Chiều tối ngày 30/10/2018 theo giờ miền Đông nước Mỹ, cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã chính thức nói lời vĩnh biệt với Kính viễn vọng Không gian Kepler. Thiết bị tiên phong này đã giúp con người phát hiện ra hàng ngàn hành tinh bên ngoài Thái Dương hệ của chúng ta. Sau nhiều năm làm việc với thời gian vượt hơn gấp đôi nhiệm vụ 4 năm ban đầu của mình, Kepler cuối cùng đã cạn kiệt nhiên liệu.

kinh thien van kepler
Kính quan sát không gian Kepler (ảnh: NASA)

Các kỹ sư đã nhận ra chiếc kính viễn vọng không gian này gần hết nhiên liệu vào đầu mùa hè năm nay. Lúc ấy, họ đã đưa nó vào trạng thái nghỉ (Safe Mode) trong thời gian ngắn để tập trung lấy các dữ liệu khoa học mà Kepler đã thu thập được và đưa chúng về mặt đất. Sau đó cỗ máy được khởi động lại để tiếp tục thu thập thêm dữ liệu, và đi nốt những bước cuối cùng trong sự nghiệp vẻ vang của mình..

Im lặng và trôi dạt trong quỹ đạo

Kepler được phóng lên với đủ nhiên liệu để hoạt động trong hơn 6 năm; nhưng nó cuối cùng đã sống được tới 9 năm. “Chúng tôi đã nạp đầy nhiên liệu để nó có thể hoạt động lâu nhất có thể,” Charlie Sobek, kỹ sư hệ thống của dự án kính viễn vọng Kepler cho biết.

Giờ đây khi nhiên liệu không còn, NASA đã quyết định sẽ cho thiết bị này chính thức nghỉ hưu. Nó hiện tại đang nằm tại một quỹ đạo an toàn cách xa Trái Đất. Trong tuần này hoặc tuần sau, các kỹ sư sẽ gửi một lệnh tới cỗ máy để tắt các bộ truyền tín hiệu cùng các thiết bị khác, con mắt sẽ nhắm lại và trôi dạt tự do trong quỹ đạo của nó.

Kepler được phóng lên không gian năm 2009 với nhiệm vụ tìm kiếm các hành tinh bên ngoài Thái Dương Hệ của chúng ta. Vào lúc ấy, có rất ít các hành tinh bên ngoài hệ mặt trời được phát hiện, vậy nên công việc của cỗ máy này là nhìn sâu vào không gian. Khi được phóng, Kepler là một tuyệt tác về thiết kế và khoa học. Nó phát hiện các hành tinh bằng cách tìm kiếm dấu vết di chuyển của chúng. Khi đi qua giữa một ngôi sao và trái đất, một hành tinh sẽ tạo ra các điểm tối nhỏ trên ánh sáng thu được từ ngôi sao đó.

Nó giống như việc phát hiện một con bọ bò ngang qua ánh đèn pha của một chiếc ô tô, khi chiếc xe đang nằm cách đó 100 dặm,” – William Borucki, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu các dữ liệu của Kepler hiện đã nghỉ hưu, nói với báo giới.

Trong những năm hoạt động đầu tiên, Kepler cực kỳ thành công. Nó được phân công tìm kiếm các hành tinh tại một khu vực riêng biệt trên bầu trời, và giám sát khoảng 150.000 ngôi sao để tìm kiếm các dấu vết hành tinh.

Nhưng tới năm 2012, một số thiết bị giúp duy trì sự ổn định của cỗ máy đã bị hỏng. Năm sau, tình hình còn tồi tệ hơn, và những nhà nghiên cứu lo ngại rằng cuộc hành trình của chiếc kính đến đây là kết thúc. Nhưng rồi tới năm 2013, các kỹ sư đã nghĩ ra một giải pháp, sử dụng áp lực từ ánh sáng mặt trời để cân bằng thiết bị. Với sự hỗ trợ của mặt trời, họ có thể giữ cho kính viễn vọng ổn định trong chu kỳ 83 ngày. Bước tiến này đã tạo điều kiện để NASA khởi động một nhiệm vụ mới cho chiếc kính với tên gọi K2.

kepler kinh thien van
(ảnh: NASA)

Kepler và K2 đã giúp các nhà nghiên cứu hiểu ra các hành tinh là cực kỳ nhiều, thậm chí còn nhiều hơn cả các ngôi sao. Hai nhiệm vụ này đã cùng nhau phát hiện ra và xác nhận sự tồn tại của 2.681 hành tinh, đồng thời xác định được còn nhiều hơn các chấm nhỏ xung quanh các ngôi sao ở xa, và đang đợi các nhà khoa học xác nhận. Rất nhiều tinh cầu mới phát hiện có kích thước tương tự như Trái Đất và sao Hải Dương, với các đặc điểm khác xa trong Thái Dương hệ.

Tất cả các số liệu mà Kepler thu thập đều được an toàn gửi về Trái Đất, và các nhà khoa học sẽ tiếp tục mải mê nghiên cứu chúng trong nhiều năm tới. Nhưng các thông tin mới cũng liên tục đổ về. Một số các nhiệm vụ tìm kiếm hành tinh ngoài hệ mặt trời khác vẫn đang được tiến hành, trong đó có Kính viễn vọng Không gian James Webb vốn đã bị trì hoãn khá lâu.

May thay, một kính viễn vọng khác đã được đưa lên quỹ đạo và sẵn sàng tiếp nối sự nghiệp của Kepler. NASA đã phóng Vệ tinh Khảo sát Hành tinh Di chuyển ngoài Hệ mặt trời (TESS) đầu năm nay. Nó đã chụp được bức ảnh khoa học đầu tiên vào tháng 8 và tới tháng 9, nó đã xác định được 2 hành tinh tiềm năng.

kepler
(ảnh: NASA)

TESS còn cả một chặng đường dài phía trước nếu muốn bắt kịp Kepler. Nhưng một ngày không xa trong tương lai, TESS hay một kính viễn vọng khác cuối cùng sẽ vượt mặt Kepler trở thành máy dò hành tinh giỏi nhất. Những kính viễn vọng mạnh mẽ hơn sẽ gửi về các hình ảnh sống động và chi tiết hơn những gì Kepler đã làm. Các tiến bộ trong tính toán sẽ giúp giới khoa học tiếp tục lọc ra các hành tinh từ các dữ liệu thu thập sau khi Kepler “ra đi”. Nhiều thế giới mới sẽ được phát hiện ra, và bức tranh về hệ ngân hà của chúng ta sẽ ngày càng có thêm nhiều chi tiết.

Di sản của Kepler chính là sự liên tục mở rộng tầm hiểu biết của con người về tầng không gian này. “Giờ đây, nhờ có Kepler, những gì chúng ta biết về vũ trụ này đã thay đổi,” Paul Hertz, giám đốc bộ phận vật lý thiên thể của NASA cho biết. Kepler không phải là máy dò hành tinh cuối cùng, nhưng nó là cỗ máy đầu tiên, và nó đã cấp cho cả thế giới một cách mới để nhìn ngắm vị trí của chúng ta trong vũ trụ này.

“Kepler mở ra cánh cửa để khám phá vũ trụ,” Borucki nói.

Theo The Verge
Quốc Hùng