Giá phân bón tăng mạnh – Hạn chế xuất khẩu để bảo đảm nguồn cung trong nước?
- Quang Minh
- •
Giá phân bón tăng mạnh trong thời gian qua khiến người dân gặp khó trong khi doanh nghiệp sản xuất báo lãi quý 1/2022 gấp vài lần cùng kỳ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đề xuất bổ sung phân bón vào danh sách chịu thuế xuất khẩu để bảo đảm nguồn cung trong nước.
Bộ NN&PTNT vừa đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ áp thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón như Urê, DAP, MAP,… Đồng thời Bộ này đề nghị có biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các loại phân bón để bảo đảm nguồn cung trong nước trong bối cảnh giá phân bón thời gian qua liên tục tăng.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cho biết trong quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu phân bón đạt khoảng 439 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo báo Tiền Phong, các doanh nghiệp lý giải giá phân bón tăng cao thời gian qua chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân và chi phí vận chuyển tăng cao. Bên cạnh đó, một phần tác động do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga-Ukraine, cùng với việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân bón nên nguồn cung trên thị trường thế giới khan hiếm, đẩy giá phân bón tiếp tục leo thang.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết nhu cầu sử dụng phân bón cho nông nghiệp năm 2022 không có biến động lớn so với năm ngoái. Tuy vậy, nhiều loại phân bón dù tự chủ được nguồn cung ở trong nước như phân Lân, phân Urê, phân NPK nhưng vẫn tăng giá gấp 2-3 lần.
Theo ghi nhận, giá phân Urê Cà Mau, Urê Phú Mỹ hiện được các đại lý rao bán khoảng 18.000 đồng/kg, Urê Hà Bắc khoảng 16.000 đồng/kg (gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái). Phân DAP Đình Vũ được bán với giá 18.800 đồng/kg, DAP Lào Cai 18.500 đồng/kg,…
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết phân bón chiếm tới gần 50% chi phí giá thành sản xuất. Giá các loại phân bón tăng cao đang ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất của người dân. Hiện đã có hộ dân trồng ngô, chè phải tạm dừng sản xuất vì không chịu được đà tăng giá của phân bón, tránh càng sản xuất càng lỗ.
Ông Trần Văn Cần (huyện Phong Điền, Cần Thơ) cho biết nhà ông có 15.000 m2 đất trồng mít Thái, bình quân một vụ ông tiêu tốn 100 triệu đồng tiền bón phân. Năm nay, giá mít Thái đi xuống chỉ còn 5.000-8.000 đồng/kg, thậm chí có lúc không có người mua. Ông Cần nhẫm tính lỗ khoảng 80 triệu riêng tiền phân bón, báo Lao Động đưa tin.
Tương tự, ông Nguyễn Phước Tượng (huyện Long Mỹ, Hậu Giang) cho hay vụ lúa đầu năm nay nhà ông trồng 12.000 m2, với giá bán ra cho những người thu mua được khoảng 42 triệu đồng, trong khi riêng tiền phân bón từ đầu mùa vụ đến nay đã hết 80 triệu đồng. “Không biết tiền đâu trả cho đại lý, mấy ngày nay đại lý gọi tôi chưa dám nhấc máy, nếu tăng thế này nông dân làm gì ăn”, ông Tượng nói.
Trong khi đó, các công ty sản xuất phân bón báo cáo doanh thu và lợi nhuận quý 1/2022 tăng gấp vài lần cùng kỳ năm trước. Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau đạt doanh thu quý 1/2022 là 3.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.518 tỷ đồng (gấp 10 lần cùng kỳ năm 2021).
Một số doanh nghiệp sản xuất phân bón khác như: Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí đạt lợi nhuận sau thuế lên tới 2.126 tỷ đồng (gấp 12 lần so với cùng kỳ); Công ty cổ phần DAP-Vinachem có lợi nhuận đạt 146 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ 2021; Công ty Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc có lợi nhuận sau thuế đạt 868 tỷ đồng (trong khi năm ngoái lỗ 249 tỷ đồng), v.v…
Theo báo Tiền Phong, một thành viên (không nêu danh tính) của Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng nếu nói giá phân bón tăng cao do các chi phí đầu vào như cước vận chuyển, nguyên liệu nhập khẩu tăng… là chưa hợp lý. Ví dụ như thị trường phân Urê rất đặc thù, việc sản xuất dựa trên nguồn nguyên liệu là khí và than trong nước, doanh nghiệp sản xuất hiện nay đa số là doanh nghiệp nhà nước.
Vị này cho hay hiện nay các doanh nghiệp phân bón ưu tiên xuất khẩu nhiều sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước. Ngoài ra, các bộ ngành cần làm rõ giá phân bón tăng gấp vài lần là do nguyên nhân nào, nếu không kiềm chế được đà tăng giá của phân bón nhiều người sẽ phải bỏ ruộng vườn, ảnh hưởng chung đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Từ khóa giá phân bón phân bón trong nước thị trường phân bón