Mỹ – Trung lặng lẽ gia hạn Thỏa thuận hợp tác Khoa học – Công nghệ
- RFI
- •
Theo WSJ, một thỏa thuận công nghệ mang tính bước ngoặt giữa Mỹ và Trung Quốc đã hết hạn vào cuối tháng Hai năm nay nhưng không được gia hạn, vấn đề khiến giới học thuật hai nước bối rối. Thực tế dù không nước nào xác nhận việc gia hạn nhưng có phải thỏa thuận đã chấm dứt? Không phải vậy, vì việc gia hạn được thực hiện một cách lặng lẽ, không có tuyên bố chính thức nào. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh vẫn tiếp tục, liên tiếp đây là lần gia hạn thứ hai của thỏa thuận, chỉ gia hạn 6 tháng.
Thỏa thuận hợp tác khoa học và công nghệ Mỹ-Trung (U.S.-China Science and Technology Agreement) là thỏa thuận song phương đầu tiên được hai nước ký kết sau khi vào năm 1979 Washington chính thức công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hồi đó Trung Quốc đang tụt hậu về khoa học và Mỹ coi thỏa thuận này là một cách để tác động đến hành vi và quỹ đạo phát triển của Trung Quốc. Ngày nay, Mỹ và Trung Quốc là đối tác nghiên cứu khoa học lớn nhất và là đối thủ cạnh tranh của nhau. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cạnh tranh để giành vị trí dẫn đầu quốc tế trong các lĩnh vực như điện toán lượng tử, công nghệ sinh học và khoa học nano.
Sau nhiều thập niên hợp tác, việc thỏa thuận này được gia hạn thêm 5 năm là dễ hiểu cho dù ngày càng có nhiều cơ quan của Mỹ cảnh giác khi làm việc với các đối tác Trung Quốc. Tháng 8 năm ngoái khi căng thẳng song phương leo thang, Mỹ và Trung Quốc đã miễn cưỡng gia hạn thỏa thuận thêm 6 tháng – chỉ đủ để giữ cho thỏa thuận có ý nghĩa cột mốc này không bị đổ vỡ. Vào tháng 2 năm nay khi thời gian thỏa thuận hết hạn đến gần, quan hệ Mỹ-Trung dù đã được cải thiện nhưng chưa đủ để có thể tiếp tục ký kết một cách dứt khoát.
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh để giành quyền thống trị về công nghệ và quân sự toàn cầu, cố gắng thiết lập các tiêu chuẩn mới trong hợp tác và cạnh tranh, việc lặng lẽ gia hạn thỏa thuận và tính chất kéo dài của các cuộc thảo luận sâu hơn làm nổi bật tính chất phức tạp của quan hệ Mỹ-Trung.
Trợ lý giáo sư Deborah Seligsohn về khoa học chính trị tại Đại học Villanova cho biết: “Trong hoàn cảnh vừa là đối tác lại là đối thủ, hai bên phải tìm ra cách để làm sao thích nghi được”.
Giới quan sát phổ biến cho rằng thỏa thuận này theo thời gian đã không tương xứng những thay đổi trong mối quan hệ giữa hai nước và các ưu tiên chiến lược tương ứng. Những người chỉ trích cho rằng cần có sự phân biệt rõ ràng hơn giữa mục đích sử dụng quân sự và dân sự trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử, về các công nghệ sạch như xe điện, tấm pin mặt trời và pin khiến căng thẳng thương mại giữa hai nước ngày càng gia tăng.
Trong một thỏa thuận riêng vào năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý để tổ chức các cuộc đàm phán nhằm giải quyết các rủi ro của AI. Hai bên cũng đã hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và bày tỏ sự cần thiết hợp tác trong các lĩnh vực như y tế công cộng và an toàn thực phẩm.
“Các biện pháp bảo vệ nâng cao trong thỏa thuận sẽ rất quan trọng đối với bất kỳ sự gia hạn dài hạn nào”, Bộ Ngoại giao Mỹ viết khi đáp lại yêu cầu bình luận về thỏa thuận, chỉ ra mối lo ngại của các quan chức Mỹ về các ưu tiên quốc gia và tình hình pháp lý trong nước của Trung Quốc là vấn đề thực tế. Phản hồi yêu cầu bình luận, phát ngôn viên Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã viết rằng, “Trao đổi và hợp tác khoa học và công nghệ Trung Quốc-Mỹ về cơ bản là đôi bên cùng có lợi”. Ông Lưu xác nhận bản thân không có quyền chứng thực “tiến triển cụ thể” liên quan.
Lần gia hạn đầy đủ gần đây nhất của thỏa thuận là vào năm 2018 – động thái sau khi chính quyền Trump khi đó có có những điều chỉnh để phản ánh mối lo ngại của Mỹ về Trung Quốc liên quan bản quyền sở hữu trí tuệ của. Tháng 8 năm ngoái Mỹ quyết định đàm phán lại các điều khoản mới. Nhưng những nguồn tin gần gũi với hoạt động đàm phán này cho biết, đàm phán này chỉ chính thức bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái khi Tổng thống Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, tuy nhiên cũng bị gián đoạn bởi kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và kỳ lễ hội mùa xuân Trung Quốc (Tết Nguyên đán).
Cho dù cách tiếp cận cởi mở hơn của Mỹ đối với khoa học và công nghệ là tốt cho sự đổi mới, nhưng các nhà phê bình chỉ ra nhiều vấn đề khiến Washington gặp khó khăn để xây dựng phương châm chiến lược trong hợp tác, vì lo ngại Bắc Kinh có được những năng lực quan trọng trong các lĩnh vực then chốt.
Theo báo cáo công bố năm ngoái (2023) của Ủy ban Hành động Khoa học và Công nghệ (Science & Technology Action Committee) của tổ chức phi lợi nhuận Mỹ, trong một cuộc khảo sát với gần 2000 người Mỹ (làm việc trong lĩnh vực giáo dục, y tế, kinh doanh, quân sự, an ninh quốc gia, và khoa học), 60% tin rằng trong vòng 5 năm tới Trung Quốc sẽ trở thành nước dẫn đầu thế giới về khoa học công nghệ chứ không phải Mỹ.
Thỏa thuận này đã gây ra tranh cãi giữa các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa. Tháng 6 năm ngoái, Chủ tịch Mike Gallagher của Ủy ban Lựa chọn của Hạ viện Mỹ về Cạnh tranh Chiến lược giữa Mỹ – Trung đã dẫn đầu một nhóm dân biểu yêu cầu Bộ Ngoại giao hủy bỏ thỏa thuận, nói rằng Trung Quốc đã đạt được lợi thế quân sự thông qua mối quan hệ công nghệ với Mỹ.
Tháng 8 năm ngoái, Đại diện Đảng Cộng hòa Andy Barr bang Kentucky cũng đã đưa ra một dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao cung cấp cho Quốc hội bản đánh giá rủi ro an ninh, nếu không thỏa thuận sẽ bị thu hồi. Cùng năm đó, một đạo luật có hiệu lực ngăn cản giảng viên tại các trường đại học công lập ở Florida thuê các nghiên cứu sinh và tiến sĩ người Trung Quốc làm việc trong phòng thí nghiệm của họ.
Những người quen thuộc với các cuộc thảo luận cho biết, Trung Quốc hy vọng giữ quan điểm cởi mở trong hoạt động hợp tác khoa học, trong khi Mỹ muốn hạn chế lĩnh vực hợp tác. Washington cũng đang tìm cách bổ sung “điều khoản có ý định tốt” nhằm quy định hoạt động nghiên cứu chung sẽ chỉ nhằm mục đích hòa bình chứ không nhằm mục đích quân sự.
Nhà nghiên cứu Denis Simon tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ-Trung có trụ sở tại Washington chỉ ra rằng yêu cầu then chốt của Mỹ trong vòng đàm phán này là đảm bảo an toàn cá nhân cho các nhà nghiên cứu Mỹ và bảo vệ họ khỏi bị giam giữ tùy tiện ở Trung Quốc. Simon đã nói chuyện với các quan chức của cả hai bên trong cuộc đàm phán.
Năm 2023, Trung Quốc sửa đổi “Luật phản gián” để tăng cường kiểm soát dữ liệu khổng lồ và xác định lại phạm vi thu thập thông tin hợp pháp. Bắc Kinh sau đó đã làm rõ rằng luật này không nhằm vào hoạt động nghiên cứu học thuật. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây đưa tin về những vụ việc các học giả và sinh viên Trung Quốc bị chặn và thẩm vấn khi vào Mỹ. Một số người trong số họ đã bị từ chối nhập cảnh và bị thu hồi thị thực.
Theo báo cáo do Viện Giáo dục Quốc tế (Institute of International Education, IIE) do Chính phủ Mỹ tài trợ công bố, số lượng công dân Trung Quốc học tập tại Mỹ đã giảm năm thứ ba liên tiếp trong năm học 2022-2023, giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm học 2013-2014. Nhà nghiên cứu Simon cho biết vấn đề gai góc nhất là dữ liệu, vì có nhiều cơ quan khác nhau của Chính phủ Trung Quốc tham gia.
Mỹ yêu cầu sự rõ ràng hơn nữa về quyền truy cập, quyền sở hữu và chia sẻ dữ liệu. Lượng dữ liệu có thể truy cập công khai ở Mỹ lớn hơn nhiều so với ở Trung Quốc – thường chỉ cho phép các dự án cụ thể sử dụng các bộ dữ liệu cụ thể. Vào năm 2022, Bắc Kinh bắt đầu kiểm duyệt và cuối cùng hạn chế quyền truy cập vào dữ liệu học thuật và y tế, với lý do lo ngại về an ninh mạng và quyền riêng tư dữ liệu. Nhà chức trách sau đó đã phạt cơ sở dữ liệu học thuật lớn nhất Trung Quốc vì vi phạm các quy định về xử lý thông tin cá nhân.
Những người ủng hộ cho rằng việc tiếp tục hợp tác giao lưu tiếp xúc giúp hai bên hiểu nhau hơn, cho rằng một Trung Quốc giờ đây phát triển hơn đã giúp các nhà khoa học Mỹ tiếp cận với công nghệ tiên tiến [hiệu quả hơn]. Simon nói: “Đây là cơ hội thực sự để đôi bên cùng có lợi. Ngay cả khi không có thỏa thuận, các nhà nghiên cứu của cả hai nước vẫn có thể cộng tác với nhau, nhưng dự án của họ sẽ không nhận được sự công nhận chính thức tương ứng từ chính phủ mỗi nước”.
Từ khóa mối quan hệ Mỹ - Trung