Năm 2024, tình hình căng thẳng địa chính trị kết hợp với việc các ngân hàng trung ương quốc gia bổ sung lượng vàng khổng lồ trong năm bầu cử quan trọng đối với nhiều nền kinh tế lớn được xem là những yếu tố khiến cho thị trường vàng thế giới và Việt Nam tiếp tục trở nên sôi động.

Thị trường vàng
(Ảnh minh họa: EamesBot/Shutterstock)

Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) chỉ ra nhu cầu trữ vàng của người dân đạt mức kỷ lục vào năm 2023 khi căng thẳng địa chính trị dai dẳng thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn.

Tổng giao dịch vàng ở mức 4.899 tấn vào năm 2023, trong khi chỉ có 4.741 tấn vào năm 2022. Các giao dịch thông qua quầy bán cũng như dòng chảy chứng khoán phản ánh sự thay đổi về lượng vàng được điều phối trong năm qua.

Ông Shaokai Fan, Giám đốc nghiên cứu các Ngân hàng Trung ương tại WGC, cho biết yếu tố khiến giá vàng tăng cao vào năm 2023 nằm ở cuộc chiến Nga – Ukraine, xung đột Israel – Hamas cũng như sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc.

“2023 là năm cao thứ hai trong lịch sử mua vàng của ngân hàng trung ương Mỹ, gần bằng mức cao kỷ lục vào năm 2022”, ông Shaokai Fan nhận định.

Giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại 2.100 USD/ounce vào tháng 12/2023 khi các ngân hàng trung ương cũng như các nhà đầu tư bán lẻ tăng cường mua vào.

Báo cáo cũng cho thấy ngân hàng nhà nước Trung Quốc là đơn vị mua vàng lớn nhất với 225 tấn vào năm ngoái, nâng lượng dự trữ lên 2.235 tấn. Shaokai Fan đánh giá rằng khi thấy ngân hàng nhà nước có xu hướng trữ vàng, người dân cũng coi đây là kênh đầu tư hấp dẫn. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc khiến nhiều nhà đầu tư hướng tới vàng.

“Người dân Trung Quốc lo lắng về tương lai của các loại tài sản khác và họ đang chuyển sang vàng như một cách để bảo vệ. Vàng thực sự có lãi rất tốt ở quốc gia này”, ông Shaokai Fan cho hay.

Bên cạnh đó, dữ liệu từ WGC cho thấy Trung Quốc đã soán ngôi Ấn Độ trở thành nước mua vàng trang sức lớn nhất thế giới vào năm 2023. Người dân nước này mua 603 tấn vàng trang sức trong năm ngoái, tăng 10% so với năm trước. Điều này đến từ việc các đám cưới được tổ chức liên tục sau khi trì hoãn do đại dịch.

Theo WGC, việc mua vàng trong năm 2024 khó có thể đạt được mức của năm 2023. Nếu lạm phát giảm, người tiêu dùng có thể bắt đầu cảm thấy giàu có hơn, làm giảm nhu cầu mua vàng.

Cục dự trữ Liên bang Mỹ có mục tiêu đưa lạm phát trở lại mức 2% mà không gây ra suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị leo thang trong năm bầu cử quan trọng đối với nhiều nền kinh tế lớn cùng với việc các ngân hàng nhà nước tiếp tục mua vào khiến thị trường vàng vẫn sôi động.

Tại Việt Nam, cuối ngày 4/3, Công ty Vàng bạc – Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào 78,4 triệu đồng/lượng, bán ra 80,4 triệu đồng/lượng – tăng 200.000 đồng/lượng so với buổi sáng. Trong ngày, có thời điểm giá vàng miếng tăng tới 80,6 triệu đồng/lượng.

So với mức đỉnh 81 triệu đồng/lượng được lập chớp nhoáng trong ngày cuối tuần vừa qua, giá vàng miếng đã giảm, song vẫn đang duy trì ở vùng cao nhất từ trước tới nay.

Không chỉ vàng, giá USD trong ngân hàng và trên thị trường tự do cũng tăng mạnh trong ngày 4/3. Cuối ngày, Vietcombank giao dịch giá USD mua vào 24.500 đồng, bán ra 24.840 đồng, tăng 20 đồng/USD so với hôm qua. Eximbank niêm yết giá mỗi USD mua vào 24.520 đồng, bán ra 24.830 đồng.

Trên thị trường tự do, giá USD tiếp tục đi lên, vượt 25.500 đồng. Các điểm thu đổi ngoại tệ giao dịch USD mua vào 25.630 đồng, bán ra 25.700 đồng – tăng khoảng 110 đồng so với hôm trước. Giá USD trong ngân hàng và trên thị trường tự do cùng tăng mạnh những ngày qua.

Phan Anh

Video: 8 nguyên tắc vàng khi giao tiếp ai cũng cần phải biết