ĐCSTQ cầm dao 2 lưỡi RCEP đối đầu với Mỹ tại Thượng đỉnh ASEAN
- Huệ Anh
- •
Trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, hôm 3/11, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố “Thông tin cơ bản: Mỹ và ASEAN mở rộng quan hệ đối tác lâu dài”, nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và các nước ASEAN. Trong khi đó, “Hiệp định Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực” (RCEP) mà Trung Quốc đang thúc đẩy cũng chỉ còn một bước nữa là đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Theo trang web chính thức của Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam, “Thông tin cơ bản: Mỹ và ASEAN mở rộng quan hệ đối tác lâu dài” đã chỉ ra, “Mỹ đặt mục tiêu giữ vững chủ quyền, tăng cường minh bạch, giám sát nhà nước hiệu quả, lấy ASEAN làm trung tâm, và ủng hộ một trật tự dựa trên những nguyên tắc đã được thống nhất với tất cả nước đồng minh và đối tác”. Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hàng hoá và dịch vụ song phương giữa Mỹ và ASEAN đạt 334 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của ASEAN vào Mỹ là 211 tỉ USD; trong khi đó, đầu tư của Mỹ vào ASEAN đạt 271 tỉ USD, nhiều hơn tổng giá trị đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc và Nhật Bản cộng lại.
Bắc Kinh thúc đẩy tập đoàn thương mại lớn nhất toàn cầu
Trung Quốc dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một trong những đối tác thương mại chính của ASEAN, đang chủ đạo và thắt chặt thúc đẩy ký kết “Hiệp định Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực” (RCEP) trong tuần này. Tuy nhiên, do sự phản đối của Ấn Độ, việc đạt được thỏa thuận này đã bị trì hoãn. Dự kiến thỏa thuận sẽ được ký kết sớm nhất vào tháng Hai sang năm. Hiệp định này là thỏa thuận thương mại đa phương giữa Trung Quốc cùng 10 nước ASEAN và Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.
Ngoài Ấn Độ, lãnh đạo 15 nước còn lại thuộc RCEP đều biểu thị trong tuyên bố chung rằng họ đã hoàn thành toàn bộ 20 chương mục của văn bản đàm phán và đàm phán hầu như tất cả các vấn đề tiếp cận thị trường.
Phía Ấn Độ mới đây cũng cho biết sẽ không tham gia RCEP, nguyên nhân là nước này vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt tương đối lớn về các phương diện như thuế quan, thâm hụt thương mại với các nước khác và hàng rào phi thuế quan. Một khi RCEP được ký kết sẽ bao gồm 50% dân số thế giới và 30% GDP thế giới, sẽ trở thành tập đoàn thương mại lớn nhất thế giới. Bắc Kinh đang ở thế bất lợi trong cuộc chiến thuế quan với Mỹ, nên họ mong muốn RCEP có hiệu lực, để có sức mạnh cân bằng đối chọi với Mỹ.
RCEP là con dao hai lưỡi
Nếu đạt được RCEP, không loại trừ khả năng ĐCSTQ sẽ thành lập một hệ thống tiền tệ ASEAN giống như Liên minh châu Âu, khiến thương mại sẽ do Trung Quốc chủ đạo, cộng thêm việc sử dụng các thủ đoạn như kiểm soát mạng, mua chuộc bằng kim tiền và mỹ nhân kế, xuất khẩu hủ bại, v.v… sẽ biến “thương mại” trở thành một từ thay thế cho việc “xâm lược và bành trướng” kinh tế.
Tuy nhiên, RCEP cũng là một con dao hai lưỡi, nó sẽ đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển các ngành sản xuất và nguồn vốn của Trung Quốc ra nước ngoài. Ngành sản xuất cấp thấp có sự chuyển dịch; ngành sản xuất cấp trung bị ảnh hưởng bởi thuế quan; ngành sản xuất cấp cao bị Mỹ chế tài. Điều chí mạng chính là RCEP có thể đánh thức sư tử Mỹ đang chìm trong giấc ngủ.
Thư mời của Tổng thống Trump
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay, Mỹ chỉ phái Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien tham dự, cấp bậc hạ thấp hơn một bậc so với năm ngoái. Năm ngoái là do Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tham gia. Hôm 4/11, tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Mỹ – ASEAN, ông Robert O’Brien đã tuyên đọc thư mời của Tổng thống Trump gửi lãnh đạo 10 nước ASEAN, mời họ tham dự hội nghị thượng đỉnh đặc biệt được tổ chức vào quý 1 năm sau tại Washington. Do Mỹ hạ thấp cấp bậc tham dự, nên trong 10 nước ASEAN, chỉ có Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith tham dự, còn 7 nước khác đều chỉ phái các ngoại trưởng tham gia.
Ngoài ra, quan chức cấp cao của Mỹ là Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, ông nói: “Chính phủ Tổng thống Trump duy trì tiếp xúc và cam kết đầy đủ đối với khu vực này.”
Mỹ – Trung đối đầu trong lĩnh vực an ninh
Hai nước Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu trong lĩnh vực an ninh. Ông Robert O’Brien lên án Trung Quốc đe dọa các nước khác trên khu vực biển Đông, chỉ trích Bắc Kinh thông qua việc quân sự hóa khu vực biển giàu tài nguyên và tìm cách kiểm soát con đường thương mại quốc tế để ức hiếp các nước nhỏ trong khu vực Đông Nam Á. Ông nói: “Bắc Kinh lợi dụng thủ đoạn dọa nạt với ý đồ ngăn cản các nước ASEAN phát triển tài nguyên ngoài khơi, ngăn cản họ khai thác mỏ dầu và khí tự nhiên trị giá lên đến 2.500 tỉ USD.” Chủ trương độc lập toàn diện khu vực biển Đông của Trung Quốc là phi pháp, là phiên bản hiện thực của chủ nghĩa đế quốc, đây là điều mà Tòa án Trọng tài Quốc tế ở Hà Lan (Permanent Court of Arbitration) đã từ chối.
Ông Michael Beckley, học giả thỉnh giảng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ (AEI) chia sẻ với VOA rằng điều này có thể gọi là ý đồ chinh phục, “Tòa án quốc tế bác bỏ chủ trương của Trung Quốc ở khu vực biển Đông, nhưng Trung Quốc tiếp tục ý đồ thông qua các phương thức như quân sự hóa, đâm tàu thuyền, tiến hành ngăn chặn trên không và thực thi chế tài đối với các nước lân cận, để thi hành chủ trương của họ.”
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN đã cho biết, Trung Quốc và các nước ASEAN vẫn luôn giữ liên lạc hợp tác với nhau về vấn đề biển Đông, nhưng nước cá biệt “không quản xa xôi ngàn dặm đến đây, chính là muốn làm mưa làm gió tại khu vực này, làm rối loạn sự hợp tác của Đông Á, họ đến để làm rối loạn cục diện.”
Thái độ của EU
Gần đây EU cũng cho biết, không nên xem nhẹ sự bất đồng trong vấn đề biển Đông giữa Trung Quốc và các nước liên quan, mà cần dùng phương thức công chính để xử lý. Đoàn đại biểu EU trú tại Trung Quốc và Trung Quốc gần đây đã cùng tham gia “Đối thoại vấn đề an ninh trên biển giữa Trung Quốc và EU” lần thứ nhất.
Hãng AP (Mỹ) đưa tin, lần hội nghị này đã cho thấy sự lo lắng của EU đối với xung đột trên biển Đông dẫn đến thương mại toàn cầu bị gián đoạn. Ước tính, biển Đông tạo ra 5.000 tỉ USD doanh thu hàng năm cho thương mại toàn cầu.
Huệ Anh
Xem thêm: