Bộ Tài chính chốt trình phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu, bia
- Phan Vũ
- •
Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất tăng mạnh thuế với rượu, bia và thuốc lá.
Với thuốc lá điếu, dự thảo luật nêu rõ, giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ 2026 – 2030 với 2 phương án như sau:
Phương án 1: 2.000 đồng/bao (năm 2026), 4.000 đồng/bao (năm 2027), 6.000 đồng bao (năm 2028), 8.000 đồng/bao (năm 2029), 10.000 đồng/bao (năm 2030).
Phương án 2: 5.000 đồng/bao (năm 2026), 6.000 đồng/bao (năm 2027), 7.000 đồng/bao (năm 2028), 8.000 đồng/bao (năm 2029), 10.000 đồng/bao (năm 2030).
Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ thuốc lá, các doanh nghiệp thuốc lá đề xuất giãn lộ trình tăng thuế và áp dụng mức thuế tuyệt đối thấp hơn cả 2 phương án mà Bộ Tài chính xin ý kiến.
Trong khi đó, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức bảo vệ sức khỏe ủng hộ phương án 2 của Bộ Tài chính và đề xuất thêm phương án 3 với mức thuế cao hơn.
Cụ thể, bên cạnh thuế tỷ lệ 75%, bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình: 5.000 đồng/bao từ năm 2026, 7.000 đồng/bao từ năm 2027, 10.000 đồng/bao từ năm 2028, 12.500 đồng/bao từ năm 2029 và 15.000 đồng/bao từ năm 2030.
Bộ Tài chính đánh giá, cả 2 phương án về lộ trình tăng mức thuế tuyệt đối tại dự thảo luật gửi xin ý kiến đã được cân nhắc tính toán trên cơ sở các yếu tố như giá thuốc lá tại Việt Nam đang ngày càng rẻ so với thu nhập, dẫn đến sức mua thuốc lá tăng.
Cùng với đó là gánh nặng chi phí y tế liên quan đến bệnh tật do thuốc lá gây ra. Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, mặt hàng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 40.000 ca tử vong mỗi năm cùng chi phí y tế có liên quan đến bệnh tật do thuốc lá gây ra là 1 tỉ USD.
Với phương án 2 thì tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 42,7% (2022) xuống còn 39,7% vào năm 2026 và đến năm 2030 giảm xuống còn 38,6%. Tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ tăng từ 36% (2022) lên 52,4% vào năm 2026 và đến năm 2030 tăng lên 59,38%.
Như vậy, phương án 2 có khả năng giảm tiêu thụ nhanh hơn, sớm hơn và ở mức độ lớn hơn để gần tiếp cận đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên đề ra tại Chiến lược phòng, chống tác hại của thuốc lá (xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026 – 2030) và hướng tới đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (75%).
Đối với 2 phương án do Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề xuất, theo Bộ Tài chính, mức độ tăng rất thấp nên sẽ tác động không mạnh mẽ đến việc giảm tiêu dùng và sẽ không góp phần thực hiện các mục tiêu, chiến lược đã đề ra.
Còn phương án 3 của nhóm bảo vệ sức khỏe (Bộ Y tế, các tổ chức bảo vệ sức khỏe cộng đồng) được Bộ Tài chính đánh giá dù đáp ứng tốt hơn về các yêu cầu hạn chế tiêu dùng, tăng giá bán sản phẩm, đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ cao hơn phương án 2 của Bộ Tài chính và góp phần phòng, chống ảnh hưởng của thuốc lá đến môi trường, sức khỏe của người dân nhưng sẽ có tác động lớn hơn nhiều đến doanh nghiệp.
Sau những phân tích nêu trên, Bộ Tài chính nghiêng theo phương án 2.
Hiện Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia trên thế giới có số người hút thuốc nhiều nhất. Trên thị trường tồn tại nhiều loại thuốc lá giá quá rẻ với khoảng 40 nhãn hiệu thuốc lá trong nước có giá bán dưới 10.000 đồng/gói.
Giá thuốc lá ngày càng rẻ đi so với thu nhập, sức mua thuốc lá gia tăng. Chỉ số giá thuốc lá tính theo % thu nhập (RIP – còn gọi là phần trăm thu nhập cần thiết để mua 100 bao thuốc lá) có xu hướng giảm đều từ 2010 – 2020, phản ánh giá thuốc lá đang ngày càng dễ chi trả, sức mua thuốc lá gia tăng.
Tại hội thảo cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại, đặc biệt là về chính sách thuế do Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) tổ chức vào ngày 24/7, ThS Nguyễn Hạnh Nguyên, đại diện HealthBridge Việt Nam, cho biết thuế thuốc lá Việt Nam tính theo phần trăm giá bán lẻ rất thấp với 38,8% (2020), trong khi mức trung bình của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (59% giá bán lẻ); khoảng một nửa so với khuyến cáo của WHO (75% giá bán lẻ).
Mức thuế này đưa Việt Nam vào số các quốc gia có giá thuốc lá thấp nhất trong khu vực Thái Bình Dương.
Từ khóa thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá