Video 4K: Sao chổi Neowise bay lên khỏi Trái Đất, nhìn từ trạm không gian
Những người yêu thiên văn trên toàn thế giới đang đứng trước cơ hội duy nhất trong đời có thể chiêm ngưỡng màn trình diễn của sao chổi Neowise vào giữa và cuối tháng 7/2020, bởi thiên thể này sẽ không quay lại gần Mặt Trời trong khoảng 7.000 năm nữa.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã chia sẻ thông tin về cơ hội ngắm nhìn một hiện tượng thiên văn kỳ thú mà khoảng 7.000 năm nữa mới có thể xuất hiện trở lại. Sao chổi Neowise, còn gọi là C/2020 F3, đến từ những nơi xa xôi nhất trong hệ Mặt Trời của chúng ta đang phát sáng vào mỗi đêm trên bầu trời của Trái Đất. Đây có thể xem là cơ hội chiêm ngưỡng có một không hai, bởi sao chổi phát sáng này sẽ không quay trở lại hành tinh xanh cho đến tận năm 8.786.
Hôm 6/7 vừa qua, phi hành gia Bob Behnken tại NASA đã đăng tải lên trang Twitter cá nhân của mình ảnh chụp sao chổi Neowise. Trong ảnh, sao chổi là đốm sáng nhỏ ở bên phải, nằm ngay phía trên quầng sáng của Trái đất.
Last night's fireworks, for real. Because Science. #NEOWISE #comet pic.twitter.com/IKcJ1wLFAl
— Bob Behnken (@AstroBehnken) July 5, 2020
Video 4K quan sát sao chổi Neowise từ trạm ISS:
Trước đó, vào ngày 27/3, các nhà thiên văn học đã quan sát thấy một sao chổi nhỏ và mờ bay qua hành tinh chúng ta thông qua kính thiên văn vũ trụ Neowise của NASA. Tại thời điểm đó, ánh sáng mà nó phát ra là rất yếu. Tuy nhiên, C/2020 F3 đã sống sót và không bị thiêu rụi khi tiếp cận Mặt Trời và đang quay ngược về Trái đất với độ sáng ngày một lớn hơn, được dự báo là sẽ bùng sáng mạnh và hoàn toàn có thể quan sát được bằng mắt thường.
Ông John E. Bortle, chuyên gia về sao chổi, cho biết màn “trình diễn” của C/2020 F3 là rất đáng kinh ngạc bởi các sao chổi thường bị tiêu hủy khi tiến gần đến Mặt Trời. Theo ông, thiên thể này đang trải qua quá trình bùng phát và phân rã tuy chậm nhưng có dấu hiệu tăng tiến.
Neowise last night. ☄️ Nice to have gone out and been able to see this guy a few times! #Neowise #cometNEOWISE pic.twitter.com/DGwuoiNr9O
— HERRY (@herry_with_an_e) July 20, 2020
>> NASA sẽ gửi máy bay drone đến Titan, mặt trăng lớn nhất của sao Thổ
Dự kiến, bắt đầu từ ngày 12/7, C/2020 F3 sẽ trở nên rõ nét hơn trên bầu trời đêm phía Tây Bắc, sau đó vị trí của sao chổi sẽ cao dần lên. Vào ngày 22/7, thiên thể này sẽ ở gần Trái đất nhất với khoảng cách chừng 103 km và đây là thời điểm quan sát rất lý tưởng. Đến ngày 25/7 thì sao chổi sẽ nằm tại góc 30 độ C tính từ đường chân trời phía Tây Nam, sau khi Mặt Trời lặn. Neowise có thể được quan sát trên khắp Bắc bán cầu cho đến giữa tháng 8 – thời điểm nó quay trở lại vùng bên ngoài hệ Mặt Trời.
Bạn có thể tham khảo vị trí và các ảnh chụp sao chổi Neowise do người hâm mộ gửi về tại đây.
Những người yêu thiên văn trên toàn thế giới đang tận dụng cơ hội hiếm có này để lưu lại màn trình diễn của Neowise trước khi nó bay nhanh vào bóng tối của không gian. Người quan sát có thể nhìn thấy lõi trung tâm hoặc hạt nhân của sao chổi bằng mắt thường trên bầu trời tối. Dẫu vậy, NASA khuyến cáo những người yêu thiên văn nên sử dụng ống nhòm để có thể chiêm ngưỡng sao chổi này một cách rõ nét hơn, đặc biệt là phần đuôi dài của nó.
“Phải chừng 7.000 năm nữa thì sao chổi mới quay trở lại, vậy nên tôi sẽ không chờ đợi chuyến đi tiếp theo,” giám sát viên Joe Masiero thuộc Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA ở California, Mỹ cho hay. Ông cũng cho biết thêm rằng đây là sao chổi sáng nhất kể từ giữa những năm 1990 đối với các nhà thám hiểm tại khu vực Bắc bán cầu.
Phan Anh (tổng hợp)
Từ khóa sao chổi Trạm Vụ trụ Quốc tế Trái Đất NASA