Điểm tin kinh tế Việt Nam, thế giới nổi bật trong tuần (25/6-1/7)
- Chân Hồ
- •
Hàng loạt chính sách mới sẽ có hiệu lực kể từ tháng 7/2017, tranh cãi xung quanh mức thuế của Grab và taxi truyền thống vẫn chưa có hồi kết, nguồn cung thịt bò ở Trung Quốc sẽ thiếu hụt trong dài hạn, lợi nhuận ngành ngân hàng lạc quan là những tin kinh tế nổi bật trong tuần qua.
Tin kinh tế Việt Nam
- Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2017. Nguyên tắc đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam, tăng lương công chức, viên chức… là những chính sách có hiệu lực từ tháng 7.
- Hiệp hội Taxi, Grab Việt Nam tiếp tục tranh cãi chuyện lỗ, chuyện thuế. Phản hồi hôm 30/6 về những số liệu nộp thuế và kết quả kinh doanh của Grab tại Việt Nam mà Hiệp hội Taxi Hà Nội đưa ra, Giám đốc Truyền thông Công ty TNHH GrabTaxi (Grab Việt Nam), bà Nguyễn Thu An khẳng định đây là những thông tin “sai lệch”. Tuy nhiên, về phần mình, người đại diện Grab Việt Nam cũng từ chối đưa ra các thông tin chi tiết về số thuế đã nộp. Diễn biến này tiếp nối “cuộc chiến” giữa một bên là các đơn vị taxi truyền thống và một bên là Uber và Grab tại Việt Nam thời gian qua, trong đó Uber và Grab liên tiếp bị tố cáo cạnh tranh không lành mạnh.
- Tiếp tục dừng khai thác hải sản vùng đáy ở 4 tỉnh miền Trung. Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tiếp tục dừng khai thác hải sản tầng đáy trong phạm vi 20 hải lý gần bờ đối với các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
- Bộ Tài chính giữ nguyên đề xuất tăng thuế môi trường xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít. Đề xuất tăng khung thuế lên 3.000 – 8.000 đồng mỗi lít trước đó đã vấp phải phản ứng từ các hiệp hội, giới chuyên gia và người tiêu dùng. Gần đây nhất, tháng 6/2017, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) gửi văn bản tới Bộ Tài chính nêu ý kiến rằng biểu khung thuế dự kiến trong tờ trình (mức trần 8.0000 đồng/l) là quá cao.
- Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu với nhiều “cơ chế đặc biệt” giao cho các tổ chức tín dụng để xử lý rốt ráo các khoản nợ xấu đã được tích tụ, hình thành trong những năm qua. Điều này đồng nghĩa với việc người đi vay cần phải cẩn trọng đối với các khoản vay, cảnh giác với “bẫy lãi suất” vì quy định của luật pháp đang nghiêng cán cân về phía ngân hàng.
- 5 tháng đầu năm 2017, Hà Nội thu hút hơn 5 tỷ USD vốn ODA. Nhật Bản là quốc gia cung cấp vốn ODA lớn nhất cho Hà Nội với tổng số tiền cam kết khoảng 2,6 tỷ USD trong tổng số 5 tỷ USD vốn ODA mà thành phố thu hút được.
Tin kinh tế thế giới
- Được chấp nhận vào MSCI, một dấu mốc quan trọng đối với Trung Quốc. Theo đánh giá phân loại thị trường định kỳ vừa được công bố vào tuần trước (21/6), MSCI sẽ đưa 222 chứng khoán hạng A của Trung Quốc vào rổ tính toán chỉ số thị trường mới nổi MSCI EM Index.
- Bốn nước Ả Rập nêu 13 điều kiện để chấm dứt khủng hoảng với Qatar. Trong văn kiện chuyển cho Quatar ngày 22/6, Ả Rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE, Bahrain và Ai Cập đặc biệt yêu cầu Qatar đóng cửa kênh truyền hình Al Djazira và giảm quan hệ với Iran. Bốn nước cũng yêu cầu Qatar cắt đứt mọi quan hệ với tổ chức Anh em Hồi giáo, IS, al-Qaeda, Phong trào vũ trang Hezbollah của Li-băng và Mặt trận Fateh al Cham, một nhánh trước đây của al-Qaeda.
- Thịt bò Mỹ “tái xuất” ở Trung Quốc sau 14 năm cấm nhập. Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã cho phép nối lại nhập khẩu thịt bò từ Mỹ, gỡ bỏ lệnh cấm có từ năm 2003 do phát hiện một trường hợp mắc bệnh bò điên ở bang Washington. Công ty thịt COFCO Meat của Trung Quốc đã nhập khẩu lô thịt bò đầu tiên từ Mỹ vào tuần trước. Theo ông Li Zhengfang – Phó Tổng giám đốc công ty này cho biết, nguồn cung thịt bò ở Trung Quốc sẽ thiếu hụt trong dài hạn do nhu cầu tăng và nguồn lực trong nước bị hạn chế.
- Nhật Bản thiếu lao động trầm trọng nhất trong 43 năm. Tỷ lệ số nhân sự cần tuyển với số đơn xin việc ở Nhật Bản trong tháng 5 vừa qua đã lên mức cao nhất trong 43 năm, cho thấy tình trạng thiếu lao động ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang ngày càng nghiêm trọng.
Khu vực ngân hàng
- Lợi nhuận ngành ngân hàng nửa đầu năm 2017 có nhiều chuyển biến lạc quan: VietinBank dự kiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 50% kế hoạch năm. Lợi nhuận Vietcombank có thể đạt trên dưới 4.800 tỷ đồng. Và lợi nhuận ước tính của SHB là 800 tỷ đồng… Bức tranh sáng màu này của ngành ngân hàng được hỗ trợ bởi Nghị quyết xử lý nợ xấu mà Quốc hội vừa mới ban hành, theo đó, cơ hội giãn thời gian và lộ trình trích lập dự phòng rủi ro sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm thiểu chi phí trước mắt, bớt tác động tiêu cực tới lợi nhuận.
- 6 tháng đầu năm: Tín dụng tăng trưởng 7,54%, huy động vốn chỉ tăng 5,89%. Mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định. Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6% – 9%/năm đối với ngắn hạn, 9% – 11%/năm đối với trung và dài hạn.
- Vụ quẹt thẻ mất gần 700 triệu đồng: Bắt Giám đốc nhà hàng NightFall. Liên quan đến vụ du khách người Úc quẹt thẻ trả tiền ăn tối bị mất gần 700 triệu đồng, Công an TP HCM đã bắt giam Trần Tuấn Minh (22 tuổi, giám đốc nhà hàng NightFall) về tội Sử dụng thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Công an TP HCM xác định hành vi của Minh là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và ngành du lịch của đất nước nên đã bắt giam, đồng thời làm rõ vai trò những người liên quan.
Thị trường chứng khoán
- Thị trường phái sinh dự kiến khai sinh vào đầu tháng 8. Vào ngày 29/6 vừa qua, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc phụ trách HNX xác nhận các công việc chuẩn bị cho thị trường phái sinh đã hoàn tất và sẵn sàng hoạt động. Sản phẩm ban đầu được giao dịch trên thị trường phái sinh từ tháng 8 tới sẽ là hợp đồng tương lai chỉ số VN30.
- Ông Dương Công Minh được bầu làm Chủ tịch Sacombank, khép lại ba tháng ồn ào. Ông Dương Công Minh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Him Lam, đã chính thức được bầu vào Hội đồng Quản trị Sacombank với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất (198%).
- Ông Nguyễn Đăng Quang không còn là Chủ tịch của Masan Consumer. Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 23/6 của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan đã quyết định bầu ông Trương Công Thắng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật cho công ty thay cho ông Nguyễn Đăng Quang. Mới đây, Hội đồng quản trị công ty mẹ Masan cũng quyết định miễn nhiệm ông Lê Trung Thành khỏi chức vụ Phó tổng giám đốc công ty – sáng kiến chiến lược MSN chỉ sau gần 6 tháng giữ chức vụ này.
- IPO cổ phần Điện lực Dầu khí sẽ lùi lại tháng 10-11/2017 thay vì tháng 8. Nhà nước dự kiến sẽ thoái 49% vốn tại PV Power. Số lượng chào bán tại phiên IPO chiếm từ 4-5% vốn điều lệ. Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) được định giá 60.623 tỷ đồng (2,67 tỷ USD). Trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại PV Power là 33.556 tỷ đồng.
- Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng hơn 400 tỷ đồng, sắc xanh phủ kín 3 sàn trong phiên cuối tuần. HPG là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất phiên với 3,81 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 121,44 tỷ đồng. Xếp tiếp theo trong top mua ròng lần lượt là VNM (92,25 tỷ đồng), KDC (24,05 tỷ đồng), GAS (19,99 tỷ đồng), BID (13,91 tỷ đồng).
Chân Hồ (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Kinh tế Việt Nam Điểm tin kinh tế