Mỹ khẳng định: “Đường lưỡi bò” Trung Quốc phi lý, phi pháp, vô căn cứ
Trong báo cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 4/11, Hoa Kỳ khẳng định đường 9 đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc dùng để đòi hỏi yêu sách chủ quyền trên gần hết Biển Đông là “vô căn cứ, phi pháp và phi lý”.
“Yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông, được minh họa bằng ‘đường chín đoạn’ lố bịch là vô căn cứ, phi pháp và phi lý. Những yêu sách này vừa không có giá trị pháp lý, lịch sử hoặc địa lý, gây ra tổn thất thật sự cho các nước khác. Thông qua các hành động khiêu khích liên tục để khẳng định cho đường 9 đoạn này, Bắc Kinh đang cấm đoán các thành viên ASEAN tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng có thể phục hồi trị giá hơn 2,5 nghìn tỷ USD, trong khi góp phần gây ra bất ổn và rủi ro xung đột trong khu vực”, báo cáo của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết.
“Ở Biển Đông, chúng tôi thúc giục tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả Trung Quốc, hãy giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không dùng cưỡng ép và phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Báo cáo mang tên “Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung” dài 30 trang, trong đó nhiều phần nêu đích danh Trung Quốc là đối tượng gây bất ổn khu vực và thủ phạm đàn áp nhân quyền nghiêm trọng.
Trong báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ xác định Trung Quốc là một mối đe dọa to lớn và cảnh báo Bắc Kinh đang xuất khẩu sự đàn áp người bất đồng chính kiến, xã hội dân sự và tôn giáo ra các nước khác.
“Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa (PRC) đã tiến hành sách lược đàn áp ở trong và ngoài nước. Bắc Kinh không dung thứ đối với người bất đồng ý kiến, hung hăng kiểm soát truyền thông, xã hội dân sự, và đàn áp dã man các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc. Những hành động mà Bắc Kinh đang xuất khẩu ra những nước khác thông qua ảnh hưởng chính trị và kinh tế của mình, phá hoại các điều kiện đã thúc đẩy ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong hàng thập kỷ qua.
Chúng tôi kêu gọi PRC công khai chấm dứt việc đàn áp đẫm máu người Duy Ngô Nhĩ, người tộc Kazakh, người Kyrgyz và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.
Chúng tôi thúc giục ĐCSTQ không can thiệp vào quá trình lựa chọn lãnh tụ tôn giáo Tây Tạng.
Về vấn đề Hồng Kông, chúng tôi đã cảnh báo Bắc Kinh rằng họ phải tôn trọng các cam kết duy trì tự trị và các quyền tự do dân sự cho Hồng Kông theo Tuyên bố chung Anh-Trung 1984. Chúng tôi tin rằng tự do ngôn luận và tự do tụ họp ôn hòa phải được bảo vệ mạnh mẽ ở Hồng Kông và trên khắp khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”, báo cáo viết.
Về vấn Đài Loan, báo cáo cho biết Mỹ đang tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với đảo quốc này, lưu ý rằng chính quyền Hoa Kỳ đã phê duyệt việc bán vũ khí trị giá hơn 10 tỷ đô la cho Đài Loan trong năm nay.
Mỹ cũng cam kết bảo vệ không gian quốc tế của Đài Loan, và đã liên tục “bày tỏ quan ngại về các chiến thuật bắt nạt của Bắc Kinh đối với Đài Loan, bao gồm các cuộc diễn tập quân sự, gây áp lực kinh tế, dồn ép không gian quốc tế và giành giật các đối tác ngoại giao của đảo Đài Loan.”
Báo cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ còn xác nhận rằng Việt Nam là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Báo cáo viết: “Ở Đông Nam Á, chúng tôi ủng hộ Thái Lan trong vai trò chủ tịch ASEAN (năm 2019) và tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam, chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Khu vực sông Mê Kông bao gồm Campuchia, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược đối với Hoa Kỳ.
Khu vực này đang phải đối mặt với những thách thức mới đe dọa quyền tự chủ và độc lập kinh tế của họ. Những thách thức đó bao gồm: sự lệ thuộc vào nợ nần, một loạt các công trình xây dựng đập tập trung kiểm soát dòng chảy hạ lưu, kế hoạch phá đá ngầm và nạo vét lòng sông, tuần tra sông ở bên ngoài lãnh thổ, tội phạm có tổ chức và nạn buôn người gia tăng, và một số bên thúc đẩy việc xây dựng các quy định mới để quản lý dòng sông theo cách làm suy yếu các định chế.”
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc biển Đông Hoa Kỳ Việt Nam Mike Pompeo đường lưỡi bò Dòng sự kiện