Vì sao có rất ít trẻ em trong các ca nhiễm virus corona?
- Phan Anh
- •
Sự bùng phát của một loại virus corona mới ở Trung Quốc đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, nhưng có một nhóm đối tượng đã tránh được đại dịch này với tổn thất rất thấp, đó là trẻ em.
Trẻ em chắc chắn có thể bị nhiễm virus corona. Trong số những người nhiễm bệnh có ít nhất 2 trẻ sơ sinh, theo các quan chức y tế Trung Quốc. Tuy nhiên, theo một bài báo được công bố vào ngày 5/2 vừa qua trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA), chỉ có một vài trẻ có tình trạng đủ nặng để được chẩn đoán là nhiễm virus corona. Theo dữ liệu được phân tích trong bài báo trên, độ tuổi trung bình của bệnh nhân bị nhiễm là từ 49-56 tuổi.
Hiện người ta vẫn chưa nắm được rõ lý do vì sao mà trẻ em dường như thoát khỏi những tác động xấu nhất của virus corona (còn được gọi là COVID-19). Nhưng theo các bác sĩ, xu hướng này cũng lặp lại ở nhiều bệnh truyền nhiễm khác như thủy đậu và sởi, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
>> Nhiễm virus corona mới: 5 dấu hiệu không thể bỏ qua
“Chúng tôi không hoàn toàn hiểu rõ về hiện tượng này – có thể là do sự khác biệt về phản ứng miễn dịch của trẻ em so với người lớn,” Tiến sĩ Andrew Pavia, trưởng khoa chuyên về các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tại Đại học Utah (Mỹ) cho biết trên tờ Live Science. “Có một giả thuyết cho rằng phản ứng miễn dịch tự nhiên, tức phản ứng ban đầu nhắm vào rất nhiều nhóm mầm bệnh, có xu hướng hoạt động mạnh hơn ở trẻ em,” ông cho biết.
Bệnh truyền nhiễm ở trẻ em
Hệ thống miễn dịch tự nhiên (bẩm sinh) là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại mầm bệnh. Các tế bào trong hệ thống đó phản ứng ngay lập tức với những “kẻ xâm lược” từ bên ngoài. (Ngược lại, hệ thống miễn dịch thu được (adaptive) học cách nhận diện các mầm bệnh cụ thể, nhưng phải mất nhiều thời gian hơn để tham gia trận chiến). Nếu phản ứng miễn dịch tự nhiên mạnh hơn ở trẻ em tiếp xúc với virus corona, chúng có thể giúp các bé chống lại loại virus trên một cách dễ dàng hơn so với người lớn, và chỉ bị các triệu chứng nhẹ.
Các loại virus cùng họ corona khác, bao gồm SARS và MERS, cũng cho thấy mô hình tương tự, theo Krys Johnson, nhà dịch tễ học tại Đại học Y tế Công cộng Temple University (Mỹ).
“Với các chủng virus corona mới này, không phải là trẻ em không có bất kỳ triệu chứng nào, chúng thực sự bị viêm phổi do virus gây ra,” bà Johnson cho biết trên tờ Live Science, đề cập đến chất dịch bị nhiễm virus trong phổi. “Nhưng bởi vì hệ thống miễn dịch của chúng rất khỏe mạnh nên virus không gây ra nhiều tổn hại như ở người lớn.”
Tương tự, bà Johnson cho hay, người lớn có nguy cơ tử vong vì thủy đậu cao gấp 25 lần so với trẻ em. Mặc dù cúm có thể rất nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, những đứa trẻ lớn hơn thường dễ dàng vượt qua bệnh này so với người lớn. Tỷ lệ tử vong do cúm theo mùa ở người lớn gấp 10 lần tỷ lệ tử vong ở trẻ em.
Lão hóa và hệ thống miễn dịch
Thật khó để biết chắc chắn có bao nhiêu trẻ em đã nhiễm virus corona mới bắt nguồn ở Vũ Hán vào tháng 12/2019. Sự không chắc chắn này đã phản ánh thông tin không đáng tin cậy về số liệu dịch bệnh tại Trung Quốc và thực tế là trẻ em có triệu chứng nhẹ có thể sẽ không được kiểm tra và không được xác nhận là nhiễm virus.
Hai nghiên cứu mới về chủng 2019-nCoV, được công bố vào ngày 6/2 trên tạp chí JAMA, cho thấy các trường hợp phải nhập viện có tuổi trung bình là 56. Nghiên cứu được thực hiện đối với 138 bệnh nhân nhiễm nCoV tại bệnh viện Trung Nam ở Vũ Hán trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến ngày 28/1, trong đó có hơn một nửa số bệnh nhân là nam giới.
Một nghiên cứu được thực hiện trên 13 bệnh nhân bị nhiễm virus corona ở Bắc Kinh bao gồm một trẻ 2 tuổi và một bé 15 tuổi. Các tác giả của nghiên cứu này (cũng được công bố trên tạp chí JAMA) lưu ý rằng hầu hết những ca nhiễm bệnh là thanh niên trẻ tuổi hoặc trung niên, chỉ có duy nhất một bệnh nhân trên 50 tuổi.
Trẻ em có ít khả năng bị nhiễm các bệnh về đường hô hấp, theo Tiến sĩ Pavia, vì vậy có vẻ như chúng cũng đang bị nhiễm bệnh nhưng dễ hồi phục hơn người lớn như cha mẹ và ông bà của mình. Ngoài hệ miễn dịch tự nhiên khỏe mạnh thì còn có những lý do khác giúp giải thích cho khả năng phục hồi này.
>> Dịch COVID-19: Số liệu “made in china” khiến các chuyên gia hoa cả mắt
Một là trẻ em có thể có đường hô hấp khỏe mạnh hơn vì chúng ít tiếp xúc với khói thuốc lá và ô nhiễm không khí hơn người lớn, ông Pavia cho biết. Một nhân tố khác là, trẻ em nhìn chung khỏe mạnh hơn và không mắc các chứng bệnh mãn tính. Trong cả đợt dịch SARS năm 2003 và đợt bùng phát dịch MERS năm 2012, những người lớn mắc bệnh mãn tính có nguy cơ tử vong cao hơn so với người lớn không mắc bệnh, bà Johnson cho hay. Những bệnh mãn tính này có thể bao gồm từ bệnh tiểu đường, rối loạn tự miễn dịch đến bệnh tim mạch, hoặc thậm chí là béo phì.
Người lớn cũng dễ bị phản ứng miễn dịch gây ra một tình trạng bất lợi gọi là hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), Tiến sĩ James Cherry, giáo sư nhi khoa và các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Geffen thuộc Đại học California tại Los Angeles (Mỹ) cho biết. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 40% người bị ARDS đều tử vong.
ARDS “thường gây tử vong ở người lớn mắc SARS virus corona,” ông Cherry chia sẻ trên tờ Live Science. “Những trẻ em [bị SARS] mắc viêm phổi, chúng không bị các biến chứng miễn dịch mà người lớn mắc phải.”
Từ khóa trẻ em bệnh SARS MERS virus corona hệ thống miễn dịch