Đóng tàu và logistics đường biển – Chiến trường mới của Mỹ và Trung Quốc
- Trình Phàm
- •
Mới đây tờ Financial Times cho biết, vào thứ Ba (12/3) United Steelworkers (Liên minh Quốc tế Công nhân Thép, Giấy và Lâm nghiệp, Cao su, Sản xuất, Năng lượng, Công nghiệp và Dịch vụ Đồng minh) đã đệ trình chính quyền Tổng thống Biden xem lại các hoạt động kinh tế không công bằng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong lĩnh vực đóng tàu và hậu cần hàng hải (logistics), đồng thời cảnh báo nguy cơ cho an ninh quốc gia Mỹ.
Như đã biết, vận tải biển là cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu trong hàng ngàn năm qua, ngày nay vẫn luôn là phương tiện hiệu quả nhất để xuất nhập khẩu hàng hóa và nguyên liệu thô bất chấp những tiến bộ về khoa học công nghệ. Đặc biệt việc ứng dụng phần mềm vận tải và logistics ngày nay cung cấp dữ liệu quan trọng về việc các nước và công ty vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới, khiến dữ liệu này có tầm ảnh hưởng lớn về an ninh quốc gia. Ngay cả cha đẻ của kinh tế học hiện đại là Adam Smith cũng chỉ ra “ngành đóng tàu là một trong số ít ngành đáng được nhà nước hỗ trợ, không nên chỉ được quyết định bởi các lực lượng thị trường”.
Đó là vấn đề chính trong bản kiến nghị do United Steelworkers (Liên minh Quốc tế Công nhân Thép, Giấy và Lâm nghiệp, Cao su, Sản xuất, Năng lượng, Công nghiệp và Dịch vụ Đồng minh) và các nhóm lao động khác đệ trình vào thứ Ba (12/3) gửi chính quyền Tổng thống Biden.
Tờ Financial Times dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng đề nghị của công đoàn yêu cầu một cuộc điều tra thương mại đối với các hoạt động kinh tế không công bằng của ĐCSTQ trong lĩnh vực đóng tàu và hậu cần hàng hải, cáo buộc thủ đoạn chèn ép của Trung Quốc để thống trị ngành vận tải biển toàn cầu, ĐCSTQ đã thúc đẩy các chính sách làm biến dạng thị trường hàng hải, hậu cần và đóng tàu toàn cầu.
Chủ tịch David McCall của United Steelworkers lưu ý: “Mỹ từng dẫn đầu trong ngành đóng tàu thương mại, nhưng trong 20 năm qua ĐCSTQ đã sử dụng chiến lược toàn diện để thống trị mọi khía cạnh của thương mại toàn cầu, đầu tư quy mô lớn vào đóng tàu và thúc đẩy chiến lược thương mại liên quan [không công bằng]”.
Theo dữ liệu do công ty tư vấn hàng hải Clarksons Research cung cấp, trong số các tàu thương mại toàn cầu, tỷ trọng trọng tải của tàu thương mại do Trung Quốc sản xuất đã tăng từ khoảng 12% vào 20 năm trước lên hơn 50% vào năm 2023.
Nước Mỹ trong vài thập niên qua về cơ bản đã ngừng đóng tàu cho riêng mình. Năm 1975, ngành đóng tàu Mỹ đứng đầu thế giới về năng lực sản xuất, mỗi năm sản xuất hơn 70 tàu thương mại. Nhưng gần 50 năm sau, sản lượng tàu thương mại của Mỹ chỉ chiếm chưa đến 1% tổng sản lượng của thế giới và thứ hạng toàn cầu của Mỹ đã tụt xuống vị trí thứ 19. Dữ liệu từ Hội nghị Liên Hiệp Quốc Về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy, sản lượng tàu biển hàng năm của Trung Quốc cao gấp nhiều lần so với Mỹ. Năm ngoái Trung Quốc đã sản xuất hơn 1000 tàu biển, trong khi Mỹ chỉ sản xuất được khoảng 10 chiếc. Kết quả của sự bất cân xứng không chỉ mang đến những lo ngại về thương mại và quân sự cho Mỹ mà còn khiến bất kỳ nước nào dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh cảm thấy bất an.
Kiến nghị cho biết các công ty đóng tàu Trung Quốc đã được hưởng lợi từ các chính sách bảo hộ của ĐCSTQ, bao gồm các chính sách tài trợ ưu đãi từ các khoản vay ngân hàng nhà nước đến giảm thuế.
Để hồi sinh ngành đóng tàu thương mại của Mỹ, các công đoàn đang yêu cầu các biện pháp phòng vệ thương mại và hỗ trợ của nhà nước, cũng như phát triển chuỗi cung ứng trong nước và tạo việc làm mới. Bản kiến nghị cũng đề cập đến các biện pháp khắc phục và trừng phạt nhằm tạo sân chơi bình đẳng, nhằm kích thích nhu cầu đối với các tàu thương mại do Mỹ sản xuất. Chẳng hạn, áp phí cảng đối với công ty đóng tàu Trung Quốc cập cảng Mỹ, lập quỹ hỗ trợ ngành công nghiệp đóng tàu trong nước Mỹ và người lao động Mỹ…
Đáng chú ý là kiến nghị này được đệ trình theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974. Luật này từng là cơ sở pháp lý để chính quyền thời Tổng thống Trump áp dụng thuế quan bổ sung đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, khi đó vào năm 2018 chính quyền Trump phát động cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc để giải quyết thâm hụt thương mại Mỹ-Trung và tăng cường bảo vệ ngành nghề nội địa của Mỹ.
Hiện tại, chính quyền Tổng thống Biden có 45 ngày để phản hồi và quyết định có nên mở cuộc điều tra hay không. Đại diện Katherine Tai của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho hay, “Chúng tôi thấy nước Mỹ trong nhiều lĩnh vực như thép, nhôm, năng lượng mặt trời, pin và các khoáng sản quan trọng đã bị phụ thuộc Trung Quốc khiến dễ bị tổn thương, gây bất lợi cho người lao động và lợi ích doanh nghiệp Mỹ, đó là rủi ro thực sự cho chuỗi cung ứng của chúng tôi. Hy vọng kiến nghị này sẽ được đánh giá cẩn thận”.
Vấn đề này nhìn bề ngoài tưởng như chỉ nhắm vào một ngành nhưng thực tế lại có mức độ ảnh hưởng toàn cầu rất lớn, không chỉ có khả năng châm ngòi lại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, còn khiến cộng đồng quốc tế chú ý lớn hơn đến sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và ngành vận tải thương mại khổng lồ hỗ trợ. Kiến nghị này đã thu hút sự chú ý đến nền tảng phần mềm của ĐCSTQ là “Nền tảng thông tin công cộng về vận tải và logistics quốc gia (Logink)” – nền tảng này cung cấp dữ liệu logistics chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể đe dọa an ninh quốc gia của nước liên quan.
Theo các nguồn tin, 90% hàng hóa quân sự của Mỹ được vận chuyển bằng tàu buôn, ĐCSTQ sẽ biết vị trí và điểm đến của những hàng hóa này. Logink là một phần trong chiến lược tổng thể của ĐCSTQ nhằm giành quyền chi phối.
Bộ Giao thông Vận tải Mỹ gần đây cũng chỉ ra, ĐCSTQ đang thúc đẩy các tiêu chuẩn dữ liệu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng Logink tại các cơ sở hạ tầng cảng quan trọng, như vậy có thể cung cấp cho ĐCSTQ khả năng truy cập hoặc thu thập “dữ liệu về vận tải và logistics nhạy cảm”.
Từ khóa Dòng sự kiện mối quan hệ Mỹ - Trung ngành đóng tàu Logink logistic