APEC 2017: Những vấn đề gì sẽ được đem ra bàn thảo
- Chân Hồ
- •
Các thỏa thuận thương mại, căng thẳng Triều Tiên và tranh chấp lãnh thổ trên biển sẽ là những đề tài được đề cập trong các chương trình nghị sự tại Hội nghị APEC 2017.
Các nhà lãnh đạo từ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tổ chức một chuỗi các cuộc họp trong tuần tới để định hình chính sách chung của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai.
Vấn đề lớn nhất sẽ được thảo luận chắc chắn là cuộc khủng hoảng an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Mặc dù tất cả các nước đều đồng ý về mối đe doạ từ quốc gia hiếu chiến Bắc Hàn, nhưng vẫn còn nhiều điểm khác biệt giữa các nước lớn trong kế hoạch đối phó với Bình Nhưỡng, và các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận để thống nhất hành động chung trong vấn đề này.
Các cuộc đàm phán thương mại cũng nằm trong chương trình nghị sự, với cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bước vào giai đoạn cuối.
Trong lần viếng thăm châu Á lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, các thỏa thuận song phương cũng sẽ rất được chú ý bởi đây là cách tiếp cận trong các vấn đề quốc tế được ông Trump ưa dùng.
Các cuộc đàm phán APEC sẽ được bắt đầu vào ngày hôm nay (10/11) tại Đà Nẵng, tiếp sau đó là Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á diễn ra tại Manila, Philippines. Dưới đây là một số vấn đề nổi bật sẽ được thảo luận trong tuần tới.
Kế hoạch ứng phó với Bắc Triều Tiên
Một lượng thời gian đáng kể sẽ được dùng để thảo luận về các động thái mang tính khiêu khích liên tục trong thời gian gần đây của chế độ Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN trong cuộc gặp tại Manila vào cuối tháng trước, đã đưa ra một tuyên bố chung “bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng đối với việc căng thẳng leo thang ở bán đảo Triều Tiên” và “thúc giục CHDCND Triều Tiên thực thi ngay lập tức các nghĩa vụ được nêu trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc “.
Tuyên bố trên sẽ tạo cơ sở nền tảng cho các cuộc đàm phán về Bắc Triều Tiên của APEC và ASEAN, trong bối cảnh một số nước lớn vẫn còn có cách nhìn nhận khác nhau về việc gia tăng áp lực lên chế độ Kim Jong-un.
Phía Hoa Kỳ và Nhật Bản muốn đẩy mạnh áp lực lên Triều Tiên. Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Hai tại Tokyo, ông Trump bày tỏ: “Thời kỳ kiên nhẫn chiến lược đối với Bắc Triều Tiên đã kết thúc. Một số người nói rằng khẩu hiệu của tôi rất mạnh, nhưng hãy nhìn vào những gì đã xảy ra với những lời hùng biện yếu ớt trong suốt 25 năm qua. Hãy nhìn xem chúng ta đang ở đâu.”
>> Ngoại trưởng Mỹ khẳng định tiếp tục đàm phán với Bình Nhưỡng; Liên quân Mỹ – Hàn kích hoạt tập trận
Ở phía bên kia của cuộc tranh luận, Trung Quốc và Nga, tương đối gần gũi hơn về địa lý và hệ tư tưởng với chế độ cộng sản của Kim Jong-un.
Trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh vào hôm qua, ông Trump đã yêu cầu Trung Quốc làm nhiều hơn trong cuộc đấu tranh của cộng đồng quốc tế chống lại Bình Nhưỡng. Trump cũng dự kiến sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Việt Nam và yêu cầu sự hợp tác từ phía Moscow.
Khả năng thuyết phục các đối tác Trung Quốc và Nga của Trump sẽ là chìa khóa để đạt được tuyên bố chung về vấn đề Triều Tiên trong suốt các cuộc họp của APEC và ASEAN.
Thương mại đa phương và song phương
Trong khi ông Trump sẽ cố gắng thúc đẩy các thoả thuận thương mại song phương chiến lược trong các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo APEC và ASEAN, các cuộc đàm phán thương mại trong các cuộc họp ở cả Việt Nam lẫn Philippines sẽ tập trung nhiều hơn vào các thỏa thuận thương mại đa phương.
Tại hội nghị thượng đỉnh APEC, các bộ trưởng và lãnh đạo từ 11 nước còn lại trong TPP cũng sẽ có cuộc gặp bên lề với hy vọng sẽ chốt được đàm phán. Sự khác biệt vẫn tồn tại trong các quốc gia thành viên – cái gọi là “TPP 11 (vắng Mỹ)” – theo đó các điều khoản sẽ bị đình chỉ kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, nhưng các nước còn lại hy vọng họ có thể đạt được một thỏa thuận chung về ‘TPP mới’.
>> TPP: Những bước đi sắp tới khi không có Mỹ
Tại Manila, 16 quốc gia tham gia vào Đối tác Kinh tế Toàn diện Vùng, hay còn gọi là RCEP, sẽ tổ chức các cuộc hội đàm. Đây là lần thứ 21 các quốc gia thành viên gặp nhau để thảo luận. Mặc dù thoả thuận RCEP không có nhiều tham vọng và mức độ rộng rãi như TPP, và không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có bất kỳ thỏa thuận nào được thông qua trong các cuộc đàm phán ở Manila. Tuy nhiên đây là một thỏa thuận đa phương, và một lần nữa không bao gồm Mỹ.
Trump ủng hộ các giao dịch thương mại song phương khi ông coi đây là cách dễ dàng nhất để đạt được thương mại “tự do, công bằng và tương hỗ”, và giải quyết thâm hụt thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, xu hướng thúc đẩy các thỏa thuận thương mại đa phương trong khu vực sẽ khiến Trump sẽ có một khoảng thời gian khó khăn để thúc đẩy các thỏa thuận song phương.
Vấn đề biển Đông
Với mối đe dọa Bắc Triều Tiên trước mắt đối với an ninh khu vực, cuộc tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông đã phần nào bị đẩy về phía sau.
“Vấn đề Biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự của APEC”, ông Lý Bảo Đông, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên trong cuộc họp báo gần đây.
Điều này cũng có thể rất ít ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán ASEAN. Trong những tháng gần đây, căng thẳng giữa Bắc Kinh và các bên có tranh chấp trên biển đã giảm xuống, trong khi các nước ASEAN và Trung Quốc gần đây đã tổ chức các cuộc tập trận cứu hộ hàng hải chung trong vùng biển đang tranh chấp.
Nhưng một cuộc đối đầu rộng lớn hơn có thể xuất hiện liên quan đến sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Ông Trump dự kiến sẽ công bố chiến lược mới của chính quyền Hoa Kỳ đối với khu vực châu Á, bao gồm chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, trong một phát biểu tại Việt Nam vào chiều nay.
>> Chiến lược ‘Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” sẽ được TT Trump công bố tại APEC 2017
Chiến lược này được chính phủ Nhật đưa ra, nhằm đối trọng theo địa lý với chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Đây được coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chương trình cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh. Một nỗ lực của Nhật Bản cùng với các đồng minh trong khu vực, để thiết lập hàng rào chắn trước nguy cơ Bắc Kinh đơn phương cố gắng thay đổi hiện trạng trong khu vực.
Ông Abe nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo chung với Trump rằng: “Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương bao gồm khu vực rộng lớn của châu Á – Thái Bình Dương thông qua Ấn Độ Dương đến Trung Đông và Châu Phi là trung tâm phát triển của thế giới. Duy trì và tăng cường trật tự biển tự do và cởi mở là điều rất quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực này. Chúng tôi nhất trí tăng cường hợp tác để thực hiện một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”
Trong khi các quốc gia như Ấn Độ và Australia là những mắc-xích quan trọng trong chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, các nước châu Á có quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh sẽ ủng hộ chủ trương “một vành đai, một con đường”. Dấu hiệu manh nha của một cuộc chiến đằng sau hậu trường đã thực sự bắt đầu.
Theo Nikkei Asia Review
Chân Hồ biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa tranh chấp biển Đông Bắc Triều Tiên APEC 2017 APEC Đà Nẵng