Các lãnh đạo chọn buông doanh nghiệp để giữ ngân hàng trước khi Luật TCTD mới có hiệu lực
10 ngày trước thời điểm Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) mới chính thức có hiệu lực, các lãnh đạo cấp cao đều chọn phương án buông doanh nghiệp để nắm vị trí chủ chốt tại các ngân hàng.
Luật TCTD sửa đổi được Quốc hội thông qua vào ngày 20/11/2017 quy định: các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng sẽ không được kiêm nhiệm giữ vị trí chủ chốt tại các doanh nghiệp khác. Với việc Luật TCTD mới sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/1/2018, đã có nhiều người chọn phương án buông doanh nghiệp để nắm giữ ngân hàng tính đến thời điểm hiện tại.
Đầu tiên là Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý DOJI kiêm Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) – ông Đỗ Minh Phú. Trong một buổi tọa đàm Leader Talk với nhân viên của cả hai đơn vị vào sáng 23/12/2017, ông Phú đã công bố sẽ thôi làm Chủ tịch tại DOJI sau 25 năm gắn bó để tập trung toàn diện cho ngân hàng TPBank.
Theo kế hoạch, ông Đỗ Minh Phú sẽ chính thức rời nhiệm tại DOJI sau Đại hội cổ đông của TPBank vào tháng 4/2018.
Lý giải về quyết định này, ông Phú cho biết DOJI dù sao đã có một quá trình chuẩn bị đủ dài, trong khi đó TPBank cần ông hơn cho giai đoạn phát triển sắp tới, đặc biệt là khi ngân hàng này chuẩn bị lên sàn vào đầu năm 2018. “Chúng tôi đã có những thế hệ kế cận có thể đảm đương việc đó. Thách thức còn, khó khăn còn nhưng những người cộng sự đã làm với tôi cả thời gian qua ở DOJI có thể làm được”, ông nói.
Trong một diễn biến khác tại Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (Sacombank), ngân hàng này vừa công bố thay đổi thông tin nội bộ, theo đó Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh không còn đảm nhiệm cương vị chủ tịch tại các doanh nghiệp khác.
Cụ thể, ông Dương Công Minh đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT tại CTCP Địa ốc Him Lam, Dụng cụ Thể thao Bảo Long, CTCP Phát triển Xín Mần và Chứng khoán Liên Việt (LVPS) để tập trung vào Sacombank.
Đối với Sacombank, ông Minh còn khá mới mẻ khi đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank chỉ chưa đầy nửa năm từ cuối tháng 6/2017. Lượng cổ phần sở hữu riêng của cá nhân ông Minh hiện là 3,32% cổ phần và đạt 7,47% nếu tính thêm người liên quan. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu của ông tại Him Lam hiện là 99%. Ông cũng khẳng định việc thôi chức ở Him Lam sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.
>> Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘nhôm’) đã bị bắt
Mới đây, Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) – ông Đỗ Quang Hiển – doanh nhân Việt Nam đầu tiên vừa nhận giải “Doanh nhân Châu Á” cũng vừa đưa ra quyết định thôi chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ở Tập đoàn T&T – nơi đang triển khai nhiều dự án bất động sản lớn trong cả nước để gắn bó với ngân hàng SHB.
Chia sẻ về quyết định này với báo chí, Ông Hiển cho biết: “Với các doanh nghiệp như T&T, thực tế nhiều năm qua dù giữ chức danh chủ tịch hay tổng giám đốc nhưng tôi không dành quá nhiều thời gian điều hành trực tiếp. Có thời gian tôi dành toàn bộ ngồi ở SHB và cả một, hai tháng liền không sang T&T. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn ổn”.
Được biết, ông Hiển hiện đang nắm giữ 3,46% cổ phần tại SHB.
Một đại gia khác cũng đã đưa ra lựa chọn giữ vị trí tại ngân hàng. Phát biểu tại sự kiện chào sàn 500 triệu cổ phiếu BAB của Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), bà Thái Hương đã chính thức thông báo về quyết định sẽ chọn làm Tổng giám đốc BacABank, đồng thời rút lui khỏi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk sau 10 năm gắn bó.
Theo bà Thái Hương, quyết định trên nhằm đáp ứng với quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Còn quyết định từ bỏ TH True Milk là bởi bà đã hoàn thành sứ mệnh tại TH và thấy đã đến lúc nhường lại cho lớp trẻ.
Song, bà Thái Hương cũng cho hay, bà sẽ tiếp tục giữ vai trò là người sáng lập, nhà tư vấn và sẽ thực hiện giám sát bước đường phát triển tiếp theo của TH True Milk. Được biết, bà Hương hiện đang nắm giữ 4,3% cổ phần BacABank.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận được trường hợp lãnh đạo nào quyết định thôi chức tại ngân hàng để giữ chức tại doanh nghiệp.
Chân Hồ
Xem thêm:
Từ khóa ngân hàng nhà lãnh đạo Luật các TCTD sửa đổi lãnh đạo ngân hàng