Gần 100 doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu với tổng giá trị 128.500 tỷ đồng
- Trọng Minh
- •
Tính đến ngày 4/5, có tới 98 doanh nghiệp chậm trả nợ vay và nợ gốc trái phiếu với tổng giá trị khoảng 128.500 tỷ đồng, chiếm hơn 11% lượng trái phiếu lưu hành. Rất nhiều người mua trái phiếu doanh nghiệp tố bị lừa bởi một số ngân hàng, trong đó có những người lớn tuổi về hưu với số tiền tích cóp có thể mất trắng.
Cụ thể, theo báo cáo tháng 4 của FiinRatings, tính đến ngày 4/5, có tới 98 tổ chức phát hành chậm trả nợ vay và nợ gốc của nhiều lô trái phiếu với tổng giá trị là khoảng 128.500 tỷ đồng.
So sánh với tổng lượng trái phiếu đang lưu hành, tỷ lệ trả nợ chậm có xu hướng tăng theo các lần cập nhật, từ 8,1% vào thời điểm 17/3/2023 tới 9,7% một tháng sau đó và đạt mức 11% tại lần cập nhật mới nhất ngày 4/5/2023.
Vào giữa tháng 5/2023, thông tin một doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu hơn 1.000 tỷ đồng đang làm thủ tục giải thể được coi như một tiếng chuông cảnh báo.
Chưa hết, báo cáo do FiinRatings phát hành đầu tháng 4/2023 cho thấy 48% doanh nghiệp đang chậm trả nợ trái phiếu (trong số 69 tổ chức phát hành gặp phải tình trạng này ghi nhận tại thời điểm lập báo cáo) có liên quan đến nhau, trong đó có 27% thuộc về cùng một tập đoàn (theo quan hệ sở hữu mẹ – con, hoặc cùng một công ty mẹ), 13% có cùng pháp nhân đại diện/sở hữu và 7% là đối tác liên kết, góp vốn đầu tư của nhau.
Theo ghi nhận, hàng chục “khổ chủ” trái phiếu An Đông (Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông), Quang Thuận (Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận), Thiên Phúc (Công ty TNHH một thành viên Khách sạn quốc tế Thiên Phúc)… đã tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM nộp đơn tố cáo, theo báo Đầu Tư.
Những người này cho biết bị gài bẫy thành trái chủ, có nguy cơ mất trắng hàng tỷ đồng tích cóp do doanh nghiệp phát hành không trả nợ hoặc im hơi lặng tiếng, hoặc không trả lãi, không mua lại, v.v…
Như trái chủ P.T.Bình (56 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) làm nghề bán nước mía, đã mang gần 1,3 tỷ đồng tới SCB gửi tiết kiệm. Nhưng sau sự “dẫn dắt” của nhân viên giao dịch ngân hàng SCB, bà lại chuyển thành mua trái phiếu An Đông và dòng tiền về đã thành con số 0.
Trong khi đó, ông T.Q.My (66 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM) cùng vợ tích cóp hơn 1 tỷ đồng gửi tiết kiệm tại SCB Chi nhánh Nguyễn Sơn để lấy lãi lo thuốc thang lúc ốm đau, giờ tiền có nguy cơ “bốc hơi” theo trái phiếu An Đông.
Còn bà T.T.T. (61 tuổi) suốt 36 năm qua chỉ làm trong ngành giáo dục rồi về hưu, mà trở thành trái chủ khi bị lừa mua gần 1 tỷ đồng trái phiếu.
3 mã trái phiếu An Đông giao dịch tại ngân hàng SCB có tới khoảng 40.000 trái chủ, chưa nói trái phiếu Quang Thuận, Thiên Phúc. Nhưng bằng chứng thể hiện, đa số họ đều giao dịch mua trái phiếu từ tài khoản tại SCB.
Các trái phiếu trên đều từ doanh nghiệp chưa niêm yết, tình hình tài chính chưa công khai, minh bạch và đều ở dạng có rủi ro cao nhất với 3 hoặc 4 “không” (không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không có bảo lãnh thanh toán), khiến cả nhà đầu tư chuyên nghiệp còn “run tay”. Vậy tại sao những ông cụ, bà lão” lại dám lấy tiền tỷ ra mua?
Theo bà T.T.T, vì quá tin tưởng nhân viên ngân hàng SCB tư vấn nên mới bị dẫn dắt. Cứ nghĩ đang gửi tiết kiệm hình thức mới, không ngờ đang mua trái phiếu.
Trước đó, bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bị bắt với cáo buộc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hiện hệ sinh thái của tập đoàn này cũng đang bị điều tra, phong tỏa.
Từ khóa Trái phiếu doanh nghiệp ngân hàng SCB Vạn Thịnh Phát Dòng sự kiện