Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1103/QĐ-BCT ngày 21/4/2025 thu hồi quyền cấp C/O, CNM và mã số REX đã uỷ quyền cho VCCI trước đó. Quyết định thu hồi được Bộ Công Thương ban hành trong bối cảnh Việt Nam phải siết chặt quản lý xuất xứ hàng hóa, chống việc rửa xuất xứ hàng hóa của nước thứ ba xuất khẩu sang Hoa Kỳ. 

2024 12 06 02 14 272 d91f7
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trong cuộc làm việc với GS. John Kent, Trường Đại học Arkansas (Hoa Kỳ). Ảnh Bộ Công thương.

Theo Quyết định số 1103/QĐ-BC, Bộ trưởng Bộ Công Thương thu hồi quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ (CNM) và tiếp nhận đăng ký mã số chứng nhận xuất xứ hàng hóa (mã số REX) theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Na Uy và Thụy Sỹ được Bộ trưởng Bộ Công Thương ủy quyền cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại các Quyết định số 1234/QĐ-BCT ngày 12/4/2018; Quyết định số 1076/QĐ-BCT ngày 3/4/2020; Quyết định số 2795/QĐ-BCT ngày 16/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương là đơn vị tiếp nhận chức năng cấp các loại C/O mẫu A, C/O mẫu B, C/O không ưu đãi theo quy định của nước nhập khẩu, CNM, C/O mẫu GSTP và đăng ký mã số REX thay thế cho VCCI. Đơn vị này có trách nhiệm thông báo với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan về việc chuyển chức năng cấp C/O, CNM, mã số REX cho đơn vị mới và phải đảm bảo việc cấp các giấy chứng nhận không bị gián đoạn.

Thương mại điện tử và Kinh tế số có trách nhiệm đảm bảo cơ sở hạ tầng dữ liệu điện tử tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (eCoSys) của Bộ Công Thương để thực hiện quy trình cấp chứng nhận.

VCCI có trách nhiệm chấm dứt việc cấp toàn bộ các loại chứng nhận trên từ ngày 21/4/2025.

VCCI phải thực hiện lưu trữ hồ sơ, chứng từ liên quan tới việc cấp các loại C/O, CNM, mã số REX trước đây và phải phối hợp với cơ quan kiểm tra. thanh tra, xác minh xuất xứ hàng hóa do VCCI cấp trong giai đoạn được ủy quyền.

Quyết định thu hồi được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ban hành đúng thời điểm “nhạy cảm” của Việt Nam đang cân bằng “cẩn thận” mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông Diên cũng là trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Mỹ.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ là 136,6 tỷ USD, thặng dư 123,5 tỷ USD; và kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 144 tỷ USD, với mức thâm hụt là 82,8 tỷ USD.

Nhiều sản xuất Trung Quốc thành lập nhà máy ở Việt Nam, nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc, lắp ráp sản phẩm và xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam đã trở thành cơ sở “rửa sạch xuất xứ” cho các sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

VCCI là tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, chủ lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam.

Chức năng của VCCI bao gồm

  1. Đại diện để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động ở Việt Nam trong các quan hệ trong nước và quốc tế
  2. Thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, sự liên kết giữa các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học – công nghệ và các hoạt động kinh doanh khác của các doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài.

Chủ tịch VCCI thời kỳ 2018 đến 2021 do ông Vũ Tiến Lộc (đã qua đời) làm Chủ tịch, thời kỳ 2021 đến nay, do ông Phạm Tấn Công làm chủ tịch.

Nguyên Hương