Chính phủ các nước minh bạch chi tiêu như thế nào?
- Tự Minh
- •
Quan điểm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hành chính công cho rằng sự minh bạch trong hoạt động của các cơ quan công quyền luôn gắn liền với việc giảm thiểu tham nhũng và tăng tính năng động của chính quyền.
Cách thức chi tiêu của Chính phủ luôn được các nước ưu tiên tìm cách minh bạch hóa. Hãy cùng xem một số nền kinh tế tiên tiến minh bạch hóa chi tiêu đến mức nào?
Nhật Bản: Quyết toán tỉ mỉ, thần tốc
Người Nhật nổi tiếng là những người tỉ mỉ trong công việc. Chính vì vậy, cũng không bất ngờ khi Bộ Tài chính của Nhật công khai bản quyết toán có hơn 800 mục khác nhau, trong đó ghi rõ từng khoản mục thu – chi từ cấp Bộ cho đến các viện thuộc Chính phủ. Báo cáo của Bộ Tài chính Nhật Bản công khai cho người dân và có thể được tải về một cách dễ dàng.
Với việc công khai chi tiết như vậy, truyền thông Nhật Bản có thể dễ dàng phân tích và đưa ra bình luận từ nhiều góc độ khác nhau. Không chỉ báo chí toàn quốc mổ xẻ, đánh giá các vấn đề trong chi tiêu của Chính phủ, cơ quan báo chí địa phương cũng theo sát các diễn biến này. Ví dụ như chi tiêu của các Chính quyền địa phương được báo chí tường thuật lại bằng các hình minh họa dễ hiểu như bên dưới.
Nhìn vào hình minh họa ở trên, người dân có thể phán đoán chính quyền thành phố liệu có đang làm theo đúng những hứa hẹn lúc trước không. Ở thành phố du lịch Kyoto, trong năm 2017, chi phí cho giáo dục chiếm tỷ lệ lớn nhất với 24,21%. Trong khi đó, chi phí cho hệ thống cảnh sát để đảm bảo an ninh chỉ chiếm 8,29%.
Ngoài ra, Bộ Tài chính của Nhật quyết toán có thể nói là thần tốc. Năm tài chính ở Nhật kết thúc vào tháng 3/2017 thì đến tháng 11 cùng năm, bản quyết toán chi tiết này đã được trình lên Quốc hội. Nếu so sánh với “nước mình” thì khi vào xem website của Bộ Tài chính tại thời điểm viết bài này, kết toán của năm cuối cùng được công bố là năm 2015.
Thái Lan: Website trực quan, dễ hiểu
Khi các đầu mục thu – chi được công bố chi tiết và đầy đủ như Nhật Bản, người dân có thể giám sát được chính phủ đương nhiệm có đang chi tiêu hợp lý hay không. Tuy nhiên, điều đó cần sự hỗ trợ của các chuyên gia và giới truyền thông có năng lực đọc hiểu các con số khô khan.
Chính vì vậy, để ngay cả những người dân bình thường nhất cũng có thể hiểu và nắm được tình hình thu – chi của Chính phủ, Bộ Tài chính Thái Lan đã làm một website vô cùng trực quan, dễ hiểu. Thu và chi của Chính phủ có thể được xem theo chức năng (giáo dục, kinh tế, an ninh…) hay theo phân loại (trả lương, đầu tư…). Ngoài ra, người dân có thể theo dõi thu – chi của từng bộ và từng địa phương.
Nhìn vào biểu đồ trên, có thể thấy chính phủ Thái Lan đang chi nhiều nhất cho các dịch vụ công cộng, giáo dục và phát triển kinh tế.
Trong khi đó, biểu đồ về chi tiêu theo phân loại chi tiết có thể cho người dân Thái Lan thấy Chính phủ đang dành ra khoảng 23% ngân sách để trả lương cho các công viên chức Nhà nước, phần lớn ngân sách còn lại được dùng để chi trợ cấp trợ giá và chi đầu tư phát triển.
Ngoài ra, người dân Thái Lan thông qua website có thể biết được tỉnh nào đang chi vượt dự toán ngân sách và vượt bao nhiêu.
Anh: Văn phòng độc lập theo dõi chi tiêu của chính phủ
Chính phủ Anh vốn đã có truyền thống công khai chi tiêu từ lâu. Vào website thống kê chi tiêu công của chính phủ Anh, chúng ta có thể tìm thấy dữ liệu về chi tiêu công của Chính phủ trung ương từ năm 1692 và Chính phủ địa phương từ năm 1868. Tương tự như Nhật Bản, hàng năm, khi chính phủ xin quyết toán hay thảo luận về dự toán thì truyền thông cũng liên tục tung ra các bài viết phân tích. Các biểu đồ dễ hiểu về chi tiêu của chính phủ có thể tìm thấy dễ dàng.
Tuy nhiên, có vẻ như chỉ dựa vào truyền thông và người dân trong việc giám sát chính phủ là chưa đủ. Năm 2010, Anh đã thành lập Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (Office for Budget Responsibility), một văn phòng độc lập gồm các chuyên gia tài chính công hàng đầu. Nhiệm vụ của văn phòng này bao gồm:
- Đưa ra dự báo phát triển kinh tế, đặc biệt nếu có sự thay đổi về chính sách thuế
- Theo dõi kết quả đạt được và mục tiêu đặt ra khi dự toán ngân sách
- Phân tích độ bền vững trong các tài khoản tài chính công
- Đánh giá rủi ro tín dụng công
- Đánh giá chi tiết chính sách thuế và phúc lợi
Anh không phải là nước duy nhất có văn phòng kiểu này. Theo báo cáo của IMF vào năm 2014, trên thế giới có tổng cộng 36 nước có văn phòng như vậy, với phần lớn các nước ở châu Âu đều có. Ở châu Á, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có ủy ban độc lập theo dõi chi tiêu của Chính phủ.
Ai có quyền đòi hỏi sự minh bạch trong chi tiêu của chính phủ?
Trên thực tế, mọi chi tiêu của Chính phủ đều là từ thuế và các nguồn thu từ xã hội. Nói cách khác, mọi khoản chi tiêu của Chính phủ đều là lấy từ túi của người dân. Người dân đang ủy thác cho Chính phủ trong việc chi tiêu nguồn vốn này sao cho tạo ra “lợi nhuận” lớn nhất cho toàn xã hội.
Cũng giống như trong một Công ty Cổ phần, nếu Ban Giám đốc sử dụng nguồn lực và tài chính không hợp lý, hay tạo ra lợi nhuận không như mong muốn, Ban Giám đốc có thể bị chỉ trích kịch liệt hoặc thậm chí sa thải theo ý kiến của đa số cổ đông.
Chính phủ nhiều nước luôn ý thức rất cao về việc có trách nhiệm trong việc chi tiêu nguồn vốn công của dân chúng. Vì vậy, cho dù đảng nào lên cầm quyền, họ đều luôn tìm các chuyên gia tài chính hàng đầu để tham mưu cho Chính phủ, tránh việc bị bẽ mặt bởi truyền thông hay các cơ quan giám sát độc lập.
Người dân các nước cũng ý thức rất cao việc mình là “người chủ” của các nguồn vốn đang được sử dụng để chi tiêu công. Các chính khách nếu có sai phạm trong việc sử dụng nguồn vốn công thường không thể duy trì được sự nghiệp chính trị của mình do sự phản đối mạnh mẽ của người dân.
Chúng ta đang trong tiến trình hội nhập mạnh mẽ với quốc tế. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần học tập “nước người ta” về các tiêu chuẩn minh bạch?
Tự Minh
Xem thêm:
Từ khóa Minh bạch minh bạch thông tin chi tiêu công tài chính công