đảm bảo an ninh quốc gia. Nhưng trên thực tế, đây là giai đoạn căng thẳng gia tăng mới trong lĩnh vực ngoại giao và thương mại với Mỹ và châu Âu.

Hôm thứ Sáu (20/10), Bộ Thương mại Trung Quốc đảm bảo rằng “Trung Quốc điều chỉnh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu một cách bình thường, và không nhắm mục tiêu vào bất kỳ quốc gia hoặc khu vực cụ thể nào. Xuất khẩu tuân thủ các quy định hiện hành sẽ được phê duyệt”.

Đầu tháng 8, Trung Quốc đã thực hiện hạn chế xuất khẩu đối với 2 kim loại chiến lược là gali (gallium) và germanium.

Theo một báo cáo của EU công bố năm nay, Trung Quốc chiếm 94% sản lượng gali toàn cầu, đặc biệt là mạch tích hợp, đèn LED và tấm quang điện. Đối với germanium, chất cần thiết cho sợi quang và tia hồng ngoại, 83% sản lượng nguyên tố này cũng đến từ Trung Quốc.

Những hạn chế này đã góp phần làm giảm xuất khẩu kim loại của Trung Quốc trong những tháng gần đây. Kỳ thực đây là phản ứng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các chính phủ nước ngoài đang tăng áp lực lên các công ty Trung Quốc.

Ông James Kennedy, chuyên gia tại công ty tư vấn quản lý Big Three cho biết, các nhà phân tích cho rằng đây là một “thông điệp rõ ràng, không mập mờ” gửi đến Mỹ, nhưng chủ yếu chỉ giới hạn ở phạm vi các biện pháp chính trị.

Ông nói cụ thể rằng điều này được thiết kế để gây ra thiệt hại tối thiểu cho Hoa Kỳ. Mặt khác, chuyên gia này cảnh báo nếu Washington vẫn chọn tiếp tục leo thang căng thẳng, thì phản ứng tiếp theo của Trung Quốc sẽ khiến Hoa Kỳ phải gánh chịu hậu quả. Ông không loại trừ việc ĐCSTQ áp đặt các hạn chế đối với đất hiếm.

Bộ Thương mại Mỹ đã công bố chi tiết triển khai cuối cùng của “Đạo luật CHIPS” vào ngày 22/9. Mục đích của đạo luật này là cung cấp trợ cấp cho các ngành sản xuất chất bán dẫn và điện tử của Mỹ, đồng thời đảm bảo rằng ngành bán dẫn của Trung Quốc và các quốc gia khác bị Mỹ coi là có mối lo ngại về an ninh sẽ không nhận được lợi ích gì.

Ngày 3/10, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, lệnh cấm của Mỹ phiên bản mới sẽ được công bố sớm nhất là vào đầu tháng 10. Lệnh cấm sẽ bao gồm các hạn chế đối với việc doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc chip trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ cần thiết để sản xuất chip.

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu tại cuộc họp báo ở Strasbourg cũng công bố danh sách các công nghệ chủ chốt, nhằm ngăn chặn các công nghệ này rơi vào tay các nước đối thủ, đe dọa an ninh và lợi ích của EU hoặc bị lợi dụng để xâm phạm nhân quyền.

Bình Minh (t/h)