Sau 30 năm phát triển kinh tế thị trường, doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp 8% GDP, TS. Trần Đình Thiên cho đây là một thực trạng rất lạ lùng.

doanh nhan tre
Các chuyên gia chia sẻ tại buổi Tọa đàm. (Ảnh: doanthanhnien.vn)

Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên đưa ra tại buổi Tọa đàm “Doanh nhân trẻ 25 năm cùng khát vọng Việt Nam” do Hội Doanh nhân trẻ tổ chức ngày 22/12.

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Thiên đánh giá vai trò rất đặc biệt của đội ngũ doanh nhân trẻ trong sự dịch chuyển kinh tế của đất nước 30 năm qua.

Vào 30 năm trước, Việt Nam chỉ có hợp tác xã, xí nghiệp quốc doanh chứ không có doanh nghiệp, càng không có doanh nhân trẻ – đó là điều bất thường trong lịch sử, ông Thiên nói.

Tuy nhiên, từ khi bắt đầu thực hiện đổi mới từ năm 1986 đã tạo ra cơ hội cho phép kinh tế tư nhân phát triển và đóng vai trò cứu tinh cho nền kinh tế.

Mặc dù vậy, ông Thiên nhìn nhận đáng lẽ kinh tế tư nhân phải được coi là lực lượng vô cùng quan trọng, nhưng sau 30 năm đổi mới, vai trò vẫn chưa rõ ràng, chủ đạo vẫn là lực lượng khác.

“Được ưu ái nhiều không phải doanh nhân trẻ hay doanh nghiệp tư nhân mà là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài”, ông nói.

Ông Thiên cho biết đóng góp vào GDP của hộ gia đình đang chiếm 32%, doanh nghiệp Nhà nước đóng góp 27% – 28%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 20%, còn khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ đóng góp chưa đến 8%.

“Đó là thực trạng rất lạ, rất bất thường”, ông Thiên nhận xét.

Theo vị chuyên gia kinh tế, nền kinh tế bình thường dù yếu đến đâu thì khu vực tư nhân cũng đóng góp từ 60% – 70% GDP, mạnh thì đến 80% – 90%, trong khi Việt Nam sau 30 năm phát triển rực rỡ, khu vực này chỉ đóng góp chưa đến 8%.

Còn hộ gia đình nhìn chung nhỏ bé mà đóng góp lại là chủ yếu, khu vực nhà nước được nhiều ưu đãi nhưng yếu kém và thiếu hiệu quả, đó là cấu trúc có vấn đề, đáng phải suy nghĩ.

Do đó, để có thể cạnh tranh và hội nhập với thế giới, ông Thiên đề cập đến sự cần thiết phải có một chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp Việt, trong đó linh hồn là doanh nghiệp trẻ.

Vị chuyên gia đang là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết sẽ đặt lại vấn đề này với Đại hội Đảng tới đây và hy vọng chương trình sẽ giúp định hình lại một chiến lược mới cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tán đồng với chia sẻ của ông Thiên, doanh nhân Phương Hữu Việt, cựu Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng lý do doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mãi không lớn được là do luật pháp không bình đẳng.

Cụ thể, ông Việt cho biết mức thuế thu nhập doanh nghiệp của khối doanh nghiệp FDI bình quân chỉ khoảng 11%, trong khi doanh nghiệp Việt tới 29% là một sự chênh lệch quá lớn.

Cùng chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhìn nhận chưa bao giờ môi trường kinh doanh lại đang thuận lợi như bây giờ, nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức cho doanh nhân trẻ trong nước.

Một trong những điểm thuận lợi, theo ông Phong, đó là tình hình quốc tế thay đổi từ cuộc va chạm của hai nước lớn sẽ làm thay đổi cấu trúc kinh tế thế giới, các chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển… tạo ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt.

Tường Văn

Xem thêm: