Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal đầu tuần này nói rằng các chính sách thương mại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể tạo ra “cơ hội ngàn năm có một” cho Ấn Độ.

Piyush Goyal
Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal tham gia một sự kiện do chính phủ Ấn Độ tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ, vào ngày 26 tháng 8 năm 2023. (Ảnh: Shutterstock)

Chúng ta đang ở thời điểm trong dòng chảy lịch sử mà Ấn Độ ở vị thế thuận lợi để biến tình hình hiện tại thành cơ hội“, ông Goyal phát biểu tại Diễn đàn Toàn cầu Ấn Độ ở Mumbai.

Bộ trưởng Goyal mô tả Ấn Độ là quốc gia đồng cảm với nỗ lực của Tổng thống Hoa Kỳ Doanld Trump nhằm thúc đẩy công bằng trong chuỗi cung ứng và mong muốn chứng minh nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của mình có thể tiến lên để thay thế Trung Quốc.

Nếu ai đó hỏi tôi điểm khởi đầu cho vị trí hiện tại của chúng ta là gì và tại sao chúng ta lại trải qua giai đoạn khó khăn này, thì điểm khởi đầu thực sự bắt đầu từ đầu năm 2000 khi Trung Quốc được kết nạp làm thành viên của WTO“, ông Goyal cho biết.

Không nhiều nhà phân tích phương Tây vào năm 2025 nhìn lại sự kiện Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2000 với sự yêu mến. Đặc biệt, đối với những người ủng hộ trung thành chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump, thì việc để Trung Quốc gia nhập WTO là một trong những sai lầm tồi tệ nhất mà thế giới tự do từng mắc phải.

Hãng tin BBC đã đặt tiêu đề cho một bài báo năm 2021 hồi tưởng về tư cách thành viên WTO của Trung Quốc là Cách phương Tây mời Trung Quốc ăn trưa.

Bài báo của BBC khi đó đã hạ thấp “niềm tin ngớ ngẩn” của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, vốn rất phổ biến vào thời điểm đó, rằng việc để Trung Quốc gia nhập WTO sẽ tự do hóa Bắc Kinh.

Khi các cá nhân không chỉ có quyền mơ ước mà còn có quyền biến ước mơ của mình thành hiện thực, họ sẽ đòi hỏi tiếng nói lớn hơn“, ông Clinton đã ca ngợi và lạc quan về sự kiện Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2000.

Không có gì có thể xa rời sự thật hơn niềm tin như thế. Sự thật là, Trung Quốc đã lây nhiễm chủ nghĩa độc tài cho thế giới tự do, thuyết phục một số chuyên gia và chính trị gia phương Tây rằng chế độ độc tài độc đảng là phương tiện hiệu quả nhất để quản lý nền kinh tế công nghệ cao.

Việc Trung Quốc gia nhập bảng xếp hạng thương mại thế giới hàng đầu đã báo trước một sự chuyển đổi toàn cầu lớn. Sự kết hợp mạnh mẽ giữa lực lượng lao động sẵn sàng của Trung Quốc, với các nhà máy công nghệ siêu cao và mối quan hệ đặc biệt giữa chính phủ Trung Quốc và các tập đoàn đa quốc gia phương Tây đã thay đổi bộ mặt của hành tinh“, bài báo của BBC nhận xét.

Ông Goyal nói với phóng viên Haslinda Amin của đài Bloomberg tại diễn đàn Mumbai rằng mặc dù Ấn Độ có một số mức thuế quan cao, nhưng nước này chủ yếu sử dụng chúng để trả đũa các hoạt động thương mại không công bằng của các quốc gia khác.

Ông Goyal giải thích: “Chẳng hạn, nếu bạn nhìn vào Hoa Kỳ, mức thuế quan chung của chúng tôi có thể là 17% nhưng phần lớn là đối với các sản phẩm mà chúng tôi không nhập khẩu. Mức thuế quan áp dụng thực tế của chúng tôi đối với Hoa Kỳ có thể là 7% hoặc 8%. Con số này không quá lớn“.

Ông Goyal cho biết đây là lý do khiến mức thuế quan mà Tổng thống Trump công bố vào đầu tháng Tư đối với Ấn Độ thấp hơn hầu hết các quốc gia châu Á khác, không chỉ là vì tình bạn cá nhân giữa ông Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, mặc dù ông chủ Nhà Trắng thừa nhận rằng hai nhà lãnh đạo thực sự là “những người bạn tốt“.

Ông Goyal cũng ám chỉ rằng một lý do khiến Ấn Độ nhìn thấy nhiều cơ hội hơn là nguy cơ trong các chính sách của chính quyền Trump là Ấn Độ, không giống như đối thủ lớn là Trung Quốc, không phải là một “nền kinh tế xuất khẩu“. Thực tế này có nghĩa là Ấn Độ sẽ mất ít thu nhập quốc dân hơn do thuế quan.

Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc không thích nghe bộ trưởng thương mại Ấn Độ nói về “cơ hội ngàn năm có một” trong khi Tổng thống Trump đang tăng thuế quan của Trung Quốc lên tới 145%, hoặc có thể hơn.

Hôm thứ Tư (9/4), tờ Global Times do nhà nước Trung Quốc điều hành đã chỉ trích “tư duy cơ hội” của Bộ trưởng Goyal và chỉ trích Ấn Độ vì tìm cách “hưởng lợi từ sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ“.

Những phát biểu của chính trị gia Ấn Độ chỉ đơn thuần là để lặp lại lời lẽ hoa mỹ của Hoa Kỳ nhằm hạ uy tín của Trung Quốc, hy vọng giành được sự ủng hộ của chính quyền Trump và mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại sắp tới giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ”, Global Times dẫn phát biểu của trợ lý giáo sư Xie Chao tại Đại học Thanh Hoa.

Ông Xie Chao dự đoán rằng những nhượng bộ của Ấn Độ sẽ chỉ “thúc đẩy chính quyền Trump yêu cầu Ấn Độ phải thỏa hiệp nhiều hơn nữa để bù đắp thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ”.

Giáo sư Long Xingchun của Đại học Nghiên cứu Quốc tế Tứ Xuyên đã trấn an độc giả của tờ Global Times rằng Ấn Độ “không thể nắm bắt được thị trường mà Trung Quốc để lại” vì “năng lực sản xuất của nước này còn thiếu”, “chi phí sản xuất cao” và “phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc”.

Trái với thái độ hằn học của tờ Global Times, trước đó một ngày, hôm thứ Ba (8/4), phát ngôn viên Yu Jing của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ tuyên bố trên mạng xã hội X rằng New Delhi và Bắc Kinh nên sát cánh cùng nhau để vượt qua khó khăn do các mức thuế quan mà chính quyền Trump áp đặt.

Mối quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc – Ấn Độ dựa trên sự bổ sung và cùng có lợi. Đối mặt với việc Mỹ lạm dụng thuế quan… hai quốc gia đang phát triển có quy mô lớn nhất nên sát cánh cùng nhau để vượt qua khó khăn”, bà Yu Jing viết.

Trong tuyên bố chi tiết, bà Yu Jing nói rằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc bắt nguồn từ hệ thống công nghiệp toàn diện và tập trung bền vững vào đổi mới và nghiên cứu. “Nền kinh tế Trung Quốc được hỗ trợ bởi một hệ thống đảm bảo tăng trưởng ổn định và tạo ra sự lan tỏa tích cực”, tuyên bố nêu rõ.

Bà Yu Jing cũng nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc đối với chủ nghĩa đa phương và hợp tác kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc là nước bảo vệ vững chắc toàn cầu hóa kinh tế và chủ nghĩa đa phương, đã truyền động lực mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, đóng góp trung bình khoảng 30% tăng trưởng toàn cầu hằng năm. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với phần còn lại của thế giới để bảo vệ hệ thống thương mại đa phương mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đóng vai trò cốt lõi”, bà Yu Jing cho hay.

Tuyên bố của bà Yu Jing chỉ trích Hoa Kỳ lạm dụng thuế quan, tước đi quyền phát triển của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia Nam Bán cầu, đồng thời cho rằng không bên nào chiến thắng trong chiến tranh thương mại và thuế quan.

Tất cả các quốc gia nên duy trì nguyên tắc tham vấn rộng rãi, thực hành chủ nghĩa đa phương thực sự, cùng nhau phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức”, bà Yu Jing cho biết.

Hải Đăng (T/h)