Chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Hoa Kỳ công bố thuế quan đối ứng, Hòa Phát bất ngờ thay đổi phương án chi trả cổ tức năm 2024, giữ lại tiền mặt để chủ động ứng phó các biến động thuế quan.

Tran Dinh Long Hoa Phat
Ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh Mekongasean.

Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố Nghị quyết Hội đồng Quản trị điều chỉnh phương án chi trả cổ tức năm 2024. Theo đó, Hòa Phát cho biết sẽ chi trả cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% thay vì 15% cổ phiếu và 5% tiền mặt như kế hoạch trước đó trong tài liệu họp thường niên.

Doanh nghiệp lý giải việc điều chỉnh này xuất phát từ bối cảnh chính sách thuế đối ứng của Mỹ vừa công bố, trong đó Việt Nam chịu mức thuế 46%. Trên tinh thần thận trọng, Hòa Phát quyết định giữ lại tiền mặt để đảm bảo an toàn tài chính trước những biến động khó lường từ thị trường quốc tế.

Được biết, tính đến cuối quý IV/2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Hòa Phát đã tăng lên mức 49.600 tỷ đồng. Trong khi đó, số dư tiền mặt, tương đương tiền và các khoản tiền gửi của doanh nghiệp vẫn ở mức cao, đạt gần 25.900 tỷ đồng.

Thị trường trong nước khởi sắc, thị trường thế giới bất định

Từ năm 2021 đến nay, Hòa Phát không chỉ trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Lý do là tập đoàn tập trung nguồn lực tài chính để xây dựng Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất với tổng vốn đầu tư lên tới 85.000 tỷ đồng.

Dự án Dung Quất 2 có quy mô 280ha, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn théo cuộn cán nóng (HRC)/năm. Tính đến cuối năm 2024, Hòa Phát đã rót hơn 60.100 tỷ đồng cho dự án này.

Năm 2025, Hòa Phát tiếp tục được Thủ tướng giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất ray thép phục vụ cho dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam với tổng mức đầu tư 67 tỷ USD. Dự kiến trong tháng 4/2025, doanh nghiệp sẽ khởi công nhà máy thép ray chất lượng cao và thép đặc biệt với mục tiêu cung cấp cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Ngược chiều với những tín hiệu tích cực của thị trường trong nước, Hòa Phát phải đối diện với khủng hoảng thuế quan của thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ.

Hồi tháng 2, Tổng thống Dolnald Trump đã ký sắc lệnh thuế 25% áp lên tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Đầu tháng 4, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) lại công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó Hòa Phát chịu mức thuế 49,42%. Các đối tác thương mại của Hòa Phát như Hoa Sen, Tôn Đông Á, Nam Kim cũng phải chịu mức thuế chống phá giá lần lượt là 59%, 39,84%, 49,42%.

Ngày 9/4, thuế quan đối ứng 46% với hàng hóa từ Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ sẽ có hiệu lực đầy đủ.

Sau một tuần công bố thuế quan đối ứng (từ 2/4), thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 4 phiên liên tiếp giảm điểm sâu. Hòa Phát cũng không ngoại lệ.

Sáng 9/4, cổ phiếu HPG của Hòa Phát giao dịch ở mức 21.300 đồng/cp, giảm 5.950 đồng/cp (-21,4%) so với trước thời điểm công bố thuế quan (2/4). Vốn hóa của Hòa Phát bốc hơi 38.057 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD) chỉ sau một tuần.

Các chuyên gia phân tích nhận định chú trọng thị trường trong nước, đa dạng thị trường xuất khẩu kèm với bảo đảm an ninh tài chính là hướng đi đúng đắn của Hòa Phát cũng như các doanh nghiệp thép trong nước lúc này.

Nguyên Hương (t/h)