Ngay trước thềm phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chiều 16/11, vấn đề huy động vàng, ngoại tệ trong dân, việc hạn mức bảo hiểm tiền gửi – ngân hàng phá sản, người gửi chỉ được bồi thường tối đa 75 triệu đồng – nhận sự quan tâm đặc biệt.

thong doc le minh hung 0911
Thống đốc Lê Minh Hưng. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) nêu rõ vấn đề:

Vốn trong dân rất lớn, nếu chúng ta có chính sách hợp lòng dân, dân có niềm tin thì dân sẽ sẵn sàng giúp đỡ đất nước vượt qua khó khăn để phát triển. Ví dụ, trường hợp gia đình cụ Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ hiến trên 5 ngàn lượng vàng vào thời kỳ đầu đất nước và theo dự báo có khoảng 500 tấn vàng và 10 tỷ USD đang nằm trong dân“.

Đặt câu hỏi với Thống đốc, ông Nhường chất vấn Ngân hàng Nhà nước có chính sách huy động đồng thời cam kết tiền gửi như thế nào để người dân được bảo đảm trong trường hợp ngân hàng phá sản.

Nói về khả năng huy động vàng, ngoại tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng giải pháp căn cơ nhất và bền vững nhất và có khả khi nhất là Chính phủ “phải kiên định mục tiêu ổn định điều hành kinh tế vĩ mô, qua đó củng cố giá trị đồng VNĐ, qua đó tạo lập được lòng tin của người dân và doanh nghiệp“.

Trên cơ sở đó, người dân sẽ không đầu tư bỏ vốn vào các tài sản tài chính như vàng và ngoại tệ mà sẽ chuyển đổi sang đồng VNĐ để gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư vào thị trường chứng khoán hoặc trực tiếp đầu tư kinh doanh…“, ông Hưng cho hay, đồng thời cho biết đáng ghi nhận là trong thời gian qua, thị trường vàng tương đối ổn định, không còn mất ngoại tệ để nhập khẩu vàng phục vụ nhu cầu mua bán vàng miếng trong nước nữa.

Về ngoại tệ, mặc dù duy trì chính sách lãi suất 0% đối với USD, Thống đốc cho biết nguồn lực ngoại tệ không hẳn đến từ việc huy động mà nguồn lực đó đã được chuyển hóa qua đồng VNĐ để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tỷ giá và thị trường ngoại hối vẫn ổn định.

Giải đáp về bảo hiểm tiền gửi, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời: Trong bất kỳ trường hợp nào, xử lý phương án đối với các tổ chức tín dụng, mục tiêu đầu tiên là phải đảm bảo an ninh kinh tế, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, đồng thời giữ được lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống và bảo vệ quyền, lợi ích hơp pháp của người gửi tiền.

Bất cứ khi nào hoặc chọn bất cứ giải pháp nào thì mục tiêu đó phải được đảm bảo, chính vì vậy dự thảo luật các tổ chức tín dụng sửa đổi của Chính phủ đã đề xuất nội dung rất cụ thể – ông Hưng cho hay.

‘Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam’

Ngoài chất vấn về việc huy động vàng, ngoại tệ trong dân, đại biểu Nhường cũng đề cập đến ‘tiền ảo’ bitcoin. “Thống đốc có đồng ý đề xuất cho ĐH FPT thu học phí bằng bitcoin, hay công ty Cốc Cốc thu hút vốn đầu tư từ Đức bằng đồng tiền?” – ông Nhường đặt câu hỏi.

le cong nhuong binh dinh
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định). (Ảnh: VGP)

Trả lời về điều này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay vấn đề tiền bitcoin không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Nhiều nước đang nghiên cứu về vấn đề điều chỉnh và quản lý bitcoin như thế nào.

Theo nghiên cứu của NHNN, một số nước cấm tuyệt đối giao dịch bitcoin, một số nước không thừa nhận bitcoin là phương tiện thanh toán, khuyến cáo rủi ro liên quan đến giao dịch bitcoin, nhưng cũng có nước chọn bitcoin là một phương tiện thanh toán nhưng rất ít, như Nhật Bản.

Đối với Việt Nam, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết NHNN đã ra thông cáo báo chí nói rõ theo quy định của pháp luật hiện hành, bitcoin không phải là đồng tiền pháp định, và bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, tất cả giao dịch sử dụng đồng bitcoin là một phương tiện thanh toán là không đúng với quy luật hiện hành.

Theo Thống đốc, hiện nay, việc nhìn nhận bitcoin dưới góc độ là một tài sản, một hàng hóa thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Việc này Chính phủ đã giao cho các bộ ngành, Bộ Tư pháp chủ trì, nghiên cứu đề án về khuôn khổ pháp luật để quản lý tiền ảo, tài sản ảo trong đó có bitcoin.

Từ góc độ quản lý Nhà nước về tiền tệ, Thống đốc cho biết NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để có một khuôn khổ pháp lý phù hợp quản lý các loại tài sản ảo hàng hóa (trong đó có bitcoin) và hoàn thiện đề án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đề cập đến trường hợp của Trường Đại học FPT, Thống đốc cho hay đến nay chưa nhận được đề xuất chi tiết trường về giao dịch liên quan đến bitcoin, khi nhận được đề xuất chi tiết của trường về vấn đề này, NHNN sẽ giao các đơn vị chức năng nghiên cứu và hướng dẫn đại học FPT cùng các tổ chức có liên quan để thực hiện theo quy định.

Cơ cấu lại mạng lưới ATM

Đại biểu Nguyễn Văn Thành (Lạng Sơn) nêu những bất cập về vấn đề thẻ ATM, về chi phí, vị trí bố trí máy, quá trình thực hiện giao dịch, đề xuất Thống đống đưa ra các giải pháp để xử lý cụ thể.

Thống đống Lê Minh Hưng cho hay: “Trong thời gian vừa qua, NHNN cũng rất lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và người dân về các chi phí và đồng thời cũng yêu cầu các Ngân hàng Thương mại phải báo cáo đầy đủ các biểu phí, và những thay đổi phí dịch vụ ngân hàng trong đó có dịch vụ thanh toán bằng thẻ để xem xét và phát hiện những bất cập“.

Ông Hưng nhấn mạnh cơ quan này đã ban hành Thông tư quy định về mức phí đối với thẻ, mức phí áp dụng đối với giao dịch rút tiền bằng thẻ từ năm 2012 đến nay tối đa chỉ có 3.000 đồng/giao dịch. Ngoài ra, ông Hưng lưu ý trong quy định tại Thông tư của NHNN về phí thẻ, đã chỉ đạo có một quy định đặc biệt đối với một số đối tượng đặc biệt như công nhân, người lao động và viên chức thì phải tính những mức phí hợp lý hơn tùy theo từng điều kiện của ngân hàng.

Về vấn đề bố trí hệ thống máy ATM, ông Hưng thừa nhận “thời gian qua đúng là các máy ATM chỉ tập trung vào các khu đô thị, đã gây khó khăn cho người sử dụng”. Thống đốc NHNNVN cho biết một số chủ trương sắp tới như đã có đề án đẩy mạnh không dùng tiền mặt theo chương trình của chính phủ, tới đây NHNN đang chỉ đạo để rà soát, cơ cấu lại mạng lưới ATM để bố trí hợp lý hơn, đã chỉ đạo để nghiên cứu ứng dụng các loại hình cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến để đáp ứng nhu cầu vùng sâu vùng xa, kể cả mô hình ngân hàng di động như ngân hàng nông nghiệp chuẩn bị áp dụng.

——

Phần trả lời chất vấn của Thống đốc sẽ tiếp tục đến 10h sáng mai (17/11)  với các nội dung: giảm mức phí BOT trung bình cho các phương tiện; chênh lệch lãi suất huy động, chạy đua lãi suất; Nguyên nhân của nợ xấu và mục tiêu xử lý nợ xấu đến năm 2020; Chính sách tiền tệ đa mục tiêu; Neo giữ tỷ giá; Các ngân hàng 0 đồng,..

Chân Hồ – Phạm Toàn (ghi)

Xem thêm: