61% thực tập sinh Nhật Bản trở về Việt Nam phải làm trái nghề
- Nguyễn Quân
- •
Tính đến cuối năm 2016, Việt Nam có tổng số thực tập sinh tại Nhật Bản đạt trên 90.000 người, vượt qua Trung Quốc, trở thành nước có số thực tập sinh cao nhất tại đảo quốc này. Tuy nhiên, có tới 61% thực tập sinh khi trở về phải làm những công việc không liên quan tới kỹ năng được đào tạo.
- Chuyên đề: Việt Nam đánh mất cơ hội ‘dân số vàng’ có một không hai như thế nào?
- Xem phần 27, phần 29, phần 30, phần 1
Đây là thông tin được đưa ra trong hội thảo Tăng cường trao đổi nhân lực Việt Nam – Nhật Bản thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng bàn về vấn đề di cư lao động và lao động nước ngoài, các cơ sở đào tạo nghề, các thực tập sinh…, diễn ra tại Hà Nội, ngày 26/5/2017.
Doanh nghiệp trong nước không tuyển dụng
Để bù đắp thiếu hụt lao động trong nước, Nhật Bản đã tiếp nhận trung bình 95.000 tu nghiệp sinh mỗi năm trong giai đoạn 2006-2009. Chương trình thực tập sinh kỹ năng ra đời vào năm 2010 đem lại quyền lợi tốt hơn cho thực tập sinh. Số lượng thực tập sinh mà Nhật Bản tiếp nhận liên tục tăng mỗi năm, đạt 110.000 người vào năm 2016.
Tính riêng Việt Nam, trong năm 2016, lượng thực tập sinh được cử sang Nhật Bản đã lên tới hơn 40.000 người, gấp hơn 4 lần so với năm 2013, nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam tại Nhật tính đến cuối năm 2016 đạt trên 90.000 người, vượt số lượng thực tập sinh của Trung Quốc và trở thành nước có thực tập sinh lớn nhất Nhật Bản.
Theo ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Luật thực tập sinh kỹ năng mới ra đời năm 2016 cho phép tăng thời gian thực tập sinh làm việc ở Nhật Bản lên 5 năm và mở rộng sang nhiều lĩnh vực tiếp nhận khác.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Nguyễn Đức Thành, lượng thực tập sinh trở về nước đang tăng lên rất nhanh. Mặc dù vậy, trình độ và nguyện vọng của thực tập sinh về nước không tương xứng với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại địa phương.
Hiện có đến 61% thực tập sinh sau khi trở về làm những công việc không liên quan đến những việc đã làm ở Nhật Bản. Nhiều người trong số đó về chỉ làm xe ôm, thợ xây hoặc quay về nghề cũ. Chỉ 11% trong tổng số thực tập sinh về nước làm công việc có liên quan với việc được đào tạo.
Lý giải về việc các nhà tuyển dụng hiện nay vẫn e ngại trong việc tuyển thực tập sinh về nước vào làm việc, TS Nguyễn Đức Thành cho biết phần lớn các chủ doanh nghiệp cho rằng thực tập sinh thường yêu cầu mức lương cao hơn so với trung bình mà doanh nghiệp có thể trả, trong khi nguồn lao động tron g nước đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng với mức lương thấp hơn. “Nếu như doanh nghiệp không thấy điểm nào đặc biệt, khác so với các ứng viên trong nước từ các thực tập sinh thì họ không có lý do gì để trả một khoản tiền cao hơn”, TS Thành chỉ rõ.
Đi tìm giải pháp
Một số chuyên gia có mặt trong hội thảo cũng cho rằng nhiều thực tập sinh sang Nhật lấy tư tưởng làm giàu, kiếm tiền làm chủ đạo, mà chưa chủ động học tập kiến thức chuyên môn, ngôn ngữ, kỹ năng mềm của người Nhật dẫn đến việc khi thực tập sinh về nước có kỹ năng ngôn ngữ, chuyên môn không khác biệt so với lao động trong nước.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam cho hay trong thời gian 3 năm, thực tập sinh phải phấn đấu học tập mọi lúc mọi nơi để đạt được trình độ tiếng Nhật N2. Khi đạt N2, các bạn sẽ nói tốt hơn những sinh viên học ngành Ngôn ngữ Nhật ở trong nước bởi lợi thế được giao tiếp hàng ngày, hàng giờ với người bản xứ – ông Trào cho hay. Đây là kỹ năng cần thiết để thực tập sinh về nước đáp ứng được yêu cầu cao về kỹ năng của chủ sử dụng Nhật Bản tại Việt Nam. “Tôi nhấn mạnh, người lao động muốn có việc làm với thu nhập cao thì phải ý thức phấn đấu trang bị kiến thức cho mình”, ông Trào nói.
Từ khía cạnh kinh tế, chính sách, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) nhận định thiếu minh bạch và thiếu sự chia sẻ thông tin trên thị trường khiến chi phí tuyển dụng đang ở mức cao. Điều này tạo áp lực thu nhập cho thực tập sinh, ảnh hưởng tới tâm lý học tập, động lực tích lũy kỹ năng…, chỉ quay cuồng kiếm tiền lo trả nợ.
TS Thành cho hay khác với thị trường khác, đối với Nhật Bản, doanh nghiệp Nhật Bản thường trang trải nhiều chi phí cho thực tập sinh sang Nhật Bản làm việc như vé máy bay, chi phí đào tạo… Việt các doanh nghiệp phái cử không nói khoản tiền này cho người lao động dẫn đến sự mập mờ trong chi phí tuyển dụng, chưa kể chi phí phát sinh do doanh nghiệp phái cử còn thông qua các môi giới trung gian.
Để giải bài toán về việc làm của thực tập sinh khi về nước, nhóm nghiên cứu của VERP kiến nghị Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phái cử quản lý thực tập sinh. Cải thiện tính minh bạch trong hoạt động trao đổi thực tập sinh, giảm vai trò của môi giới, nâng cao vai trò và năng lực của doanh nghiệp phái cử để từ đó hạ thấp phí tuyển dụng, đỡ gánh nặng cho thực tập sinh để họ chuyên tâm tích lũy kỹ năng, tri thức ngay từ những ngày đầu sang Nhật Bản.
Nguyễn Quân (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa thực tập sinh Nhật Bản làm trái nghề thực tập sinh về nước làm trái nghề Tăng cường trao đổi nhân lực Việt Nam – Nhật Bản