5 tháng đầu năm, ngân sách trả nợ hơn 50.000 tỷ lãi vay
- Nguyễn Quân
- •
Trong 5 tháng đầu năm 2018, ngân sách nhà nước thu 549.000 tỷ đồng, chi 526.600 tỷ đồng. Tổng số tiền dùng để trả nợ là hơn 85.800 tỷ đồng, trong đó hơn 50.000 tỷ là trả lãi vay.
Theo kết quả điều hành ngân sách, Bộ Tài chính cho biết 5 tháng đầu năm 2018, ngân sách lũy kế thu 549.000 tỷ đồng, bằng 41,6% dự toán năm, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, thu nội địa lũy kế 5 tháng ước đạt hơn 442.000 tỷ đồng. Không kể các khoản thu có tính chất đặc thù (thu từ đất, xổ số, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước), số thu nội địa ước đạt 342.470 tỷ đồng, bằng 39,5% dự toán năm, tăng 12,2% so cùng kỳ năm 2017.
Số thu từ dầu thô ước đạt 23.700 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (36.280 tỷ đồng), thu cân đối ngân sách đạt 82.470 tỷ đồng, tăng 8,8% so cùng kỳ năm 2017.
Về chi ngân sách, luỹ kế chi 5 tháng là 526.600 tỷ đồng, bằng 34,6% dự toán năm, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó: chi đầu tư phát triển khoảng 94.100 tỷ đồng, bằng 23,5% dự toán năm, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2017; chi thường xuyên 379.000 tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Chi trả nợ 85.817 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước là 65.727 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài là 20.089 tỷ đồng. Số nợ lãi đã trả là 50.700 tỷ đồng, bằng 45,1% dự toán năm, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Về cân đối ngân sách nhà nước và huy động vốn, đến ngày 31/5/2018, Chính phủ đã phát hành 72,641 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Trong tháng 5, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 5 phiên đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, huy động được 11.178 tỷ đồng; lũy kế đến thời điểm 31/5, đã tổ chức 20 phiên đấu thầu, huy động được 57.641 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch năm. So với cuối năm 2017, lãi suất trái phiếu giảm từ 0,68% đến 1,52% đối với tất cả các kỳ hạn.
Ngày 21/5, Kiểm toán Nhà nước dẫn báo cáo cho biết trần giải ngân ODA trung hạn đã bị vượt gần 37.000 tỷ đồng so với dự toán 300.000 tỷ đồng ban đầu. Ngoài việc nêu ra các dự án đã vi phạm phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra hàng nghìn tỷ đồng tiền vốn do Bộ KHĐT giao đầu tư là không đúng luật Đầu tư công, chưa tuân thủ nguyên tắc phân bổ vốn tại chỉ thị của Thủ tướng, giao khi chưa có nghị quyết chấp thuận của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội… |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa vốn ODA trái phiếu chính phủ chi ngân sách trả nợ lãi vay