Sau nhiều lần Geleximco tha thiết xin làm nhiệt điện, Bộ Công thương đã chính thức đáp lại bằng đề xuất Chính phủ cho phép giao dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) cho Geleximco và liên danh Trung Quốc thực hiện.

Geleximco
Geleximco của ông Vũ Văn Tiền được Bộ Công thương đề xuất cho làm nhiệt điện với Trung Quốc. (phải).Văn

Bộ Công thương lý giải việc đưa được một dự án nhiệt điện vào hoạt động không chỉ giải quyết công ăn việc làm, đóng góp thêm hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách địa phương mà còn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thoạt nghe thì có vẻ tốt đẹp, nhưng đáng ngại hơn là thực tế đằng sau bức tranh hào nhoáng đã bị bỏ qua. Tại sao Geleximco “năm lần bảy lượt” xin làm dự án nhiệt điện? Đằng sau Geleximco là ai? Và những tác động về môi trường cũng như an ninh quốc phòng đằng sau quỹ đất lớn của dự án lại chưa được đánh giá và đề cập đúng mức.

“Năm lần bảy lượt” xin làm nhiệt điện

Thời gian qua, tập đoàn Geleximco liên tục đề xuất xin được tham gia thực hiện các hạng mục cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam. Vào tháng 7/2017, tập đoàn này xin Chính phủ cho phép cùng với liên danh Trung Quốc – Công ty TNHH Hồng Kông United (HUI) – đầu tư vào 5 dự án nhà máy nhiệt điện: Quỳnh Lập 1, Quỳnh Lập 2, Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2 và Hải Phòng 3 với 75% – 80% vốn thực hiện dự án từ công ty Trung Quốc.

Tháng 10/2017, chỉ 3 tháng sau, Geleximco tiếp tục gửi văn bản lên Thủ tướng xin đầu tư 2 dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Quảng Trạch 2. Nguồn vốn cho dự án sẽ được Geleximco – HUI vay chủ yếu từ các tổ chức tín dụng của Trung Quốc với tỷ lệ đối ứng 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay.

Đến tháng 3/2018, Geleximco và liên danh lần thứ hai liên tiếp gửi đề xuất xin làm 2 dự án nhiệt điện nói trên và cam kết sẽ chịu trách nhiệm thu xếp vốn mà không cần bảo lãnh Chính phủ và sẵn sàng rót tiền ngay lập tức nếu đề xuất đầu tư được Chính phủ thông qua.

Các tần suất gửi đơn cho thấy Geleximco và liên danh Trung Quốc tha thiết mong được làm dự án đến mức nào. Vậy điều gì khiến bộ đôi này tha thiết làm dự án đến thế?

Đó là vị trí. Cả 5 dựa án nhà máy nhiệt điện gần đây mà liên danh Geleximco – HUI xin đầu tư góp vốn đều có vị trí chiến lược tại các cửa ngõ phía Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Nếu như Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 nằm cách Cảng nước sâu Nghi Sơn chỉ chừng 12 km với diện tích là 150 ha, thì Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, 2 cũng rất gần Cảng Hòn La (Quảng Bình), trong khi Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 3 nằm cận kề Cảng Hải Phòng chiến lược.

Do đó, rất có thể những khu đất rộng rãi của dự án bên cạnh các vị trí chiến lược mới là mục đích nhắm đến thật sự của phía đối tác Trung Quốc.

Với một liên danh không tiếc tiền và được sự yểm trợ đắc lực từ 4 Ngân hàng quốc doanh Trung Quốc do Ngân hàng Phát triển Nhà nước Trung Quốc đứng đầu, hiệu quả của dự án nhiệt điện không còn là vấn đề gì đó quá lớn và đáng quan tâm bằng việc Trung Quốc có thể tiếp cận được đất đai, các cảng biển cũng như đẩy được công nghệ lạc hậu và đưa người Trung Quốc sang làm việc tại các dự án.

Nếu các cảng biển nội địa cũng rơi vào tay Trung Quốc theo cái cách mà Sri Lanka, Hy Lạp, Campuchia, Myanmar hay nhiều nước khác đang mắc phải, cộng với các hoạt động xây lắp trái phép ngoài khơi thuộc vùng tranh chấp chủ quyền với Việt Nam đang được Bắc Kinh đẩy mạnh, khi đó, nguy cơ các tuyến hàng hải huyết mạch của quốc gia rơi vào tầm kiểm soát của Trung Quốc là điều không thể không dè chừng.

Bộ Công thương hưởng ứng

Sau nhiều lần khẩn xin làm thủy điện, Geleximco và liên danh Trung Quốc đã được Bộ Công thương bật đèn xanh thông qua việc Bộ này gửi văn bản đề xuất Thủ tướng cho phép liên danh Geleximco – HUI được làm dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) thay cho Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Trong văn bản trình lên Thủ tướng vào hôm 21/6, Bộ Công thương đánh giá TKV không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu vốn để triển khai dự án đúng tiến độ, do đó, Bộ này đề xuất Thủ tướng nên giao dự án cho liên danh Geleximco – HUI.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý là 80% vốn của dự án chủ yếu đến từ các khoản vay với ngân hàng Trung Quốc, Geleximco chỉ là một cái tên hợp thức hóa cho liên danh và đóng vai trò như là người “đưa đường dẫn lối” cho công ty Trung Quốc.

Cụ thể, theo phương án tài chính được Geleximco – HUI đưa ra, có đến 80% vốn đầu tư dự án sẽ được huy động từ tổ hợp các ngân hàng do Ngân hàng Phát triển nhà nước Trung Quốc đứng đầu, gồm: Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chi nhánh Hồ Nam, An Huy và Ngân hàng Công Thương Trung Quốc.

Trao đổi với báo giới, Geleximco cho biết khả năng vay vốn nước ngoài ở các quốc gia châu Âu, Mỹ để làm nhiệt điện là bất khả thi, do đó, việc tập đoàn này đàm phán được với liên danh Trung Quốc chấp thuận đầu tư được Geleximco ví như là một “cứu cánh” giúp giải tỏa bế tắc và đảm bảo an ninh năng lượng. Geleximco cũng không tiếc lời khen ngợi công nghệ của đối tác Trung Quốc là siêu tới hạn, sôi tuần hoàn, vượt bậc hàng đầu thế giới…

Tuy nhiên, câu hỏi đáng quan tâm hơn đã không được Geleximco đề cập, rằng tại sao cứ phải làm nhiệt điện bằng mọi giá trong khi các tổ chức thế giới như  Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới và Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) đều lên tiếng cảnh báo về những tổn hại tiêu cực đến môi trường và xã hội của các dự án nhiệt điện than. Trong khi xu hướng toàn cầu đang là phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… thì Việt Nam lại tích cực đẩy mạnh các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người trầm trọng. Thêm vào đó, lại phải đi vay tiền Trung Quốc để làm dự án với nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Từ phía TKV và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trước đây đều lên tiếng tỏ ý không đồng tình và cảnh báo việc giao dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 cho Geleximco – HUI là đi ngược lại với chủ trương của TKV phải là cổ đông chính và đề xuất đầu tư theo hình thức PPP của Geleximco là chưa được quy định đối với công trình điện.

Sau khi lắng nghe các ý kiến các bên, Bộ Công thương đã đưa ra phương án của mình bằng việc chính thức ủng hộ giao dự án trên cho liên danh Geleximco – HUI thực hiện.

Nếu đề xuất của Bộ Công thương được Chính phủ thông qua, nhiều khả năng không chỉ là 1 dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 mà còn 4 dự án khác cũng đang được Geleximco lên danh sách sẽ chính thức được trao cho công ty Trung Quốc thực hiện trong bối cảnh hàng loạt các dự án đầy tai tiếng khác của nhà thầu Trung Quốc đến nay vẫn luôn bị đội vốn, bị đẩy lùi tiến độ không ngừng nghỉ mà dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một ví dụ hiện hữu trước mắt. Điều này khiến dư luận không khỏi đặt nghi vấn tại sao lại luôn là Công ty Trung Quốc?

Tường Văn

Xem thêm: