Đại học công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm 100%: Tính cả chạy xe ôm, phụ quán
- Tuấn Minh
- •
Báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp của nhiều trường Đại học ở Việt Nam có tỷ lệ cao khó tin từ 90%-100% trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh. Hơn nữa, 5 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm tới 47 tỷ USD phản ánh cầu thị trường sụt giảm mạnh.
Theo truyền thông trong nước, các loại thông báo tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm từ 90%-100% không hiếm gặp được nhiều trường đại học công bố, đặc biệt là khi thời gian cao điểm tuyển sinh bắt đầu.
Dù vậy, theo các chuyên gia, con số nói trên rất khó tin và “ảo” khi nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường, dù có việc làm nhưng lại là nhóm việc làm không cần bằng cấp như: chạy xe ôm (Grab, Be,…) hay chạy bàn, phụ bưng bê trong nhà hàng, v.v…
Hơn nữa, số sinh viên được khảo sát hoặc phản hồi khảo sát chưa cao, từ đó đưa ra kết quả cho toàn khoá không thể chính xác, không thể hiện đầy đủ thực trạng hiện nay.
Theo quy định, các trường đại học phải công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm hai năm gần nhất trong đề án tuyển sinh.
Tuy nhiên, thực tế yêu cầu này bị không ít trường bỏ trống hoặc “lờ” đi. Trong khi đó, phần lớn các trường công bố tỷ lệ này với những con số “trong mơ”, theo Tuổi Trẻ.
Trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng một trường đại học công lập ở TP.HCM lý giải việc các trường đẩy tỷ lệ sinh viên có việc làm lên có thể phục vụ mục đích tuyển sinh.
Do việc khảo sát của hầu hết các trường không được thực hiện trên toàn bộ sinh viên tốt nghiệp, nên nếu có ý định gian dối, trường sẽ chọn mẫu khảo sát để ra “con số đẹp”.
“Sinh viên ra trường chạy xe ôm công nghệ, làm thời vụ… trong lúc chờ xin việc phù hợp với ngành nghề đào tạo nhưng có thể vẫn được coi là ‘có việc làm’ nên tỷ lệ khảo sát sẽ rất ảo”, người này nói.
Bình luận được nhiều lượt yêu thích nhất trên tờ Tuổi Trẻ, bạn Nguyen đặt câu hỏi: “Ảo tung chảo! Các trường đại học tung số liệu như vậy có xem là gạt phụ huynh và người học không?”.
Bạn Vân đáp lại: “Mình nghĩ trường hợp tung số liệu như này thì là gạt phụ huynh và học sinh, nên có 1 mẫu về báo cáo chi tiết về kết quả đào tạo và việc làm sau khi học xong, với các yêu cầu rõ ràng và do bên một dịch vụ các công ty khảo sát số liệu thống kê tư nhân thậm chí của nước ngoài, ví dụ như công ty của Singapore (Yougov thì phải) họ hay làm các cuộc khảo sát cho nước Anh về các vấn đề mà Anh sợ gian lận kết quả.”
Còn tài khoản Dovantha nói: “Bây giờ các trường Đại học cũng quảng cáo kinh doanh đâu thua gì DN, đầu vào thì tiếp thị rầm rộ còn đầu ra tự bươn chải. Thống kê thì không trung thực!”
Bạn Trần Trung nói: “Tôi nghĩ là các sinh viên tốt nghiệp nếu đi Grab, phục vụ quán tạm thời mà thấy báo cáo đẹp như mơ này họ sẽ cười ra nước mắt.”
Khảo sát năm 2022 của Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã thu được ý kiến phản hồi của 1.038/3.341 sinh viên tốt nghiệp từ năm 2018 – 2022, đạt tỷ lệ 31,07%. Thống kê số liệu khảo sát cựu sinh viên sau một năm tốt nghiệp của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm học vừa qua chỉ có 510/2.727 cựu sinh viên thực hiện khảo sát trên tổng số địa chỉ email đã gửi phiếu khảo sát, đạt tỷ lệ 18,70%. Nhiều chuyên gia nhận định thông tin tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hiện nay đều khó tin. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng: Việc khảo sát tình hình việc làm của sinh viên các trường phần lớn “làm cho có”, chưa chặt chẽ, dẫn đến kết quả cuối cùng không thể hiện đầy đủ thông tin tin cậy. |
Tuấn Minh (t/h)