Chính phủ xin miễn thu gần 5.000 tỷ đồng tiền tài nguyên nước, khoáng sản
- Sơn Nguyên
- •
Ước tính 80-90% các khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước xin miễn là từ các mỏ khoáng sản, các nhà máy thủy điện do các tập đoàn EVN, TKV, PVN là chủ đầu tư.
Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nước theo các nghị định đã ban hành.
Chính phủ cho biết chính sách thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước lần đầu tiên được quy định trong Luật Khoáng sản năm 2010 và Luật Tài nguyên nước năm 2012, lần lượt có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 và ngày 1/1/2013.
Tuy nhiên, các nghị định hướng dẫn chi tiết phương pháp tính, mức thu được ban hành quá chậm (Nghị định 203 được ban hành chậm 2 năm 6 tháng sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực; Nghị định 82 ra đời chậm 4 năm 8 tháng sau khi Luật Tài nguyên nước có hiệu lực).
Do các nghị định hướng dẫn thi hành luật ra đời chậm 5 năm so với luật, nên Chính phủ thấy khó hồi tố, truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ tháng 7/2011 đến tháng 1/2014 (trong 2,5 năm) và tiền tài nguyên nước từ tháng 1/2013 – tháng 9/2017 (trong hơn 4 năm).
Chính phủ đề nghị Quốc hội miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong giai đoạn nêu trên. Số tiền ước tính miễn thu khoảng 5.000 tỷ đồng.
Theo Chính phủ, số tiền nêu trên mới là dự tính (chưa phải là khoản thu ngân sách đã được xác định); khi chưa thu thì khoản này thì đã nằm trong thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản thuế khác (thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng…); các khoản phí đã được các doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước) thực hiện và đã được hạch toán, trích, lập các loại quỹ.
Ước tính 80 – 90% các khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước nêu trên là từ các mỏ khoáng sản, các nhà máy thủy điện do các tập đoàn lớn của Nhà nước như EVN, TKV, PVN là chủ đầu tư.
Nguyên nhân ban hành chậm các nghị định được chỉ ra là do “không lường trước được hết những khó khăn, phức tạp, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế, các thông số kỹ thuật phức tạp”.
Cụ thể, tại thời điểm xây dựng Nghị định 203, có hơn 400 giấy phép khai thác khoáng sản (thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN-MT) và gần 4.000 giấy phép khai thác khoáng sản (thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh) phải tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; các giấy phép cấp tại nhiều thời kỳ (có mỏ cấp phép từ thập niên 60 của thế kỷ 20) theo các cơ chế, quy định quản lý khác nhau. Gần 5.000 giấy phép khai thác này lại không thống nhất.
Đối với Nghị định 82, việc xác định mức thu cũng gặp nhiều khó khăn vì tính đa dạng của mục đích khai thác nước trong một công trình (khuyến khích hay không khuyến khích gắn với thu tiền hay không thu tiền), trong khi đó lại gắn với từng nguồn nước khác nhau (nước mặt, nước dưới đất), tính biến động chất lượng của nguồn nước, điều kiện khai thác thuận lợi hay khó khăn của từng công trình….
Về nguyên nhân chủ quan, tờ trình của Chính phủ đề cập đến tình trạng “nợ đọng” số lượng lớn các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật. Vì phải xử lý “nợ đọng” văn bản nên Chính phủ không đôn đốc, yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo đẩy nhanh tiến độ xây dựng nghị định.
Chính phủ đề xuất việc thu các khoản tiền phí nêu trên sẽ được lùi lại thời điểm các nghị định 203 và nghị định 82 có hiệu lực; bắt đầu từ ngày 1/1/2014 đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và từ ngày 1/9/2017 đối với tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Sơn Nguyên
Xem thêm:
Từ khóa tài nguyên nước Khai thác khoáng sản tập đoàn nhà nước