Ước tính trong tháng 8-2024, 40% trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn. Phần lớn số trái phiếu này có các công ty chứng khoán và ngân hàng đầu tư.

Screen Shot 2024 08 28 at 4.39.44 PM 1
Mịt mù tương lai trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh minh họa Trithucvn.

40% trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn có rủi ro cao không trả được nợ đúng hạn

Sau một năm hoạt động, hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ ở Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ghi nhận 1.146 mã trái phiếu của 301 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch khoảng 830.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, chỉ có 50% tổ chức phát hành có phát sinh giao dịch và 38% mã trái phiếu được giao dịch.

Số lượng mã trái phiếu không đủ thông tin để định giá hoặc không đủ chuẩn lại chiếm đến 70% tổng số mã có phát sinh giao dịch. Số mã trái phiếu tạm xem là “đủ chuẩn” chỉ chiếm hơn 10% số đăng ký giao dịch.

Trong tháng 8 – 2024, có tổng số 259.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn, trong đó có khoảng 20% có rủi ro cao chậm trả và 90% số này đã từng chậm trả lãi ít nhất một lần.

Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán chủ yếu nằm trong nhóm bất động sản, năng lượng, và xây dựng. Thị trường bất động sản phân khúc thương mại, nghỉ dưỡng, nơi thu hút nhiều trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Trái phiếu đáo hạn áp lực trực tiếp lên hệ thống ngân hàng

70% nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ là các ngân hàng và công ty chứng khoán, mà đa số là công ty chứng khoán trực thuộc các ngân hàng.

Nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu không trả được nợ thì các nhà đầu tư ngân hàng này cũng phải ghi nhận các khoản lỗ. Nếu khoản lỗ này đáng kể thì sự ổn định của hệ thống ngân hàng có thể bị đe dọa, vì nó ảnh hướng trực tiếp tới tài sản và nguồn vốn của ngân hàng.

Môt điểm rủi ro nữa là rất nhiều khoản nợ ngân hàng được lại được đảm bảo bằng chứng khoán của các doanh nghiệp niêm yết. Nếu ngân hàng xiết nợ doanh nghiệp thì cũng sẽ tác động trực diện lên thị trường chứng khoán nói chung.

Số liệu báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy tổng dư nợ xấu tính đến hết Quý 2.2024 đã tăng gần 45.000 tỉ đồng (tương ứng 22%) so với cuối năm 2023.

Tỉ lệ (nợ xấu/tổng dư nợ) được WiGroup tính toán đã đạt mức 2,22% ở thời điểm cuối quý 2-2024 – cao hơn mức 2,18% của quý 1-2024 và mức 1,96% trong quý 4-2023. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh có tỉ lệ nợ xấu trung bình khoảng 1,5%, các ngân hàng tư nhân lớn từ 2 – 3%, còn các ngân hàng tư nhân trung bình và nhỏ từ 4 – 6% và có xu hướng tăng mạnh trong những quý gần đây.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Hoài Ân, nhà sáng lập Công ty CP Giải pháp tài chính tích hợp, dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết nợ xấu nội bảng toàn hệ thống (cả niêm yết và chưa niêm yết) cuối quý 2 đã lên khoảng gần 5%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn khác thì ở mức 6,9%.

Hiện tại, Thông tư 02 vẫn đóng vai trò bức màn bí ẩn che đậy nợ xấu của Ngân hàng. Tuy nhiên, thông tư này sẽ hết hạn vào cuối năm 2024, nếu không được gia hạn thì các khoản nợ xấu sẽ bị lộ thiên và buộc ngân hàng phải có các hành động xử lý nợ xấu (cưỡng chế thu hồi nợ, trích dự phòng để xử lý nợ xấu, …). Đây có thể là thời điểm kích hoạt nổ hàng loạt các “quả bom nợ” đang treo lơ lửng trên hàng loạt các doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán.

Nguyên Hương (t/h)