Video: Lần đầu tiên một máy bay hạ cánh hoàn toàn tự động
- Hạ Chi
- •
Nước Đức trước nay vẫn luôn nằm trong những quốc gia đi đầu thế giới về tự động hóa. Họ luôn muốn máy móc thông minh hơn và giúp đỡ con người nhiều việc hơn. Thành tựu mới nhất của người Đức là chuyến hạ cánh hoàn toàn tự động đầu tiên trong lịch sử hàng không.
Lâu nay chúng ta vẫn thường cho rằng hệ thống lái tự động trên các máy bay tân thời có thể điều khiển chiếc máy bay hạ cánh xuống đường băng dễ dàng và an tâm. Và điều đó chí ít là đúng… một nửa, ngoại trừ việc một chiếc máy bay lớn không thể thực sự hạ cánh hoàn toàn tự động. Chúng vẫn cần thu nhận tín hiệu radio phát đi từ các trạm trên mặt đất tại các sân bay lớn – đây được gọi là Hệ thống Hỗ trợ Hạ cánh, gọi tắt là ILS.
Các tín hiệu radio này cung cấp cho máy bay chính xác vị trí của đường băng ngay cả trong tầm nhìn xấu, nhưng dẫu vậy, việc hạ cánh “tự động” hiếm khi được thực hiện. Thay vào đó, phi công chỉ sử dụng hệ thống lái tự động để hỗ trợ và giúp họ định vị chính xác đường băng, rồi sau đó thao tác để điều khiển máy bay hạ cánh an toàn. Máy bay về lý thuyết, CÓ THỂ hạ cánh tự động, nhưng hiếm khi thực hiện việc đó, và cũng không thực sự là tự động – chính xác hơn thì sân bay đang “điều khiển từ xa” chiếc máy bay.
Bên cạnh đó, các sân bay nhỏ hầu như không có ILS, vậy nên rất nhiều chuyến hạ cánh xuống các đường băng nhỏ đều được thực hiện hoàn toàn thủ công.
Hệ thống hạ cánh hoàn toàn tự động
Trước nan đề nay, một nhóm các nhà khoa học đến từ trường Technische Universität München (TUM) ở thành phố Munich nước Đức đã quyết làm ra một hệ thống có thể hạ cánh máy bay mà không cần hệ thống hỗ trợ dưới mặt đất cũng như bất kỳ tác động nào từ phi công. Họ đã thử nghiệm thành công hệ thống của mình vào tháng 5 năm nay. Công nghệ mới này có thể mở ra một thời đại mới cho các chuyến bay tự động – đồng thời giúp các lần hạ cánh thông thường trở nên an toàn hơn.
>> Đức: Máy bay lên thẳng chạy điện đầu tiên đã cất cánh (video)
Để hạ cánh an toàn, điều thiết yếu là chiếc máy bay phải định vị chính xác đường băng. Có một số cách người ta vẫn dùng để xác định vị trí. Thứ nhất là dùng GPS, nhưng hệ thống này có độ chính xác không cao, không đáng tin cậy. Thứ hai là dùng ILS, nhưng không phải sân bay nào cũng được trang bị hệ thống này, và không phải máy bay nào cũng đủ hiện đại để thu được tín hiệu từ chúng. Và thứ ba, là cách thô sơ nhất mà các phi công vẫn hay thực hiện: dùng mắt nhìn. Máy bay trong thử nghiệm sẽ được trang bị tại mũi các camera ánh sáng khả kiến và camera hồng ngoại.
Thử nghiệm của TUM sử dụng máy bay một người lái hiệu Diamond DA42. Nó được trang bị hệ thống hạ cánh tự động do nhóm nghiên cứu tự phát triển và một chiếc máy tính để xử lý dữ liệu thu được từ các camera. Chiếc máy tính đã được lập trình và “huấn luyện” cẩn thận để đảm bảo quá trình hạ cánh diễn ra hoàn hảo.
Phi công/hành khách Thomas Wimmer, người ngồi im và chứng kiến toàn bộ quá trình hạ cánh trong khoang lái cho biết:
“Những chiếc camera đã nhận ra đường bằng từ khoảng cách rất xa trước khi tới sân bay. Hệ thống sau đó đã hướng dẫn máy bay tiếp cận đường bằng một cách hoàn toàn tự động và đáp nó chính xác xuống chính giữa đường băng.”
Độc giả có thể chứng kiến toàn bộ quá trình trong video dưới đây:
Việc trang bị thêm camera hồng ngoại quả thực rất hữu ích, nó giúp hệ thống vẫn nhận diện tốt đường băng trong đêm hay khi sương mù dày đặc. Bên cạnh đó, sự thông minh của thuật toán xử lý là một yếu tố quan trọng khác giúp nhóm nghiên cứu thành công.
Dẫu vậy, lần hạ cánh đầu tiên này vẫn chỉ là một thử nghiệm và hệ thống vẫn chưa đạt tới trình độ có thể chia sẻ và thử nghiệm rộng rãi, chứ chưa nói tới việc xin cấp phép từ các cơ quan hàng không. Nhưng với những ưu điểm của mình, nó hoàn toàn có tiềm năng trở thành một trang bị hoàn hảo cho các máy bay nhỏ, hoặc một trang bị bổ sung cho các hệ thống lái tự động trên các máy bay lớn trong tương lai.
Theo Techcrunch
Hạ Chi tổng hợp
Từ khóa nước Đức hạ cánh tự động hóa máy bay tự lái