Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã chi tổng cộng hơn 76.100 tỷ đồng trả nợ lẫn lãi.

tien vnd 8 getty
Gánh nặng chi thường xuyên vẫn còn rất lớn. (Ảnh: Adam Young/Gettyimages)

Chi thường xuyên vẫn cao, chiếm gần 74%

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, lũy kế 4 tháng đầu năm 2018, ngân sách chi tổng cộng 410.000 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cuối tháng Tư năm 2017.

Trong đó, chi thường xuyên là hơn 301.500 tỷ đồng, chiếm gần 74% tổng chi ngân sách, còn chi cho đầu tư phát triển khá thấp với 65.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 15,8% tổng chi.

Đáng chú ý, có đến 41.750 tỷ đồng (khoảng 1,83 tỷ USD) được dùng để chi trả nợ lãi trong 4 tháng qua, chiếm xấp xỉ 10,2% tổng chi ngân sách và tăng đến 13,7% so với năm ngoái.

chi ngan sach 2018
(Số liệu: Bộ Tài chính | Đồ họa: infogram.com)

Còn theo ước tính của Tổng cục Hải quan, tổng giá trị chi trả nợ lẫn lãi trong và ngoài nước của Chính phủ trong 4 tháng qua là hơn 76.100 tỷ đồng (hơn 3,33 tỷ USD), trong đó trả nợ trong nước là gần 59.400 tỷ, trả nợ nước ngoài là hơn 16.700 tỷ.

Tính bình quân, mỗi ngày Chính phủ chi hơn 630 tỷ đồng trả nợ trong và ngoài nước.

Kể từ đầu năm đến tháng 4/2018, hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát được gần 253.000 tổng số tiền chi ngân sách, qua đó cơ quan này phát hiện có đến 2.800 khoản chi là không đúng theo quy định.

Nguồn thu nội địa chiếm chủ đạo

Ở chiều ngược lại, thu ngân sách vẫn tiếp tục tăng đều trong các tháng đầu năm 2018.

Cụ thể, thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2018 đạt 446.400 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2017 và bằng gần 40% dự toán năm.

Trong đó, thu nội địa đạt 368.100 tỷ đồng, tăng 14,5% và chiếm 82,5% tổng nguồn thu.

>> Những kịch bản có thể xảy ra khi Việt Nam chỉ dùng xăng ethanol

Thu từ dầu thô tăng nhanh với hơn 19.000 tỷ đồng, tăng đến 27% và vượt quá nữa dự toán năm chỉ trong 4 tháng. Số thu dầu thô tăng mạnh được hỗ trợ bởi giá dầu thanh toán tăng mạnh với 68,7 USD/thùng, tăng 18,7 USD/thùng so với giá dự toán.

Trong khi đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục bị sụt giảm khi chỉ đạt 90.000 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng thời điềm năm 2017. Nguyên nhân giảm được Bộ Tài chính đưa ra là do việc cắt giảm thuế suất nhập khẩu về 0% theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN, trong đó có những mặt hàng đóng góp số thu lớn như ô tô nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng, sắt thép…

Tính chung, trong 4 tháng đầu năm 2018, mặc dù chi ngân sách tiếp tục tăng với phần lớn nguồn chi dùng vào các khoản mục chi thường xuyên cho bộ máy hoạt động, nhưng ngân sách vẫn đạt được thặng dư 36.400 tỷ đồng nhờ tăng thu nội địa.

Theo kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ năm 2018 được Quốc hội thông qua, Việt Nam dự kiến sẽ đi vay 384.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 16,8 tỷ USD), trong đó gần 1/3 là vay nợ nước ngoài.

Chân Hồ