Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh là người đầu tiên trả lời trong phiên chất vấn Quốc hội vào sáng nay (15/11). Nhậm chức trong giai đoạn khủng hoảng nội bộ, liệu Bộ trưởng có đưa ra được những giải pháp để vực dậy Bộ Công thương thành cơ quan quản lý nhà nước hiệu quả, liêm chính?

bo-truong-bo-cong-thuong-tra-loi-chat-van-quoc-hoi-2
Ông Trần Tuấn Anh trong lễ bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Công thương ngày 14/4/2016. (Ảnh: ipc1.gov.vn)

Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh là người đăng đàn đầu tiên trong phiên chất vấn của Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2. Dự kiến thời gian chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ từ 8h30 sáng đến 11h30.

Ông Trần Tuấn Anh được bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Công thương vào ngày 9/4/2016, kế nhiệm ông Vũ Huy Hoàng, người vừa bị cách chức nguyên Bí thư Đảng ủy Bộ Công thương đầu tháng vừa rồi. Ông Vũ Huy Hoàng hiện đang trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật liên quan tới những sai phạm tại Bộ Công thương.

Ông Trần Tuấn Anh trước khi nhậm chức Bộ trưởng cũng đã có 6 năm công tác tại Bộ Công thương tại cương vị Thứ trưởng chuyên phụ trách các vấn đề về công tác xuất nhập khẩu, dịch vụ thương mại; phụ trách phát triển thị trường nước ngoài; phụ trách lĩnh vực công thương tại 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ; phụ trách trực tiếp Cục Xuất Nhập khẩu, Cục điện tử và công nghệ thông tin, các trường thuộc Bộ.

Tiếp quản Bộ Công thương trong giai đoạn đầy khó khăn, đặc biệt khi người tiền nhiệm đang trong quá trình xử lý kỷ luật, đồng thời Bộ Công thương cũng đang liên tiếp đối mặt với những vụ việc tai tiếng, liệu Bộ trưởng có giải đáp thỏa đáng được các chất vấn của Đại biểu Quốc hội ngày hôm nay không?

Dưới đây là các vấn đề nổi cộm trong chuyên ngành của Bộ Công Thương gây bức xúc trong dư luận thời gian qua:

  1. Tổ chức bộ máy của Bộ Công thương quá cồng kềnh với 30 Cục, Vụ, 10 trường Đại học, 22 Trường Cao Đẳng, 11 tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước với tổng mức chi năm 2016 lên tới 2.126 tỷ đồng.
  2. Sai phạm nghiêm trọng trong công tác bổ nhiệm và quản lý cán bộ gây bức xúc dư luận. Điển hình như vụ việc ông Vũ Quang Hải (Sabeco), ông Vũ Đình Duy (Vinachem).
  3. Các dự án đầu tư thua lỗ ngàn tỷ như Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2), Nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất và các dự án nhiên liệu Ethanol đã làm tiêu tốn trên 30.000 tỉ đồng vốn đầu tư;
  4. Mạng lưới quy hoạch các nhà máy thép, thủy điện, nhiệt điện gây ô nhiễm môi trường, gây nguy hại tới sự an toàn của người dân như Dự án Thép Ninh Thuận Cà Ná, Dự án thép Formosa, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhà máy Thủy điện Hố Hô,….;
  5. Vai trò mờ nhạt của Bộ Công thương trong việc bảo vệ thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu: Tình trạng hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng, trốn thuế tràn lan, việc sản phẩm Việt Nam bị đánh thuế chống phá giá tại nhiều thị trường như thép, tôm, cá tra,…;
  6. Rào cản đối với doanh nghiệp còn rất lớn, điển hình như việc phản ứng của Bộ Công thương với Thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ; Điều kiện kinh doanh Gas;…
  7. Việc thoái vốn của các doanh nghiệp do Bộ Công thương quản lý còn rất chậm chạp như: Sabeco, Habeco,…

Đầu năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã cam kết tập trung thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội yêu cầu, trong đó chỉ tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng như thương mại phải đạt được mức độ khả quan để đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Liệu Bộ Công thương có đạt được cam kết của mình đã đề ra không? Và bằng những biện pháp cụ thể như thế nào? Mời các bạn tiếp tục theo dõi.

Nguyên Hương

Xem thêm: