Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2024 dựa trên báo cáo kết quả tài chính kiểm toán năm 2023. Trong danh sách lần thứ 12 này, có 18 sự thay đổi so với danh sách năm 2023, trong đó có nhiều “ông lớn” bị bật khỏi danh sách và nhiều cái tên mới đáng chú ý.

Screen Shot 2024 06 26 at 15.47.57
Biểu đồ danh sách niêm yết. (Ảnh: Chụp màn hình/forbes.vn)

3 công ty thuộc ngành năng lượng và thép dẫn đầu doanh thu

Trong 10 cái tên có doanh thu lớn nhất, có tới 4 cái tên thuộc trong nhóm tài chính – ngân hàng là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Bảo Việt.

Ở nhóm công nghệ, đại diện là tập đoàn FPT đứng ở vị trí thứ 9 với doanh thu 52,6 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6,4 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp công nghệ duy nhất góp mặt trong top 10.

Trong nhóm ba ngân hàng “quốc dân”, Vietcombank dù chỉ có doanh thu đứng thứ hai, nhưng lợi nhuận sau thuế cao nhất, đạt 33 nghìn tỷ đồng.

BIDV và Vietinbank đuổi nhau sát nút về mặt lợi nhuận, chênh lệch gần 2 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của nhóm ngân hàng đứng đầu trong top 10, dù doanh thu không phải là cao nhất.

Đại diện cho nhóm hàng không là Vietjet Air đứng thứ 5 về doanh thu, đạt 58,3 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận 230,6 tỷ đồng. Giá nhiên liệu tăng, số lượng tàu bay hạn chế có thể là nguyên nhân khiến cho năm vừa rồi kết quả kinh doanh của hãng còn “ảm đạm”.

Vinamilk có doanh thu lớn thứ 4 trong danh sách. Kết thúc năm 2023, đại gia ngành sữa Việt Nam ghi nhận doanh thu 60,3 nghìn tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế 8,8 nghìn tỷ.

3 công ty niêm yết có doanh thu cao nhất trong danh sách năm nay là các doanh nghiệp trong ngành năng lượng và thép, lần lượt là PV GAS, Hòa Phát và Petrolimex. Doanh thu các doanh nghiệp này tương ứng đạt 90 nghìn tỷ, 119 nghìn tỷ và 274 nghìn tỷ còn lợi nhuận lại giảm dần, lần lượt là 11,6 nghìn tỷ, 6,8 nghìn tỷ và 2,8 nghìn tỷ.

Tổng lợi nhuận sau thuế giảm 13%

Tổng lợi nhuận sau thuế của 50 công ty trong danh sách đạt 190.831 tỷ đồng, giảm 13% so với danh sách năm 2023.

Do thiếu vắng những thương vụ IPO tầm cỡ và niêm yết mới, các công ty lọt vào danh sách là những tên tuổi đã niêm yết nhiều năm trên sàn chứng khoán.

Danh sách năm 2024 phản ánh những thách thức của nền kinh tế khi nhóm ngành bất động sản dân dụng và dịch vụ tài chính có ít đại diện hơn năm trước. Bên cạnh đó các khó khăn nội tại của kinh tế Việt Nam trong hai năm qua như xuất khẩu giảm tốc, sản xuất đình đốn, thị trường tiêu dùng suy yếu, thị trường địa ốc trầm lắng khiến đại diện nhóm ngành này ít hơn trong khi nhóm ngành phòng thủ (tiện ích, thực phẩm – đồ uống, y tế…) lên ngôi.

Một số doanh nghiệp ngành logistics, không miễn nhiễm với khó khăn chung nhưng xây dựng mô hình kinh doanh với nhiều lợi thế vẫn tăng trưởng cao. Một số doanh nghiệp phục hồi mạnh từ đáy sau giai đoạn khó khăn vì đại dịch COVID-19 quay trở lại danh sách.

Tổng lợi nhuận sau thuế của 50 công ty trong danh sách đạt 190.831 tỷ đồng, giảm 13% so với danh sách năm 2023. Tổng doanh thu đạt 1,297 triệu tỷ đồng, giảm 16,7%. Quán quân doanh thu thuộc về Petrolimex (273.979 tỷ đồng), thuộc về Vietcombank đứng vị trí số 1 về lợi nhuận sau thuế (33.033 tỷ đồng).

 Nhiều “ông lớn” bị bật khỏi danh sách

So với danh sách năm 2023, bản danh sách năm 2024 có 18 sự thay đổi. Đáng chú ý là sự vắng mặt của 2 ông lớn bán lẻ Thế Giới Di Động, Masan trong bối cảnh sức mua của thị trường suy yếu khiến doanh thu và lợi nhuận suy giảm.

Tại Thế Giới Di Động, năm 2023 chứng kiến lợi nhuận mỗi quý đều chưa tới 100 tỷ đồng, trong khi giai đoạn trước đó lên tới cả nghìn tỷ đồng khiến tổng lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ 168 tỷ đồng, giảm 96%. Doanh thu năm qua của Thế Giới Di Động cũng giảm 11%, xuống còn 118.280 tỷ đồng.

Về phía Masan, công ty này cũng chứng kiến lợi nhuận giảm từ mức nghìn tỷ đồng xuống còn khoảng 400 – 500 tỷ đồng mỗi quý. Tổng lợi nhuận cả năm 2023 giảm 60% so với năm 2022.

Một số doanh nghiệp khác vắng mặt năm nay có Vinhomes, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, ngân hàng VIB, Vicostone, Gemadept…

Ở chiều ngược lại, một số cái tên đáng chú ý xuất hiện là Vietjet Air, Vincom Retail, Viettel Post… Thời gian gần đây, thị trường hàng không hồi phục mạnh mẽ giúp hoạt động kinh doanh của Vietjet Air khởi sắc. Vincom Retail có chuyển động lớn khi Vingroup quyết định thoái vốn, còn Viettel Post vừa chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE hồi tháng 3/2024.

Các doanh nghiệp khác được đưa vào danh sách năm 2024 có POW, GVR, PAN, Kinh Bắc, Nhựa Tiền Phong. Traphaco…

Theo cafef.vn